Home Tin Tức Thời Sự Quốc hội Việt Nam sẽ xem xét dự Luật Biểu tình trong nhiệm kỳ này

Quốc hội Việt Nam sẽ xem xét dự Luật Biểu tình trong nhiệm kỳ này PDF Print E-mail
Tác Giả: Đức Tâm   
Thứ Bảy, 26 Tháng 11 Năm 2011 20:15

Thủ tướng Việt Nam khẳng định quyền biểu tình đã được ghi trong Hiến pháp

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (Reuters)

Theo báo chí trong nước, hôm nay, 26/11/2011, trong phiên bế mạc kỳ họp thứ 2, khóa XIII, Quốc hội Việt Nam đã quyết định sẽ xem xét dự Luật Biểu tình trong nhiệm kỳ này.

Hôm qua, khi trả lời chất vấn của các đại biểu, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã nhắc lại đề nghị chính phủ đưa Luật Biểu tình vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội khóa này.

 
Thủ tướng Việt Nam khẳng định quyền biểu tình đã được ghi trong Hiến pháp. Nhưng người dân khó thực hiện quyền này vì chưa có luật, chính quyền cũng khó quản lý.
 
Ông Dũng nhấn mạnh là chính phủ trân trọng, biểu dương các hoạt động, việc làm của người dân vì mục tiêu yêu nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia, đồng thời cũng cảnh báo nghiêm trị mọi hành động lợi dụng gây phương hại cho đất nước.
 
Đề nghị xây dựng Luật Biểu tình của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được công luận trong nước đón nhận một cách tích cực. Bởi vì trong kỳ họp lần này, có một hai đại biểu cho rằng chưa cần đến Luật Biểu tình.
 
Báo chí trong nước và nước ngoài cũng có nhận định đặc biệt về các phát biểu của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội, liên quan đến vấn đề Biển Đông, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
 
Sau những hành động gây hấn, quyết đoán khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với những vùng có tranh chấp ở Biển Đông, sự im lặng của giới lãnh đạo Việt Nam, các phát biểu theo khuôn mẫu công thức xáo mòn về quan hệ Việt –Trung đã gây bức xúc trong công luận người Việt ở trong và ngoại nước.
 
Lần này, tại Quốc hội Việt Nam, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công khai lên tiếng khẳng định Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, vào lúc quân đội của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đang canh giữ, năm 1974.

 Ông khẳng định Việt Nam đã liên tục thực hiện quyền chủ quyền của mình một cách liên tục và từ lâu đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và Việt Nam có những bằng chứng trong hồ sơ này.
 
Lãnh đạo Việt Nam kêu gọi giải quyết tranh chấp qua đàm phán hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và thực thi tuyên bố chung của các bên về ứng xử tại Biển Đông – DOC.