Nam Triều Tiên trấn an về sự an toàn của các nhà máy điện hạt nhân |
Tác Giả: VOA |
Thứ Hai, 21 Tháng 11 Năm 2011 11:50 |
Triều Tiên có thể sẽ trở thành một nước chính xuất khẩu công nghệ và chuyên môn về hạt nhân Bất chấp sự kiện các lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản bị nóng chảy trong năm nay, nước láng giềng của Nhật là Nam Triều Tiên đang xúc tiến việc gia tăng ngành công nghiệp hạt nhân dân sự. Không những Seoul cho xây thêm các nhà máy điện hạt nhân của riêng mình họ còn gia tăng việc xuất khẩu công nghệ bản xứ. Từ thủ đô Seoul, thông tín viên VOA Steve Herman gửi về bài tường trình chi tiết sau đây.
Các trở ngại tai hại đối với công nghiệp hạt nhân của Nhật Bản và quyết định của nhiều nước khác như Đức, đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân đã không làm nản lòng Nam Triều Tiên trong việc phát triển khả năng về năng lượng nguyên tử của mình. Nước này đang dựa vào các nhà máy điện hạt nhân trong nước để cung cấp khoảng 1/3 toàn bộ sản lượng điện. Nam Triều Tiên hy vọng gia tăng 59% lượng điện sản xuất trong vòng chưa đầy 20 năm nữa. Trong khi đó, sau những thỏa thuận lên tới hằng chục tỉ đôla đạt được mới đây với các nước như Jordan, Ả rập Xê-út, các Tiểu vương quốc Ả Rập và Việt Nam, Nam Triều Tiên có thể sẽ trở thành một nước chính xuất khẩu công nghệ và chuyên môn về hạt nhân. Seoul đang nhắm vào việc đạt được các hợp đồng xây cất thêm các nhà máy điện hạt nhân ở Trung Quốc, Romania và Thổ Nhĩ Kỳ. Sau vụ 3 lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân số 1 ở Fukishima bị nóng chảy tiếp theo một trận động đất lớn và sóng thần, Nam Triều Tiên đã nhanh chóng duyệt lại tình trạng an toàn tại các lò phản ứng hạt nhân trong nước. 19 lò phản ứng đang hoạt động, 2 đang trong tình trạng ngưng hoạt động để bảo trì và 7 lò phản ứng nữa đang được thi công hoặïc đang được hoạch định xây cất. Nhà máy điện hạt nhân cũ nhất của Nam Triều Tiên được xây vào năm 1978 đã được giám sát đặc biệt hồi đầu năm nay. Lò phản ứng Gori-1, gần thành phố cảng Busan, đã ngưng hoạt động trong 2 tháng sau khi xảy một vụ hỏa hoạn hồi tháng Tư làm hư hại một trong những bộ phận ngắt mạch. Gori-1, có năng suất khoảng 578 megawatt thoạt đầu được quyết định chấm dứt hoạt động vào năm 2008, nhưng đã được gia tăng thời hạn bằng một hợp đồng cho thuê. Bộ trưởng Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Nam Triều Tiên Lee Ju-ho nói rằng cần phải trấn an công chúng về lò phản ứng Gori-1 rằng tuy đã cũ và từng xảy ra sự cố trước đây, nhưng nhà máy này không đề ra nguy hiểm: Ông Lee cho biết các chuyên gia an toàn kết luận rằng sau biến cố năm nay, lò phản ứng Gori-1 vẫn an toàn để vận hành nhà máy điện cho nên bộ quyết định theo như lời khuyến cáo của các chuyên gia và tái khởi động lò phản ứng này. Nam Triều Tiên cho biết, sau thảm họa ở Nhật bản, họ đã tăng cường các biện pháp an ninh tại các nhà máy hạt nhân hiện hữu, đề phòng trường hợp rò rỉ phóng xạ, không chắc là có thể xảy ra, như thiên tai như động đất hay sóng thần. Công tác nâng cấp trị giá một tỉ đôla sẽ hoàn tất trong vòng 5 năm tới. Cả Nam Triều Tiên và Nhật Bản đều thiếu tài nguyên thiên nhiên và phải dựa chủ yếu vào việc nhập khẩu các nhiên liệu hóa thạch để phát triển nền kinh tế của họ trong mấy chục năm qua.
|