Hàn Quốc cũng phản ứng gay gắt trước lời đe dọa của Bình Nhưỡng, cảnh cáo là sẽ trả đũa mạnh mẽ.
Thủy quân lục chiến Hàn Quốc diễn tập chống tình huống giả định bị Bắc Triều Tiên tấn công, tại đảo Baengnyeong gần đường lãnh hải tranh chấp, ngày 23/11/2011. REUTERS/South Korean Marine Corps/Yonhap
Quan hệ Hàn Quốc - Bắc Triều Tiên trên đà hòa hoãn, vào hôm nay 24/11/2011, lại đột nhiên căng thẳng gay gắt.
Bình Nhưỡng bày tỏ thái độ phẫn nộ, đe dọa gây ra một "biển lửa" để thiêu hủy Phủ Tổng thống Hàn Quốc. Đây là phản ứng của Bắc Triều Tiên nhằm tố cáo cuộc tập trận rầm rộ của Hàn Quốc vào hôm qua ở vùng ranh giới trên biển giữa hai bên, gần đảo Yeonpyeong.
Đối với giới lãnh đạo quân sự Bắc Triều Tiên, cuộc tập trận này là một hành động khiêu khích mới của Hàn Quốc. Hôm qua, 23/11, là đúng một năm ngày đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc bị Bắc Triều Tiên pháo kích bằng khoảng 170 quả đạn pháo, phá hủy nhà cửa trên đảo và làm 4 người thiệt mạng. Đó là cuộc tấn công đầu tiên của Bình Nhưõng vào một khu vực dân cư từ khi chiến tranh giữa hai miền kết thúc năm 1953. Theo Bình Nhưỡng, cuộc pháo kích của họ vào đảo Yeonpyeong vào năm ngoái chỉ nhằm đáp trả lại vụ quân đội Hàn Quốc đã bắn vào lãnh thổ Bắc Triều Tiên trong cuộc thao diễn quân sự trước đó. Seoul đánh dấu trọng thể sự kiện đó bằng một cuộc tập trận quy mô vào trưa hôm qua, huy động các lực lượng hải, lục và không quân, với những khẩu pháo đặt ở Yeonpyeong, chiến đấu cơ trang bị hỏa tiễn, cùng với các chiến hạm trên mặt biển. Quân đội Bắc Triều Tiên đã cảnh báo là « Nếu hải phận, không phận và lãnh thổ Bắc Triều Tiên bị vi phạm, dù chỉ là một viên đạn hay một quả pháo, là biển lửa từ Yeonpyeong sẽ lan đến tận Dinh Tổng thống ở Seoul ». Hàn Quốc cũng phản ứng gay gắt trước lời đe dọa của Bình Nhưỡng, cảnh cáo là sẽ trả đũa mạnh mẽ. Bình Nhưỡng bị Liên Hiệp Quốc lên án về nhân quyền Bắc Triều Tiên hôm nay còn tỏ thái độ bực tức trên một lãnh vực khác. Bình Nhưỡng chỉ trích gay gắt Liên Hiệp Quốc vì đã thông qua nghị quyết lên án Bắc Triều Tiên vi phạm nhân quyền. Đối với Bình Nhưỡng, đây là một chiến dịch của Mỹ nhắm vào Bắc Triều Tiên, nghị quyết đầy chuyện "bịa đặt", thể hiện thái độ bất công của Liên Hiệp Quốc trên mặt nhân quyền. Vào thứ Hai vừa qua, với 122 phiếu thuận và 16 phiếu chống, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua một nghị quyết bày tỏ nỗi "quan ngại sâu sắc" trước các hành vi tra tấn, những điều kiện giam cầm vô nhân đạo, những vụ bắt giam ngưòi một cách độc đoán... cưỡng bức lao động và việc xử tử hình vì những lý do chính trị tôn giáo… ở Bắc Triều Tiên. Theo giới bảo vệ nhân quyền, hiện có khoảng 200.000 tù nhân chính trị bị giam cầm tại 6 trại tù ở Bắc Triều Tiên.
Báo cáo viên nhân quyền Liên Hiệp Quốc về Bắc Triều Tiên, ông Marzuki Darusman, một người Indonesia, đang có mặt tại Hàn Quốc để thâu thập thông tin.
Bình Nhưỡng cho đến nay vẫn cấm cửa ông Marzuki, cũng như những người tiền nhiệm của ông.
|