Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 26-11-2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 26-11-2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Thứ Bảy, 26 Tháng 11 Năm 2011 20:27

Hoa Kỳ có phải là cường quốc ở Châu Á ?


Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (Reuters)

Từ năm ngoái, Hoa Kỳ liên tiếp khẳng định sự có mặt của mình ở vùng Châu Á-Thái Bình Dương, một biểu hiện cho thấy sự trở lại Châu Á của nước này sau hơn 10 năm tập trung chống khủng bố.

 Le Figaro hôm nay giới thiệu quan điểm của nhà nghiên cứu Sophie Boisseau du Rocher, thuộc Trung tâm nghiên cứu Châu Á tại Paris qua bài viết : « Hoa Kỳ có phải là một cường quốc Châu Á ».

 
Tuần lễ công du Châu Á-Thái Bình Dương vừa rồi của tổng thống Mỹ Barack Obama có lịch trình dầy đặc : tham dự thượng đỉnh Apec, đàm phán hiệp ước hợp tác xuyên Thái Bình Dương, thăm chính thức Úc và cũng cố sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Úc, tham dự cuộc gặp lần thứ ba giữa lãnh đạo Mỹ và khối Asean, tham dự thượng đỉnh Đông Á tại Indonesia. Qua đó, cho thấy tầm quan trọng của Châu Á-Thái Bình Dương đối với Hoa Kỳ trong hiện tại.
 
Trong khi mà Châu Âu và Mỹ đang đối phó với nợ công, thì Châu Á khẳng định sự thu hút của mình như là một trung tâm kinh tế trọng điểm của thế giới với sự phát triển đầy năng động.

Hệ thống kinh tế của vùng này đã không còn phụ thuộc vào Mỹ nhiều như cách đây 10 năm.

 Kinh tế Trung Quốc không ngừng phát triển, tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực cũng tăng lên không ngừng.

Thật sự, Trung Quốc cần đến vùng này để đảm bảo cho sự phát triển của mình và cho ý đồ muốn trở thành siêu cường thế giới. Đặc biệt, thị trường Châu Á giúp Trung Quốc bớt lệ thuộc vào kinh tế Mỹ.
 
Chính sách của Obama trước tiên là do lợi ích địa lý chính trị của Hoa Kỳ. Gần đây quân đội Trung Quốc không ngừng được hiện đại hóa, tạo thách thức cho Hoa Kỳ. Nhà Trắng và Lầu Năm Góc muốn sự hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực này rõ ràng và chặt chẻ hơn, từ việc triển khai, đào tạo, cung cấp quân bị và ý tưởng…

Kế đến, qua vòng đàm phán an ninh Shangri-la, Hoa Kỳ hy vọng đạt được một tổ chức hợp tác quân sự đối phó khủng hoảng trong khu vực như trên Biển Đông, bán đảo Triều Tiên hay các cuộc xung đột biên giới . Cuối cùng đó là hồ sơ hạt nhân của một số nước như Bắc Triều Tiên hay Miến Điện.

Lợi ích to lớn là vậy, nên sự ưu tiên của Hoa Kỳ cho khu vực này là rất lớn. Đến như ngoại trưởng Hillary Clinton cũng đã từng tuyên bố : « Tương lai các thế trận chính trị sẽ được quyết định tại Châu Á và Hoa Kỳ sẽ giữ vai trò quan trọng trong các quyết định này ».
 
Theo bà Du Rocher, dao to búa lớn như vậy, nên để không bị mất mặt và để tránh người ta tin vào giả thuyết rằng Hoa Kỳ đang xuống dốc, lãnh đạo nước này « không có quyền phạm sai lầm ».
 
Tuy nhiên, để biến lí thuyết thành hiện thực không phải là dễ.

Tổng thống Obama kế thừa người tiền nhiệm trong một bối cảnh hết sức khó khăn : ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương đang gặp vấn đề do sự lớn mạnh của Trung Quốc và cũng do sự chao đảo của chính mình (Trục trặc của mô hình kinh tế tự do và của một chính sách ngoại giao xa rời Châu Á).

Hiện tại, tổng thống Obama đang bước vào giai đoạn tiền tranh cử, để có thể giữ đúng cam kết, liệu ông Obama có đủ phương tiện tài chính và nhất là lòng tin trong khi cử tri đang bị mất phương hướng ? Trong khi đó, tại Châu Á, không phải là không có nước tỏ ra nghi ngại Hoa Kỳ.
 
Tại Ai Cập, cảnh sát vẫn là một yếu tố gây bất ổn

Một tuần nay, người dân Ai Cập lại xuống đường biểu tình, và lần này là để phản đối sự thao túng quyền lực của quân đội. Lực lượng an ninh liên tiếp bị tố cáo là xả súng vào đám đông. Đặc phái viên tại Cairo của báo Le Monde có bài phân tích sự kiện này.
 
