Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 22-11-2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 22-11-2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Thứ Ba, 22 Tháng 11 Năm 2011 09:02

Phòng chống sida tại Việt Nam ngày càng tiến triển

 Áp phích tuyền truyền về phòng chống Sida ở Việt Nam
DR / Flickr

 

Sắp đến ngày thế giới phòng chống sida (1/12), các tổ chức quốc tế lần lược công bố báo cáo về thực trạng của cuộc chiến chống căn bệnh thế kỷ ở các nước, trong đó có Việt Nam, nước được ghi nhận là có tiến triển nhiều trong công tác này.

Đó cũng là đánh giá của báo Le Monde qua bài phóng sự « Việt Nam dần dần chăm sóc tốt những người dương tính ».

 Phóng sự do đặc phái viên báo Le Monde thực hiện tại thành phố Hải Phòng. Câu chuyện diễn ra ở trung tâm phòng chống sida huyện An Dương (Hải Phòng).
 
Nhân vật đầu tiên mà bài phóng sự giới thiệu là chị Phạm Thị Hoa, 28 tuổi. Tháng tư năm 2006, chị sinh con. Bảy tháng sau, con chị bị phát hiện lao hạch bạch huyết. Qua thử máu, mọi người mới biết đứa bé bị nhiễm HIV. Sau đó đến lượt chị thử máu và chị cũng bị HIV. Mãi đến lúc đó, chồng chị mới thú nhận là mình bị nhiễm từ trước và đã lây sang cho vợ con mà không biết.
 
Nhân vật thứ hai là chị Nguyễn Thị Trân. Vợ chồng chị đã có một con gái 16 tuổi. Từ 10 năm nay, chồng chị bắt đầu chích ma túy. Khi chị có mang, bác sỹ cho thử máu và phát hiện chị đã nhiễm HIV. Tuy nhiên, chồng chị không chịu cho thử máu và cũng không chịu đến nhận thuốc cai nghiện methadone.
 
Nói về các các trung tâm phát thuốc methadone cho người muốn cai ma túy, Le Monde cho biết, Hải Phòng hiện có 5 trung tâm như vậy, và trung tâm thứ sáu cũng sắp ra đời. Theo tờ báo, Hải Phòng được xem là địa phương tiên phong của Việt Nam trong lĩnh vực này.
 
Tờ báo ghi nhận công lao của ông Hoàng Văn Kể, nguyên phó chủ tịch ủy ban nhân thành phố Hải Phòng, hiện đang điều hành ủy ban khoa học công nghệ của địa phương này. Tờ báo cho biết, ông Kể đã có nhiều công lao trong công tác phòng chống sida, nhất là trong việc thành lập các chương trình phân phát methadone.
 
Theo thống kê chính thức tại Việt Nam, số lượng người bị dương tính vào năm 2010 là 184 000, và sẽ tăng lên 300 000 vào năm 2015.

Nguyên nhân nhiễm nhiều nhất là tiêm chích ma túy và quan hệ đồng tính. Tuy nhiên, lây nhiễm ở người quan hệ khác giới ngày càng nhiều.

Mỗi năm, có khoảng 6 000 trường hợp dương tính được ghi nhận ở phụ nữ mang thai.
 
Báo cáo chính thức của tổ chức phòng chống sida Liên Hiệp Quốc Onusida ghi nhận :

 Tại Việt Nam, từ đây tới năm 2015, số người nhiễm HIV sẽ giảm đi một nửa, nếu theo đúng chương trình khuyến cáo của tổ chức này. Báo cáo cũng thừa nhận, độ phủ sóng và mức đầu tư cho các chương trình hạn chế nguy cơ lây nhiễm ở Việt Nam hiện vẫn còn thiếu.

Bộ ba chóp bu Khơ me đỏ ra hầu tòa
 
Hôm qua, tòa án quốc tế đặc trách về Khơme đỏ đã chính thức bắt đầu xét xử ba nhân vật được xem là chóp bu của chế độ diệt chủng Pol Pot. Libération có bài phản ánh vụ việc với hàng tựa khá ấn tượng : « Bộ ba Khơme Đỏ trước vành móng ngựa ».
 
Ba bị cáo đó là Nuon Chea, cánh tay mặt của Pol Pot, Ieng Sary, bộ trưởng ngoại giao, và Khieu Samphan, nguyên chủ tịch nước của chế độ Khơme đỏ.

 Vắng mặt tại phiên tòa là bà Ieng Thirith, vợ ông Ieng Sary, nguyên bộ trưởng y tế xã hội, do bà được cho là bị bệnh Alzheimer.
 
Ba nhân vật này đều ở tuổi bát tuần, bị xét xử về tội diệt chủng, tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người. Họ thuộc chóp bu của « cỗ máy giết người » Khơme Đỏ.

