Hệ thống đường sắt cao tốc Trung Quốc bị ngưng trệ vì thiếu vốn
Tàu cao tốc Trung Quốc REUTERS/Stringer/Files
Le Monde tiếp tục chú ý đến đường sắt cao tốc Trung Quốc đang bị đình trệ với bài viết « Việc chậm đầu tư làm giảm tốc tàu cao tốc Trung Quốc », do đặc phái viên gửi về từ Bảo Định- Hồ Bắc.
Địa điểm đầu tiên mà phóng viên đưa người đọc tới là một vùng nông thôn thuộc tỉnh Hồ Bắc, gần thành phố Bảo Định (Baoding), cách Bắc Kinh khoảng 150 km. Tại đây, có hai công trình đường sắt cao tốc đang được xây dựng. Tuyến đường thứ nhất dài khoảng 300 km nối liền Bắc Kinh với Thạch Gia Trang (Shijiazhuang), thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc.
Dự án, được khởi sự vào năm 2008 đã gần như hoàn tất. Hệ thống đường dẫn điện đã được lắp đặt trên cầu treo. Còn dự án thứ hai, một dự án địa phương, nối liền Bảo Định với Thiên Tân, vừa mới bắt đầu vào năm 2010, đã bị hoãn lại vào đầu năm nay. Trên hiện trường, mới chỉ có các cột trụ. Theo các chuyên gia, gần 10.000 km đường cao tốc tại Trung Quốc đã bị hoãn lại, 13.000 km còn lại, trong đó có tuyến Bắc Kinh với Thạch Gia Trang, vẫn đang tiếp tục được làm, nhưng tiến độ thì bị chậm lại. Đã nhiều tháng nay, Bộ Đường sắt Trung Quốc – nơi phụ trách việc tài trợ cho toàn bộ hệ thống đường cao tốc – không đủ tiền để thực hiện các cam kết cấp vốn đã ký. Hiện tại, Bộ này mới nhận thêm 200 tỷ nhân dân tệ (tương đương với 23 tỷ euro), tuy nhiên, theo đánh giá được đưa ra trên các báo Trung Quốc, để đáp ứng được các nhu cầu, số tiền cần đầu tư phải cao gấp năm lần.
Công luận Trung Quốc cho rằng số đầu tư lớn như thế là không hợp lý, sau tai nạn kinh hoàng trên tuyến xe hỏa cao tốc Ôn Châu - Thượng Hải, khiến 40 người chết và 191 người bị thương. Đây là tai nạn mà Bộ Đường sắt Trung Quốc bị chỉ trích vì quản lý hết sức kém. Tại Từ Thủy (Xushui), các dân cư - sống ở khu vực nơi hai tuyến đường sắt cao tốc đi qua - rất phẫn nộ. Một nông dân cho biết, các công nhân xây dựng tại đây đã trở về nhà từ tháng Tám, khi có lệnh ngừng xây dựng. Trên thực tế, những người này đã không nhận được tiền lương từ bảy tháng trước đó. Trước khi rời khỏi công trường, họ đã ăn cắp vài chiếc xe máy trong làng và vật tư công trình, để có tiền đi đường.
Bản thân, nông dân này cũng bị nhà nước quỵt khoản tiền thuê ông cung cấp nước cho công trường. Nhưng điều khiến ông tức giận nhất là, ông đã bị trục xuất khỏi nơi ở cũ, hồi tháng 6, trước áp lực của lực lượng cảnh sát chống bạo động, để nhường đất cho công trình xây dựng đường sắt cao tốc, nay vừa bị hoãn lại. Chính quyền Bảo Định cũng rất giận dữ với việc công trình bị ngừng lại, trong khi họ đã cấp tiền cho việc giải tỏa mặt bằng, theo hợp đồng. Ở huyện láng giềng Dong Thành (Rongcheng), không khí ít căng thẳng hơn. Một chủ doanh nghiệp, trúng thầu tại công trình đường sắt, buộc phải chuyển xưởng sản xuất dự kiến thành một quán Internet. Người này hy vọng có thể kiếm được tiền từ một số khách hàng công nhân, đến quán giải trí với các trò chơi điện tử. Tuy nhiên, bản thân các công nhân tại công trường thì không có việc và cũng không nhận được lương từ bốn tháng nay. Ngày 4/11 vừa qua, một tờ báo địa phương thuật lại việc, khoảng một trăm công nhân, nhập cư từ tỉnh An Huy, cử đại diện đến Dong Thành để đòi khoản tiền 500 000 nhân dân tệ lương bị thiếu.