Thế là chín tháng trôi qua kể từ khi tổng thống Moubarak từ chức, sự phẫn nộ dữ dội lần này của người biểu tình cho thấy chính phủ lâm thời đã thất bại trong việc cải cách lực lượng an ninh, một hồ sơ nóng nhất hiện tại.

 Một chuyên gia tư vấn tại Ai Cập nhận định, vấn đề cải cách này là một công việc khổng lồ, bởi hiện tượng cảnh sát dùng bạo lực là hết sức thường xuyên.

Tình hình sau khi lật đổ ông Moubarak có chút khả quan : các tổ chức bảo vệ nhân quyền ở Ai Cập đã đến gặp tân bộ trưởng nội vụ để bàn thảo việc cải cách lực lượng an ninh, các cuộc họp báo chung cũng đã được tổ chức. Sau đó, phe nổi dậy còn được ủng hộ bởi một nhóm cảnh sát « ly khai », phản đối việc chính quyền dùng bạo lực chống lại người dân.

Thế nhưng, tác giả cho biết, mọi nỗ lực đều đình trệ do sự thờ ơ của Hội đồng Quân đội Tối cao Ai Cập, một cơ quan bao gồm các tướng lĩnh quân đội nắm quyền điều hành đất nước. Giới quân sự dùng các phương tiện truyền thông để gieo rắc sự sợ hãi trong dân chúng nhằm khiến người ta không còn mặn mà với việc cải cách.

Phần lớn những vụ án liên quan đến việc cảnh sát giết hại người biểu tình hồi đầu năm đã bị chìm xuồng.
Nói về lực lượng an ninh chính trị, theo chuyên gia nói trên, lực lượng này vẫn luôn tồn tại, nhưng cách hành động đã thay đổi : Trước kia, họ công khai bắt người mang đến đồn để thẩm vấn, còn bây giờ họ bắt cóc và thẩm vấn ở nơi bí mật.
 
Như vậy, theo bài viết, hiện tượng bạo lực của lực lượng an ninh trước và sau sự ra đi của tổng thống Moubarak không có gì thay đổi.

Bài viết cũng dẫn lại lời của một nhà nghiên cứu về cải cách trong thế giới Ả Rập cho rằng : « Phần đông dân chúng Ai Cập cho rằng, các lực lượng an ninh chính một yếu tố gây mất an ninh. Cảnh sát không phải là giải pháp, mà lại là vấn đề cần giải quyết ».

Người Ai Cập đang bị chia rẻ sâu sắc

Cũng liên quan đến tình hình tại Ai Cập, Libération tập trung phân tích sự chia rẻ trong hàng ngũ người biểu tình nói riêng và của người Ai Cập nói chung.

Bài viết chạy dòng tít : « Người biểu tình Ai Cập : sự chia rẻ quốc gia ». Tờ báo cho biết, tất cả những người biểu tình đều yêu cầu quân đội, mà đại diện là Hội đồng Quân đội Tối cao, phải chuyển giao quyền lực lại cho một chính phủ dân sự. Sự thống nhất hầu như chỉ có vậy, còn vấn đề gây chia rẻ thì có nhiều.
 
Có người cho rằng, giới quân đội nên trở lại làm nhiệm vụ của mình tại biên cương, và nên thành lập ngay một chính phủ liên hiệp quốc gia, rồi sau đó soạn thảo hiến pháp và cuối cùng là tổ chức bầu cử tổng thống rồi Quốc hội.

Thế nhưng, một người biểu tình khác lại cho rằng nên làm theo lịch trình mà giới quân đội đã đề ra : bầu cử quốc hội vào thứ hai tới, bầu tổng thống trước tháng 7 năm tới và sau đó mới thành lập chính phủ liên hiệp. Người này cũng cho rằng, nên để cho thủ tướng mới được bổ nhiệm hôm qua là ông Kamal al-Ganzouri có thời gian hành động.

Một người khác lại không ủng hộ ông này do ông đã quá già (78 tuổi), và do ông từng là thủ tướng dưới thời Moubarak. Libération cho biết, trên quảng trường Tahir, phần đông người biểu tình phản đối ông Kamal. Cuối buổi chiều hôm qua, hàng ngàn người đã kéo đến chặn lối vào của văn phòng chính phủ nhằm cản đường vị tân thủ tướng.
 
Nói về cuộc bầu cử quốc hội vào thứ hai tới, tờ báo nhận định, có những người biểu tình chưa có lập trường dứt khoát.

Một phụ nữ 27 tuổi cho rằng, dù tình hình bất ổn, và dù chắc chắn trong bầu cử sẽ có gian lận bởi hiện tại quân đội nắm quyền kiểm soát, nhưng nên tiến về phía trước bằng cách để cho bầu cử được diễn ra.

Liên quan đến tổ chức Huynh đệ hồi giáo, tổ chức đang là lực lượng chính trị đối lập chính ở nước này, cũng như hồi đầu năm, lần này họ cũng không tham gia biểu tình bởi họ tin là sẽ chắc thắng cử vào thứ hai tới. Trong khi đó, có người biểu tình không thích tổ chức này.

