Home Tin Tức Thời Sự Đối thoại kinh tế Mỹ -Trung : Washington ghi nhận một số tiến bộ

Đối thoại kinh tế Mỹ -Trung : Washington ghi nhận một số tiến bộ PDF Print E-mail
Tác Giả: Thanh Hà   
Thứ Hai, 21 Tháng 11 Năm 2011 11:01

Đôi bên đã đạt được tổng cộng là 5 thỏa thuận quan trọng 

 

Phái đoàn Mỹ và Trung Quốc chụp ảnh tại sân bay quốc tế Bắc Kinh, ngày 19/11/2011.
REUTERS/Barry Huang

 

Kết thúc đối thoại về thương mại thường niên Mỹ -Trung, ngày 21/11/2011, phía Hoa Kỳ ghi nhận đôi bên đã đạt được một số « tiến bộ cụ thể và quan trọng ». Nhưng mục tiêu cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước còn rất xa vời.

 Đối thoại kinh tế song phương Mỹ Trung vừa khép lại hôm nay sau hai ngày họp (20 và 21/11/2011) tại Thành Đô.

Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ, John Bryson cho biết : đôi bên đã đạt được đồng thuận trong các lĩnh vực bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ, chống hàng giả, nhằm tạo điều kiện thuận lợi và bình đẳng cho các doanh nghiệp Mỹ muốn vào hoạt động tại Trung Quốc. Đặc biệt là trong các lĩnh vực được Trung Quốc coi là chiến lược mà chính quyền Bắc Kinh dự tính đầu tư thêm 1 700 tỷ đô la trong 5 năm sắp tới.
 
Đôi bên đã đạt được tổng cộng là 5 thỏa thuận quan trọng, trong đó có một văn bản liên quan đến vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và một liên quan đến các sản phẩm công nghệ cao.
 
Tuy nhiên Mỹ và Trung Quốc đã không đề cập đến hồ sơ gây nhiều tranh cãi giữa Bắc Kinh với Washington liên quan đến tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ.

Theo nhận định của AFP : một năm trước bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ, Washington đang tìm cách gia tăng áp lực đòi Bắc Kinh tăng giá đơn vị tiền tệ, nhằm giảm bớt nhập siêu của Mỹ với đối tác thương mại hàng đầu là Trung Quốc. Năm ngoái nhập siêu của Mỹ với Trung Quốc lên tới 270 tỷ đô la.
 
Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho rằng : do Hoa Kỳ và Trung Quốc có những liên hệ « phức tạp » cho nên đôi bên không thể san bằng những bất đồng trong một sớm một chiều.

Về phần mình, phó thủ tướng Vương Kỳ Sơn dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc tại cuộc họp ở Thành Đô kêu gọi Washington không nên « chính trị hóa các vấn đề kinh tế ».

 Bắc Kinh ngụ ý cảnh cáo Hoa Kỳ không nên khai thác lá bài kinh tế để phục vụ các mục tiêu chính trị trong cuộc vận động tranh cử tổng thống sắp tới.