Theo một chuyên gia về kinh tế giao thông Trung Quốc, việc không trả lương như vậy sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là chỉ còn vài tháng nữa là đến Tết. Cũng theo chuyên gia kinh tế này, nhiều dự án đường sắt cao tốc ở Trung Quốc không phù hợp với các nhu cầu vận tải thực tế. Trung Quốc và Nga ngăn cản mọi trừng phạt chống lại Iran
Về thời sự quốc tế, Libération chú ý đến các căng thẳng hiện nay trong vấn đề hạt nhân Iran, với bài viết « Iran : Trung Quốc và Nga ngăn cản mọi trừng phạt ».
Chưa bao giờ khả năng Iran chế tạo thành công vũ khí hạt nhận lại rõ ràng đến mức như vậy, theo như bản báo cáo ngày 9/11 của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế.
Theo nhận định của thông tín viên Libération từ Vienna, Matxcơva muốn bảo vệ Teheran và phủ nhận bản báo cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế. Mặc dù Nga không phải không biết rõ các động thái của Iran, nhưng thành viên thường trực của HĐBA này không muốn một lần nữa nhường bước nhanh chóng trước các nước phương Tây, như trong trường hợp đối với Libya. Cùng với Trung Quốc, Nga chủ trương không chấp nhận việc đưa hồ sơ Iran ra trước Hội đồng Bảo An, mà chỉ yêu cầu Teheran trả lời một loạt các câu hỏi kỹ thuật, từ nay cho đến tháng Ba. Theo một nhà ngoại giao Châu Âu, phản ứng nhu nhược của cộng đồng quốc tế trước vấn đề bom hạt nhân của Iran trong tuần này, có thể củng cố thêm lập trường vô trách nhiệm của Bắc Kinh và Matxcơva. Libération cho biết, dù có sự ủng hộ hay không của Nga và Trung Quốc, thì Pháp, Anh, Mỹ, tự tin với sự ủng hộ của 35 phái đoàn có mặt tại Vienna, dự định sẽ ra nghị quyết lên án nghiêm khắc cuộc chay đua sản xuất vũ khí nguyên tử của các giáo trưởng Iran.
Một người có trách nhiệm, hiểu biết rõ về hồ sơ này cho biết, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế là cảnh sát quốc tế về hạt nhân, nếu như không tiến hành trừng phạt Iran ngay lập tức, không thể nào hình dung được các hậu quả. Châu Âu và các công ty thẩm định tài chính
Về hồ sơ kinh tế Châu Âu, Le Monde chú ý đến việc Bruxelles vừa phải nhường bước trước các cơ quan thẩm định tài chính.
Tờ báo cho biết, Ủy ban Châu Âu đã phải xóa bỏ một trong các biện pháp chủ yếu trong văn bản dự thảo luật, nhằm điều chỉnh tốt hơn những hoạt động của các công ty thẩm định tài chính. Đề nghị bị xóa bỏ dự kiến sẽ đình chỉ việc chấm điểm của các công ty thẩm định tài chính đối với một quốc gia trong một số điều kiện đặc biệt. Sở dĩ đề nghị này bị xóa bỏ là vì phản ứng của nhiều nước. Ngay cả các nước đang ở trong tình trạng nhận trợ giúp đặc biệt, như Hy Lạp và Ailen, cũng lo ngại việc buộc các công ty thẩm định tài chính hoãn đưa ra các đánh giá, có thể sẽ khiến các thị trường bối rối, vì cho rằng người ta đang che giấu các thông tin. Ủy viên Châu Âu về tài chính Michel Barnier – người chủ trương đề xuất này – nói, ông sẽ trở lại với hồ sơ nói trên nhưng vấn đề là cần phải có thêm thời gian để làm rõ các biện pháp kỹ thuật cụ thể và thuyết phục được mọi người. Vi trùng nhờn thuốc kháng sinh Về y tế thế giới, với bài viết « Các vi trùng kháng thuốc, vấn đề toàn cầu », tờ Les Echos nhấn mạnh đến việc Tổ chức Y tế Thế giới sẽ đưa vấn đề này trở thành chủ đề chính của Ngày Sức khỏe thế giới, được dự trù tổ chức vào cuối năm nay. Trong một bản báo cáo, được công bố vào ngày mai 18/11, trong khuôn khổ Ngày Châu Âu thông tin về các thuốc kháng sinh, có một cảnh báo : 75 năm sau khi các thuốc kháng sinh đầu tiên được đưa vào sử dụng, ngày nay chúng ta đang đối mặt với một tương lai không có các thuốc kháng sinh cho nhiều loại bệnh. Hiện tại, ngay ở Châu Âu, hàng năm có khoảng 25.000 vụ tử vong và khoảng 2,5 triệu ngày điều trị tại bệnh viện được quy cho việc vi trùng nhờn kháng sinh. Nguyên nhân gì đã dẫn đến việc, kháng sinh từ chỗ rất hiệu quả trong những năm 1970, lại ngày càng bị vi trùng kháng lại.