Như vậy, như Libération nhận định, lần này,người biểu tình ở quảng trường Tahir thiếu « một luồng gió đoàn kết » để đối đầu với quân đội. Bên cạnh những người phản đối quân đội, Libération cho hay, hôm qua cuộc tập họp lần thứ ba ủng hộ quân đội đã diễn ra ở thủ đô Cairo với hàng ngàn người tham gia.

Nhiều nước mới trỗi dậy theo đuổi năng lượng sạch

Thứ hai tới, tại Durban (Nam Phi), đại diện của 190 quốc gia sẽ gặp nhau để tiếp tục thảo luận giải pháp chống biến đổi khí hậu.

Nhật báo La Croix dành ba trang cho chủ đề này, trong đó đáng chú ý nhất là bài : «Các nước mới phát triển, tương lai của năng lượng tái tạo ».
 
Theo báo cáo được công bố hồi tháng 7 năm 2011 của Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP), lần đầu tiên trong năm 2010, đầu tư cho các chương trình năng lượng gió, mặt trời, thủy điện…. ở các nước mới phát triển cao hơn ở các nước phát triển.

 Trung Quốc là nước dẫn đầu : năm 2010, đầu tư của nước này trong lĩnh vực vừa nêu chiếm đến 1/3 đầu tư trên thế giới.

Nước này đã đặt mục tiêu là vào năm 2020, năng lượng tái tạo sẽ cung cấp 20% nhu cầu năng lượng quốc gia, tức xấp xỉ với mục tiêu của Châu Âu.
 
Ấn Độ cũng đầu tư mạnh cho lĩnh vực này. Pakistan và Thái Lan đã tăng đầu tư cho năng lượng sạch lên ba lần. Nhờ vào năng lượng sạch mà Hàn Quốc đã đặt mục tiêu là từ đây đến năm 2030, nước này sẽ giảm 30% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Chỉ trong giai đoạn 2009-2010, Mêhicô đã tăng đầu tư đến 350%. Braxin cũng có nhiều bước tiến vượt bật. Các nước Châu Phi cũng không hề chịu kém.

Theo một điều tra thế giới vừa được công bố hôm 17 này, các nước mới phát triển lo ngại về hiện tượng biến đối khí hậu hơn là các nước công nghiệp phát triển.

Nghi vấn mới trong vụ án Dominique Strauss-Kahn
 
Tạp chí New York Review Of Books vừa công bố những tình tiết mới xung quanh vụ án của ông Dominique Strauss-Kahn, cựu giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Libération thông tin sự việc qua bài viết : « DSK : sự nhảy nhót mừng vui kỳ lạ của nhân viên khách sạn Sofitel ».
 
Tình tiết mới đầu tiên đó là khả năng máy điện thoại của ông DSK sử dụng vào ngày 14 tháng 5 tại phòng 2806 khách sạn Sofitel đã bị nghe lén.

 Tờ báo cho biết, sáng hôm đó, một người bạn của ông DSK đã gọi điện báo cho ông biết là những tin gửi từ chiếc điện thoại Blackberry của ông cho vợ ông là bà Anne Sinclair đã bị xem lén bởi một vài người trong đảng UMP.

 Người điện thoại báo đó là một nữ nhân viên lưu trữ tư liệu của đảng UMP, đảng của tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy.

 Sau đó ông DSK đã gọi điện báo cho vợ ông hay. Khi ra đến sân bay Kennedy, ông DSK mới phát hiện đã bỏ quên điện thoại tại khách sạn và đã gọi điện cho khách sạn để tìm.
 
Tình tiết thứ hai đó là một đoạn video của hệ thống camera thu hình của khách sạn Sofitel.

Đoạn video được ghi hình ngay trước khi cảnh sát đến, cho thấy hình ảnh hai nam nhân viên an ninh khách sạn vỗ tay nhau, và nhảy múa mừng vui.

Đáng lưu ý là một trong hai nhân viên này chính là người đầu tiên được cho là nghe cô hầu phòng Nafissatou thố lộ chuyện bị hiếp dâm, và chính người này đã hướng dẫn cô hầu phòng đến gặp lực lượng an ninh khách sạn.
 
Bên cạnh đó, đến hiện tại, người khách trú phòng 2820, phòng bên cạnh phòng ông DSK, vẫn còn là một ẩn số. Đây là căn phòng mà cô Nafissatou đã vào trước khi vào phòng ông DSK, và cũng là phòng mà cô trở lại sau khi bị cho là vừa bị ông DSK xâm hại.

Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu của vụ án, cô nàng Nafissatou không hề nhắc đến chi tiết này với cảnh sát.
 
Theo tờ báo, những phát hiện mới cũng cố thêm giả thuyết cho rằng ông DSK đã rơi vào một âm mưu.

Đặc biệt, đến giờ này chiếc Blackberry vẫn chưa được tìm thấy. Bên cạnh đó, quan hệ thân thiết của một vài lãnh đạo khách sạn Sofitel với đảng UMP cũng khiến cho giả thuyết này thêm chắc chắn.