Khuyên Trung Quốc làm ‘Người Lớn’ |
Tác Giả: Ngô Nhân Dụng |
Thứ Năm, 17 Tháng 11 Năm 2011 08:48 |
Kể từ năm 1954, có lẽ chưa có một nhà chính trị Mỹ nào cố ý làm Bắc Kinh mất mặt như vậy.
Hôm Chủ Nhật vừa rồi, sau hội nghị APEC tại Honolulu có mặt 21 nguyên thủ quốc gia vùng Á Châu và Thái Bình Dương, ông Barack Obama, tổng thống Mỹ, đã lên giọng khuyên chính quyền Trung Quốc hãy “Cư xử như người lớn!” Lời tuyên bố của ông tổng thống Mỹ đã được báo chí khắp thế giới dùng làm tựa đề cho các bản tin về ngày chấm dứt hội nghị APEC. Trước đây gần 60 năm, tại Hội nghị Genève 1954, hai ngoại trưởng Mỹ và Trung Quốc tình cờ gặp nhau trong một cuộc tiếp tân; ông Chu Ân Lai tươi cười đưa tay ra bắt tay nhưng ông Foster Dulles quay đầu đi thẳng không thèm chào. Khi tiếp Henry Kissinger, ngoại trưởng Mỹ tới Bắc Kinh lần đầu năm 1972, Chu Ân Lai còn nhắc lại chuyện này; đổ lỗi chính Mỹ gây ra tình trạng thù nghịch giữa hai nước. Vào năm 1954, giới lãnh đạo Mỹ vẫn nghĩ Trung Cộng hoàn toàn lệ thuộc Liên Bang Xô Viết, như mọi nước cộng sản khác. Tới đầu thập niên 1970 người Mỹ mới thấy rõ Bắc Kinh đang tách khỏi Mạc Tư Khoa. Ngày nay, Trung Quốc đã trở thành một cường quốc đang lên, sức nặng kinh tế đứng hàng thứ hai trên thế giới. Hai nước liên hệ chặt chẽ, Mỹ mua hàng Trung Quốc xuất cảng, Trung Quốc lại đem tiền thu về cho chính phủ Mỹ vay. Chắc Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại Giao Mỹ đã nghiên cứu kỹ tâm lý người phương Ðông, biết rằng “Lời chào cao hơn mâm cỗ!” Nói trước công chúng, “Trung Quốc đã lớn rồi, phải cư xử như người lớn” chắc chắn làm mất mặt cả ban lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Hoa. Mà đối với người Tàu, dù cộng sản hay không cộng sản, thì thể diện là chuyện tối trọng. Lên mặt “kẻ cả” mà khuyên bảo như vậy, không khác gì mắng vào mặt người ta là “cư xử như trẻ con!” Có lẽ ông Obama quá cao hứng vì trong hội nghị đó, chính quyền Mỹ đã đạt một thắng lợi ngoại giao đáng kể. Mỹ kêu gọi thành lập một Vùng Tự Do Mậu Dịch Thái Bình Dương; đề nghị này đã được tám nước hưởng ứng, trong đó có Australia, Brunei, Chile, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Các nước kinh tế lớn như Nhật Bản, Mexico và Canada cũng ngỏ ý muốn vào. Trong khi đó Trung Quốc và Nga không được mời tham dự; Tòa Bạch Ốc viện lẽ rằng trong vụ này không ai mời ai cả, Mỹ chỉ đề nghị, nước nào “OK” thì “nhào vô”. Trước khi lên tiếng khuyên răn chính quyền Bắc Kinh, ông Obama đã nhắc lại lời khẳng định bà Hillary Clinton đã nói tại Hà Nội năm ngoái, nhưng ông nhấn mạnh đến kinh tế hơn là quân sự. Nói với các nhà kinh doanh Mỹ có mặt trong cuộc họp về kinh tế, ông Obama bảo, “Không có một vùng nào trên thế giới quan trọng hơn vùng Á Châu Thái Bình Dương; với triển vọng tạo công việc làm cho giới lao động Mỹ. Năm 2010, Mỹ thâm thủng 273 triệu đô la trong việc mua bán với Trung Quốc; dân Mỹ thích mua hàng Tàu vì rẻ hơn hàng nội hóa. Tại Quốc Hội cũng như trong dư luận dân chúng, nhiều người Mỹ coi đó là một nguyên nhân khiến dân Mỹ thất nghiệp. Ông Obama cũng lên án Bắc Kinh kìm giá đồng nguyên xuống thấp để giữ giá hàng rẻ. Thượng Viện đã thông qua một dự luật cho phép Tòa Bạch Ốc “trừng phạt” Trung Quốc nếu họ không để cho đồng Nguyên lên giá theo cung cầu của thị trường. Dự luật này khó được Hạ Viện đưa ra bàn, nhưng vẫn là một mối đe dọa đối với Bắc Kinh trong thời gian sắp tới. Ông Obama đã bày tỏ thái độ sốt ruột của cả nước Mỹ trước việc Trung Quốc tiếp tục ghìm