Dự luật biểu tình bị chỉ trích tại Quốc hội |
Tác Giả: BBC |
Thứ Sáu, 18 Tháng 11 Năm 2011 17:30 |
Luật biểu tình này vốn được đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất Một số đại biểu Quốc hội nói Việt Nam là nhà nước của nhân dân nên người dân không cần phải biểu tình
Luật biểu tình này vốn được đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất hồi đầu nhiệm kỳ của Quốc hội khóa 13 đang vấp phải sự chống đối quyết liệt. Đại biểu Hoàng Hữu Phước, tổng giám đốc công ty cổ phần doanh thương Mỹ Á và là đại biểu của Thành phố Hồ Chí Minh, đã đăng đàn với một bài phát biểu được soạn sẵn chỉ trích gay gắt Luật biểu tình. “Tôi kính đề nghị Quốc Hội loại bỏ Luật lập hội và Luật biểu tình khỏi danh sách dự án luật suốt nhiệm kỳ Quốc Hội Khóa XIII này,” ông Phước bắt đầu bài phát biểu của mình bằng một đề xuất mạnh mẽ. Ông đưa ra bốn lý do phản đối Luật biểu tình: thứ nhất, biểu tình bao giờ cũng chống lại chính phủ nước sở tại; thứ hai, quyền biểu tình xâm hại quyền tự do mưu cầu hạnh phúc của người khác; thứ ba, Luật biểu tình không phản ánh nguyện vọng của nhân dân và cuối cùng, người dân Việt Nam chưa đủ trình độ dân trí để thực hiện quyền này. Chống lại chế độ “Ngay từ khởi thủy và cho đến tận ngày nay, biểu tình là hành động để chống lại chính phủ nước mình hoặc chống lại một chủ trương của chính phủ của nước mình,” ông khẳng định và dẫn chứng bằng các cuộc biểu tình của người dân Mỹ chống chiến tranh Việt Nam. “Biểu tình không bao giờ là hình thức bày tỏ chính kiến chống lại một nước khác ngay cả khi nước ấy đang xâm lược nước mình,” ông nói thêm. Bài diễn thuyết hùng hồn và viện dẫn đầy đủ kiến thức đông tây kim cổ của đại biểu Phước cho thấy ông rất thiết tha và tâm huyết với việc bãi bỏ Luật biểu tình. “Việt Nam có cần các cuộc biểu tình chống chính phủ Việt Nam hay một chủ trương chính sách đạo luật của Chính phủ Việt Nam không?” ông đặt vấn đề. “Nếu không cần, thì sao lại phải soạn dự án Luật biểu tình và nói về nó mãi như thể nó là khuôn vàng thước ngọc để đo chiều rộng chiều cao chiều sâu của tự do, dân chủ?” ông biện giải. Ông Phước được biết là có bằng cử nhân tiếng Anh và thạc sỹ quản trị kinh doanh. Công ty của ông chuyên tư vấn về chiến lược kinh doanh và phát triển nguồn nhân lực. Trước đó, ông còn là giảng viên tiếng Anh của Đại học ngoại ngữ Hà nội và Cao đẳng sư phạm TPHCM và đã từng là quản lý cao cấp cho các công ty nước ngoài như Manulife và American Business College. Đáng lưu ý ông Phước không phải là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Ông Phước kể lại với Quốc hội về việc người dân bức xúc như thế nào trong các cuộc biểu tình phản đối ‘đường lưỡi bò’ của Trung Quốc mà ông có dịp chứng kiến ở TP. HCM để dẫn chứng cho lập luận của ông về việc quyền biểu tình xâm hại quyền tự do của người khác. “Tôi đã nghe những người bị kẹt xe thốt lên những lời nguyền rủa thóa mạ văng tục giận dữ đầy đe dọa dành cho những người đang tập hợp mà ta gọi sai là ‘biểu tình’ ấy,” ông nói. “Sự giận dữ ấy có thể sẽ biến thành gây hấn, bạo loạn, đánh nhau giữa nhóm biểu tình và nhóm chống biểu tình,” ông nói thêm. ‘Nhân dân không ủng hộ’ Luật biểu tình có khả năng không được Quốc hội xây dựng Sau bài diễn văn, trao đổi với phóng viên báo Tuổi Trẻ bên hành lang Quốc hội trong giờ giải lao, đại biểu Hoàng Hữu Phước nhắc lại yêu cầu ‘phải hỏi xem có bao nhiêu người muốn có Luật biểu tình’. Ông cũng nêu thêm một lý do nữa để giải thích lập trường của mình là ‘hoàn cảnh của Việt Nam khác’ các nước nên người dân Việt Nam không nên có quyền mà người dân các nước khác có. “Các nước thì có ai chống họ đâu,” ông nói “trong khi Việt Nam thì nhiều thế lực thù địch tập trung công kích.” “Khi mình cho phép [biểu tình] thì phải đương đầu với sự cho phép đó,” ông nói. “Những người phá hoại họ không nằm trong số những người xin phép…mà họ trà trộn hoặc đứng ở góc đường nào đó để phá hoại,” ông cảnh báo.