Từ năm 1975 đến năm 1979, chế độ này đã giết hại gần 2 triệu người. Tờ báo dẫn lại lời của công tố viên quốc tế Andrew Cayley cho rằng : « Chúng ta không thể có giây phút nào quên hậu quả kinh hoàng của một chế độ, mà ba bị cáo là đại diện ». Ông lên án họ đã tạo ra một « biển máu ».
 
Theo Libération, hôm qua, phe công tố đã trình bày toàn bộ hồ sơ vụ án, mặc dù tòa đã quyết định phân bổ trong nhiều phiên tòa nhỏ.

Hiện tại, các bị cáo chỉ bị xét xử về tội cho cưỡng bức di dân và tội ác chống nhân loại. Một luật sư nhận xét : Việc phân ra từng hồ sơ như vậy có thể giúp nạn nhân có hy vọng đạt được bản án nhanh chóng, thế nhưng, trong khi đó, có nhiều tội khác lại không được xử liền, và liệu trong tương lai có bị xử hay không ?

Vị luật sư cho rằng, không có gì để đảm bảo cả.
 
Báo chí Pháp nhiều lần phê phán việc tòa án quốc tế này bị nhiều sức ép từ chính phủ Cam Bốt.

Lần này, Libération nhắc lại, do bị ảnh hưởng và bị chia rẽ, đến hiện tại tòa vẫn chưa tuyên án phúc thẩm đối với bị cáo Douch, cựu lãnh đạo trại giam S-21 khét tiếng, bị kết án hồi tháng 7 năm 2010.

Năm giải pháp thoát khủng hoảng cho Châu Âu
 
Theo dòng thời sự về cuộc khủng hoảng nợ công đang làm khuynh đảo Châu Âu, nhật báo La Croix chạy tít lớn trên trang nhất :

« Khu vực đồng euro, mục tiêu khôi phục lòng tin ».
 
Điều kiện thứ nhất là sự ổn định chính trị. Tờ báo chĩa mũi nhọn về phía ba nước Hy Lạp, Ý và Tây Ban Nha. Ba nước này liên tục có các « động thái bất ngờ » trong thời gian qua. Hiện tại, chính quyền của ba nước đã thay lãnh đạo, thế nhưng tình hình vẫn còn chưa chắc chắn.

Theo tờ báo, muốn đạt được ổn định, chính phủ mới của Ý và Hy Lạp phải có được sự chấp nhận của nhân dân thông qua việc họ đạt được kế hoạch khắc khổ trong dài hạn. Đối với Tây Ban Nha, thủ tướng mới của nước này vẫn còn chưa nói rõ chính sách khắc khổ sắp tới của mình.
 
Thứ đến là việc hạn chế nợ công. Thâm hụt ngân sách ở các nước Châu Âu ngày càng nghiêm trọng. Uy tín các nước trên thị trường sụt giảm, dẫn theo lãi suất cho họ vay cũng tăng lên.

 Nợ công của Ý đã lên đến 120% GDP. Một chuyên gia nhận định, nếu Ý vỡ nợ thì các thị trường sẽ hoảng loạn, vì Ý là thị trường trái phiếu thứ ba trên thế giới. Còn Pháp cũng đang đứng trước nguy cơ bị hạ điểm tín nhiệm.
 
Thứ ba là, bài toán phục hồi tăng trưởng. Hiện tại, mức tăng trưởng của Hy Lạp, Ý và Tây Ban Nha quá thấp. Trong bối cảnh đó, một chuyên gia nhận định, lịch sử đã cho thấy nếu chỉ sử dụng biện pháp khắc khổ thì các nước « yếu ớt » sẽ ngày càng yếu hơn.

 Chuyên gia này cũng phê phán việc Châu Âu không có chính sách chung cho vấn đề khôi phục mức tăng trưởng.
 
Tiếp theo tờ báo nhấn mạnh vai trò tối quan trọng của Ngân hàng trung ương Châu Âu.

Theo tờ báo, ngân hàng này nên mua lại tất cả trái phiếu của những nước Châu Âu thuộc diện « yếu ớt » để hạn chế việc lãi suất cho vay tăng lên. Một chuyên gia cảnh báo, nếu Ngân hàng Châu Âu không can thiệp, thì sẽ có nước bị vỡ nợ và sự tồn tại của đồng euro sẽ bị đe dọa.
 
Điều kiện thứ năm là Đức nên có thái độ đoàn kết hơn đối với các nước Châu Âu đang bị lâm nguy. Việc trước mắt là, nền kinh tế số một Châu Âu này nên đồng ý cho ngân hàng Châu Âu mua lại nợ của các nước lâm nguy.
 
