''Thực ra, chúng tôi muốn có quan hệ chính thức với Hoa Kỳ.''
Tổng thống Thein Sein tiến hành cải cách nhằm đưa Miến Điện thoát ra khỏi sự cô lập trên chính trường quốc tế (AFP)
Hôm qua, 25/11/2011, Miến Điện đã đề nghị cùng Hoa Kỳ xây dựng mối quan hệ chính thức trong tương lai.
Lời kêu gọi này được đưa ra trong bối cảnh vào tuần tới, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ tới Miến Điện, một sự kiện được đánh giá là quan trọng, mang tính lịch sử, bởi vì đây là lần đầu tiên, một lãnh đạo ngành ngoại giao Hoa Kỳ công du nước này.
Mới cách nay khoảng một năm, Miến Điện và Hoa Kỳ ở trong hoàn cảnh « đối thoại giữa những người điếc ».
Giờ đây, có nhiều động thái cho thấy cả hai bên đều muốn lật qua một trang mới trong quan hệ song phương. Chủ tịch Hạ viện Miến Điện, ông Shwe Mann, trước kia là một trong những tướng lãnh có thế lực nhất tại Miến Điện tuyên bố với giới báo chí :
« Thực ra, chúng tôi muốn có quan hệ chính thức với Hoa Kỳ. Chúng tôi vui mừng về cuộc viếng thăm rất quan trọng của Ngoại trưởng Hillary Clinton ». Ngày 18/11 vừa qua, nhân dịp đến Bali, Indonesia để dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, tổng thống Mỹ Barack Obama đã trực tiếp điện đàm với lãnh đạo đối lập Miến Điện, giải Nobel Hòa bình, bà Aung San Suu Kyi.
Ngay sau đó, tổng thống Hoa Kỳ đã thông báo cử Ngoại trưởng Clinton sang Naypyidaw, bởi vì ông đã nhận thấy có « những le lói tiến bộ » tại Miến Điện. Vào thứ Tư 30/11, bà Clinton sẽ rời Washington sang Miến Điện và sẽ có các cuộc gặp với tổng thống Miến Điện Thein Sein cũng như với lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi. Cuộc gặp với bà Aung San Suu Kyi có tầm quan trọng đặc biệt vào lúc Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, ngày hôm qua, đã nộp hồ sơ lên Ủy ban Bầu cử, đăng ký lại, để trở thành một đảng phái chính trị. Liên đoàn đã bị giải thể vào 2010 do tẩy chay cuộc bầu cử. Ông Jim Della-Giacoma, chuyên gia thuộc tổ chức tư vấn « International Crisis Group – ICG », được AFP trích dẫn, nhận định :
« Đó là một giai đoạn quan trọng, bởi vì nó cho thấy là Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ có đủ khả năng tham gia vào tiến trình chính trị ».
Vẫn theo chuyên gia này, Liên đoàn có vị trí đặc biệt và riêng biệt, nhất là trong quan hệ với cộng đồng quốc tế, bởi vì quốc tế vẫn coi Liên đoàn là lực lượng đối lập duy nhất, chứ không phải là một bộ phận trong phe đối lập Miến Điện. Điều gây ngạc nhiên cho giới quan sát là kể từ tháng Ba năm nay, sau khi giới tướng lãnh cầm quyền chuyển giao quyền lực cho một chính phủ được coi là « dân sự », tổng thống Thein Sein, nguyên là tướng lĩnh trong quân đội, đã tiến hành một số cải cách nhằm đưa Miến Điện thoát ra khỏi sự cô lập trên chính trường quốc tế :
Bà Aung San Suu Kyi được mời gặp giới lãnh đạo Miến Điện nhiều lần, chính quyền trả tự do cho hàng trăm tù chính trị, ban bố luật biểu tình, luật thành lập hiệp hội, kêu gọi giảm kiểm duyệt thông tín và báo chí … Tổng thống Thein Sein đã nhanh chóng gặt hái được những thành quả vượt quá sự mong đợi : Hiệp hội các nước Đông Nam Á – ASEAN đã quyết định trao cho Miến Điện quyền làm chủ tịch luân phiên của khối này vào năm 2014 và tổng thống Mỹ cử Ngoại trưởng sang nước này. Thực ra, ngay từ năm 2009, Ngoại trưởng Clinton đã cho xem xét lại chiến lược trừng phạt và cô lập Miến Điện vì Washington nhận thấy là các biện pháp này, được áp dụng từ cuối những năm 1990, không có hiệu quả. Chủ tịch Hạ viện Miến Điện Shwe Mann cũng thừa nhận : « Đúng là những thay đổi chính trị đã diễn ra nhanh hơn chúng tôi nghĩ » và ông còn hứa sẽ có những cải cách khác tiếp theo. Cho đến nay, cộng đồng quốc tế vẫn chưa xóa bỏ hết nghi ngờ là giới tướng lãnh trong quân đội, đặc biệt là tướng Than Shwe, nguyên là nhân vật số một của chế độ độc tài trước đây, vẫn giật dây chính quyền « dân sự » ở hậu trường.
Chủ tịch Hạ viện Miến Điện trấn an là tướng Than Shwe « đã thực sự nghỉ hưu », ông ta không hề có vai trò gì đối với chính sách của tân chính phủ và các cơ quan quyền lực chủ chốt tại Miến Điện. Đây là lần đầu tiên, một lãnh đạo cao cấp của Miến Điện đã công khai khẳng định điều này.
. |