giá đồng tiền của họ để được lợi khi xuất cảng. Tuy kinh tế Trung Quốc đã vượt qua Nhật, Ðức, thành lớn thứ nhì trên thế giới, nhưng chính quyền Bắc Kinh vẫn yêu cầu được coi là một nước “đang trên đường phát triển,” (tức là đang lớn!) Trung Quốc muốn bám lấy danh nghĩa đó, vì một quốc gia còn đang phát triển (Việt Nam là một) sẽ không phải theo đủ các quy tắc mậu dịch tự do mà Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) yêu cầu. Trong khung cảnh đó, ông tổng thống Mỹ đã nói với ông Hồ Cẩm Ðào, rằng đã đến lúc Trung Quốc “lớn lên” (grown up), không còn “vị thành niên” nữa. Do đó, phải cư xử như người lớn, “đá banh trên sân chơi bằng phẳng” trong việc giao thương với Mỹ và các nước khác. Ông Obama công nhận Bắc Kinh đã cho đồng Nguyên lên giá một chút trong thời gian qua, nhưng yêu cầu thị hối suất phải được tự do theo thị trường; ông dùng lời lẽ tỏ vẻ sốt ruột, “Thôi, đủ rồi!” (Enough's enough) Nhưng chính quyền Trung Quốc không thể thỏa mãn lời yêu cầu của chính quyền và Quốc Hội Mỹ. Họ không thể cho đồng tiền của họ lên giá, vì cả nền kinh tế vẫn nhờ hàng xuất cảng hàng hóa. Trong lúc kinh tế Mỹ dựa trên sức tiêu thụ của người dân trong nước thì đối với Trung Quốc không xuất cảng thặng dư thì không sống được. Ðiều đáng ngạc nhiên là khi đưa ra lời khuyên nhủ Trung Quốc “làm người lớn” ông Obama đã không lo gì hậu quả là chính quyền Cộng Sản Trung Quốc sẽ trả đũa khi bị mất mặt. Trước khi dùng những lời lẽ này, ông Obama đã gặp riêng hai vị quốc trưởng Nga và Trung Quốc để yêu cầu họ hỗ trợ Mỹ làm áp lực buộc Iran phải ngưng chương trình vũ khí nguyên tử. Hai nước này đều có quyền phủ quyết tại Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc; bất cứ nghị quyết phong tỏa Iran nào cũng không thể thiếu lá phiếu của họ. Nga là một nước láng giềng của Iran, Trung Quốc là khách hàng lớn mua dầu khí của Iran. Ông Medvedev, tổng thống Nga, tuy không nói ủng hộ Mỹ nhưng khi họp báo có nói đã bàn với Mỹ vấn đề Iran; còn ông Hồ Cẩm Ðào thì đã lờ đi không nhắc tới Iran. Thái độ lững lờ đó có thể khiến chính quyền Mỹ bất mãn và trả đũa bằng cách dùng những ngôn từ nặng nề, dù chỉ nhắc lại những yêu cầu đã nói nhiều lần: Hãy cho đồng nguyên lên giá tự do! Nhưng sau khi “lên lớp” Bắc Kinh như một thầy giáo, chính phủ Mỹ sẽ khó hy vọng được Bắc Kinh ủng hộ khi đưa ra một nghị quyết trừng phạt Iran trước Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trong thời gian tới. Ông Obama có tính toán đến tai hại đó hay không khi ông làm mất mặt giới lãnh đạo Bắc Kinh? Có lẽ trong việc tính toán, Tòa Bạch Ốc đã thấy lợi nhiều hơn hại. Ông Obama mới nói “Á Châu Thái Bình Dương là một vùng tuyệt đối quan trọng (absolutely critical) đối với sự thịnh vượng của nước Mỹ.” Ðiều quan trọng là Mỹ có nhiều triển vọng thành công ở đó hơn là ở Trung Ðông. Tại Iran, đằng nào Bắc Kinh cũng không cộng tác với Mỹ, cho nên nếu Mỹ tạo thêm áp lực trên mặt kinh tế cũng không thay đổi gì. Trung Quốc đang cần Iran vì còn đi mua dầu và khí đốt khắp thế giới. Họ đang lợi dụng tình trạng cô lập của Iran để đặt thêm các quan hệ thương mại có ưu thế. Không thể làm áp lực nào với Bắc Kinh khiến họ từ bỏ các quan hệ đó. Nhưng liệu một cường quốc có bom nguyên tử từ năm 1964 như Trung Quốc có thể, vì ghét nước Mỹ, sẽ giúp Iran về kỹ thuật hạt nhân, để trả đũa hay không? Ðiều này khó xẩy ra, vì trong việc ngoại giao người ta không yêu cũng không ghét, họ chỉ nghĩ đến quyền lợi. Mà khi xét lợi hại thì giúp Iran làm bom