Hiện tượng « ai lo thân nấy » của các nước Châu Âu đã từng được báo chí phản ánh nhiều. Đến lược mình, La Croix dẫn lại lời của một chuyên gia để phê phán sự chia rẽ đó : « Đối với các nước Châu Âu, đồng euro như là một đồng ngoại tệ vậy ».

Trung Quốc : có vợ bé cũng là biểu hiện của sự giàu sang
 
Đến với Trung Quốc, nhật báo Le Figaro có bài thông tin khá thú vị : « Một trường học huấn luyện quí bà có chồng có vợ bé ».
 
Ngày 12 tháng này, tại Bắc Kinh, một trường học dành cho quí bà bị chồng cấm sừng đã ra đời.

Học phí cho hai tuần không hề nhỏ, lên đến 100 000 nhân dân tệ (12 000 euro). Mục đích của việc đào tạo là giúp quí bà biết kềm chế cảm xúc trước việc chồng có vợ bé để tránh việc đáng tiếc do nóng giận quá trớn, như đã có trường hợp cắt hay châm lửa đốt cả của quí của những ông chồng chót lỡ tòm tem.
 
Theo tờ báo, trong xã hội Trung Quốc hiện tại, người ta có xu hướng biểu thị sự giàu có của mình qua biệt thự, xe hơi và … vợ bé. Các cô gái nông thôn lên thành thị, muốn thoát cảnh nghèo khó, nhiều người vui mừng khi tìm được đôi cánh che chở cho mình.
 
Tờ nhắc lại, hiện tượng vợ lẽ hồi thời phong kiến đã xuất hiện trở lại ở miền nam Trung Quốc vào những năm 1980 với việc các đại gia Hồng Kong đến Trung Hoa đại lục làm ăn. Khi ấy, có nhiều cô gái chấp nhận làm bé để kiếm tiền.

 Các thành phố như Thẩm Quyến (Quảng Đông) cũng đã bị lây nhiễm và đã trở thành « những ngôi làng vợ bé ».
 
Đất đai ở Pháp ngày càng cằn cỗi ?

Các nhà nghiên cứu tại Pháp vừa cho công bố bản tổng kết về tình trạng đất đai hiện tại của nước này. Le Monde có bài nhận định : « Bê Tông, xoáy mòn và ô nhiễm đang làm suy kiệt đất đai ở Pháp ».
 
Lo ngại đến trước tiên từ hiện tượng lấy đất nông nghiệp cho các công trình xây dựng.

Hiện tượng bê tông hóa này diễn ra ngày càng nhanh từ vài năm nay. Trong giai đoạn 2003-2009, diện tích đất nông nghiệp màu mỡ bị biến mất ngang bằng với giai đoạn 1994-2003.
 
Kế đến là hiện tượng đất bị xoáy mòn. Nguyên nhân là do mưa bão, dòng chảy, và các biện pháp canh tác không phù hợp của nông dân.

Theo báo cáo nói trên, Pháp có đến 18% đất có nguy cơ bị rửa trôi. Sắp tới, hiện tượng này sẽ còn trầm trọng hơn do sẽ có nhiều mưa bão hơn dưới ảnh hưởng của hiện tượng biến đổi khí hậu.
 
Lo ngại thứ ba là việc đất bị ô nhiễm. Trong khu vực lân cận các du dân cư thành thị, các khu mỏ đã qua khai thác hoặc những khu công nghiệp đã không còn hoạt động, hiện tượng đất bị nhiễm kim loại nặng là phổ biến. Tuy nhiên, đa số là do các hoạt động ngày trước mà bây giờ đã bị cấm. Như việc tồn tại trong đất một loại thuốc trừ sâu đã bị cấm trong hiện tại.

 Điều đáng lo là, sự hiện diện của loại thuốc trừ sâu này còn được tìm thấy ở một số vùng đất trước đây chưa hề sử dụng nó. Điều đó đòi hỏi có nghiên cứu kỹ hơn về hiện tượng phát tán của các loại thuốc bảo vệ thực vật.
 
Một hiện tượng đáng chú ý nữa là tại Pháp, nếu chỉ tính trên bề mặt 30 cm của đất, thì nước Pháp đang tích trữ khoảng 3,2 tỷ tấn khí carbon.

Vai trò của đất đối với carbon rất quan trọng, nhưng nó chưa được chú ý nhiều. Năm 2005, một nghiên cứu đã cho biết, trong giai đoạn 1978-2003, lòng đất của nước Anh đã thải vào bầu khí quyển trung bình 13 triệu tấn carbon/năm do tác động của hiện tượng thay đổi khí hậu. Con số này đủ để làm tiêu tan mọi cố gắng của cộng đồng quốc tế trong việc hạn chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong cùng khoảng thời gian này.