Theo Les Echos, hai nguyên nhân chủ yếu của việc các vi trùng tăng cường khả năng kháng lại thuốc, là việc thuốc kháng sinh được sử dụng quá nhiều và việc các vi trùng phát triển được các hệ thống đề kháng, và truyền lại cho các thế hệ tiếp theo. Một từ điển về lịch sử hai bờ bắc và nam của Địa Trung Hải
Trong hồ sơ văn hóa trên La Croix có cuộc phỏng vấn đáng chú ý mà tờ báo thực hiện cùng với một chuyên gia về ngôn ngữ và văn hóa Ả Rập cổ điển – André Miquel. Theo nhà nghiên cứu, ngày càng cần thiết hơn một bộ từ điển về lịch sử chung giữa bờ bắc và bờ nam của Địa Trung Hải.
Ông giải thích lý do, vì sao một bộ từ điển như vậy lại là cần thiết. Theo nhà nghiên cứu, lịch sử mối quan hệ14 thế kỷ rất phức tạp giữa Châu Âu và thế giới Ả Rập vẫn còn được hiểu chưa đúng. Chuyên gia về thế giới Ả Rập cổ điển nhắc lại một thời kỳ, cách đây một thiên niên kỷ, thế giới Hồi giáo không những khoan dung với đạo Thiên Chúa và đạo Do Thái mà còn đón nhận các tín đồ của hai tôn giáo này và coi việc bảo vệ họ là một nghĩa vụ. Sự đối kháng giữa hai thế giới, Châu Âu và Hồi giáo, kéo dài trong nhiều giai đoạn lịch sử. Chuyên gia về thế giới Ả Rập Hồi giáo cho rằng, các đối thoại liên tôn giáo, đặc biệt là giữa Thiên Chúa giáo và Hồi giáo là rất cần thiết, để vượt qua được các cản trở, đặc biệt về mặt đức tin tôn giáo.
Vẫn theo nhà nghiên cứu, vấn đề chủ yếu hiện nay đối với cả hai tôn giáo là phải « khớp lại được tôn giáo với lịch sử ». Đây có thể coi là một trong những mục tiêu chính của cuốn từ điển về lịch sử toàn bộ khu vực Địa Trung Hải. Trang nhất các nhật báo Pháp Thỏa hiệp giữa đảng Xã hội với đảng Xanh – hai đảng cánh tả chủ chốt tại Pháp - là chủ đề được nhiều tờ báo Pháp quan tâm. « Vị thế của ứng cử viên đảng Xã hội bị đe đọa do các đòi hỏi của đảng Xanh » là tựa đề trên trang nhất của Le Figaro.
Tờ Libération chơi chữ qua hàng tựa « Đảng Xã hội – đảng Xanh. Tai nạn hạt nhân », với nhận định, thỏa hiệp tranh cử giữa đảng Xã hội và đảng Xanh làm cho cử tri cánh tả mất phương hướng. Le Monde thì nhấn mạnh đến việc các doanh nghiệp trong nhóm CAC 40 của Pháp vẫn được đánh giá tốt, bất chấp khủng hoảng. « Văn hóa, nơi đầu tư cho tương lai » là chủ đề chính của La Croix.
|