nguyên tử là làm tất cả khối Á Rập bất bình. Các nước Á Rập tuy cùng theo Hồi Giáo nhưng đa số thuộc chi phái Sun Ni, còn Iran theo phái Shi A; họ luôn luôn coi Iran là một mối đe dọa. Trung Quốc không thể gây thù hằn với các nước Á Rập trong khi còn mua dầu ở Trung Ðông, từ Á Rập Sau Ði sang Libya. Những lời tuyên bố của ông Obama ngay sau hội nghị APEC cho thấy trong việc lựa chọn giữa Thái Bình Dương và Trung Ðông, chính quyền Mỹ, nếu không coi Thái Bình Dương là vùng quan trọng hơn thì ít nhất, đó là khu vực có thể đóng vai chủ động nhiều hơn. Nước Mỹ đã sử dụng gần đủ các quân bài ở vùng Trung Ðông, với những hành động rất tốn kém cả người lẫn của; nhưng suốt ba bốn đời tổng thống Mỹ vẫn không gây được ảnh hưởng trên Iran. Ðánh đổ chính quyền của Saddam Hussein càng khiến cho Iran được lợi thế; vì ông Hussein xưa kia vẫn coi Iran là tử thù. Ông ta chết đi, khối người Iraq theo đạo Shi A chiếm đa số sẽ kiểm soát chính quyền Iraq; và họ sẽ thân thiện với Iran. Chính phủ Mỹ đã lập hàng rào phong tỏa Iran từ ba chục năm qua nhưng Iran đến nay vẫn tiến hành các cuộc thí nghiệm nguyên tử lực. Trừ khi dân Iran tự động xóa bỏ chính quyền cực đoan về tôn giáo của họ, các nước ngoài khó làm nước này chuyển hướng. Ngược lại, trong vùng Á Châu Thái Bình Dương, nước Mỹ đang dùng ảnh hưởng ngoại giao thuần túy tạo thêm ảnh hưởng, mà không phải sử dụng quân lực cũng như chưa thấy tốn tiền đồng nào. Trong khi dân Á Rập và Hồi Giáo ở vùng Trung Ðông đều không có thiện cảm với nước Mỹ, ít nhất cho tới khi Mỹ giúp các cuộc cách mạng lật đổ chính quyền độc tài ở Ai Cập, Libya; thì ngược lại các nước Á Châu từ Ấn Ðộ, Nhật Bản, Australia tới Việt Nam đều đang muốn Mỹ trở lại vùng này để tạo cân bằng với áp lực đang lên từ Trung Quốc. Ngày hôm qua ông Obama đã sang thăm Úc Châu. Ðể lôi cuốn các đồng minh cũ và mới ở Á Châu, chính quyền Mỹ chỉ cần đưa thêm những lời tuyên bố là đủ! Và trong cuối tuần qua ông Barack Obama đã làm đúng công việc đó. Trung Quốc đã không phản ứng mạnh mẽ trước những lời lẽ “kẻ cả” của ông tổng thống Mỹ. Chỉ có một phát ngôn viên của phái đoàn Trung Quốc trả lời rằng Bắc Kinh nhất định không để cho đồng nguyên lên giá quá nhanh, vì như vậy sẽ làm xáo trộn kinh tế cả nước Tàu, rất nhiều người Trung Hoa sẽ thất nghiệp. Ông ta không quên nói thêm rằng nếu kinh tế nước Tàu xáo trộn thì sẽ tai hại cho kinh tế cả thế giới. Mà điều này là đúng sự thật! Hội nghị APEC vừa qua là một thắng lợi ngoại giao của Mỹ. Các nước đồng ý giảm thuế quan xuống 5% trên những món hàng và dịch vụ nhắm giảm ô nhiễm; đây là một đề nghị của Mỹ và bị Trung Quốc phản đối. Bản thông cáo kết thúc dùng những lời lẽ phản ảnh lập trường của Mỹ. Các nước cam kết sẽ ủng hộ sự phát triển kinh tế “cân bằng, lâu bền và mạnh mẽ ở trong vùng cũng như trên thế giới”. Hai chữ “cân bằng” nhắm vào Trung Quốc và Mỹ, một bên thì chỉ lo xuất cảng mà không khuyến khích dân tiêu thụ; bên kia thì chỉ thích vay tiền, nhập cảng để tiêu thụ! Nhưng tình trạng mất cân bằng ở Mỹ là do khuynh hướng tự nhiên của dân chúng; trong khi chính quyền Bắc Kinh thì chủ động gây ra tình trạng mất quân bình với các chính sách nâng đỡ hàng xuất cảng. Họ tự biện hộ rằng nước Trung Hoa chưa phát triển đầy đủ cho nên phải nâng đỡ các xí nghiệp làm hàng bán ra ngoài. Nay ông Obama yêu cầu họ phải “cư xử như người lớn,” chắc chính quyền Trung Quốc dù mất mặt nhưng cũng không theo được! Vì “làm người lớn” đòi hỏi những điều vượt trên khả năng của Bắc Kinh! |