Đại biểu Nguyễn Thanh Tùng của tỉnh Bình Định đồng ý với ông Phước rằng biểu tình là phản đối. “Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta có Mặt trận, có khối đại đoàn kết toàn dân, vì sao chúng ta lại cho tổ chức biểu tình,” ông đăṭ vấn đề. Ông lặp lại quan điểm thường thấy của Đảng và Nhà nước Việt Nam rằng ‘tự do dân chủ không phải là biểu tình’ mà là chăm lo phát triển kinh tế xã hội và nâng cao đời sống của nhân dân. Còn đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa của tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng không cần luật biểu tình vì ‘chế độ xã hội chủ nghĩa dân chủ gấp vạn lần chế độ tư bản’ và vì thể chế chính trị Việt Nam đã xây dựng rất hoàn chỉnh' và 'Việt Nam hiện nay rất phát triển cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và vị thế ngoại giao'. “Có vấn đề gì chúng ta có Mặt trận, có hội đồng nhân dân, có chính quyền, vừa rồi có Luật khiếu nại, Luật tố cáo,” ông nói. ‘Bất bình thường’ Tuy nhiên ngay tại Quốc hội cũng có đại biểu không đồng tình với ông Hoàng Hữu Phước. Đại biểu Dương Trung Quốc cũng đăng đàn Quốc hội nêu ý kiến ủng hộ Luật biểu tình cũng trong phiên họp ngày 17/11. “Chúng ta đang chứng kiến những sự kiện trong quá trình hội nhập thế giới, việc biểu thị, bày tỏ thái độ của người dân là cần thiết,” ông nói và lưu ý rằng việc ‘tụ tập đông người’, cách mà các phương tiện truyền thông trong nước gọi các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, nên được gọi đúng tên thực chất là ‘biểu tình’.
“Thóa mạ những người biểu tình như thế, chúng ta đi ngược lại những tuyên bố chính thức của Nhà nước,” ông nói. Ông cũng gọi những người biểu tình chống Trung Quốc là ‘những người yêu nước’ nhưng ‘cách biểu thị của họ không thích hợp trong hoàn cảnh này' vì 'chúng ta chưa có luật’. “Luật biểu tình là một công cụ để chúng ta điều chỉnh, chúng ta bảo đảm những yếu tố tích cực của nó và chúng ta bảo đảm quyền của người dân,” ông lập luận. Ông cũng đề cập cách tiếp cận Luật biểu tình dưới góc độ ‘một quyền cơ bản của người dân’ đồng thời là công cụ thực thi pháp luật. “Nếu chúng ta chỉ nhìn một mặt thì chỉ thấy mặt hỗn loạn của nó,” ông nói. “Chính bởi vì không có luật nên mới dẫn đến tình trạng hỗn loạn.” Ông cũng phản bác ý kiến đại biểu Phước là ông nhân danh nhân dân để chống đối luật biểu tình dù không đề cập đích danh. “Trừ khi chúng ta có sự ủy nhiệm, hoặc có điều tra định lượng để nói rằng người dân phản đối,” ông nói. Trong cuộc phỏng vấn với báo chí bên hành lang Quốc hội sau đó, ông nói “quyền biểu tình không chỉ là nhu cầu thực tiễn của xã hội mà nó gần như là chuẩn mực của thế giới về quyền tự do con người tức là quyền hội họp.” Ông cho rằng nếu loại bỏ quyền tự do đó thì Việt Nam sẽ trở thành "bất bình thường". |