Home Tin Tức Thời Sự Đấu khẩu Mỹ -Trung về kinh tế tại Thượng đỉnh APEC

Đấu khẩu Mỹ -Trung về kinh tế tại Thượng đỉnh APEC PDF Print E-mail
Tác Giả: Đức Tâm   
Thứ Hai, 14 Tháng 11 Năm 2011 12:59

Hoa Kỳ và châu Âu không muốn trao cho các cường quốc đang trỗi dậy như Trung Quốc quá nhiều quyền lực


Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại hội nghị thượng đỉnh APEC tổ chức ở Hawaï, ngày 12/11/2011.
REUTERS/Larry Downing

 

Hôm qua, 12/11/2011, tại Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương đã diễn ra cuộc đấu khẩu về kinh tế giữa Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Giới quan sát cho rằng nguyên nhân chính là lãnh đạo của hai quốc gia khổng lồ trong khu vực có những bất đồng trong phân tích về tình hình kinh tế.

 
Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào muốn trấn an các lãnh đạo khác về việc Bắc Kinh mở cửa nền kinh tế và tiếp tục các cải cách.

 Mặt khác, ông Hồ Cẩm Đào cũng nhấn mạnh là Trung Quốc sẽ gia tăng vai trò, tác động đến các xu thế phát triển của kinh tế thế giới.

Dường như để phản công chống lại dự án Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương do Mỹ dẫn dắt, lãnh đạo Trung Quốc cho rằng các cuộc thảo luận về tự do trao đổi mậu dịch cần phải được tiến hành trong khuôn khổ vòng đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại Thế giới.
 
Về phần mình, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhận định là Bắc Kinh cần phải tôn trọng các quy định hiện hành về quyền bảo hộ trí tuệ, nâng giá đồng nhân dân tệ so với đô la …Ông tuyên bố:

'' Điều tôi muốn nói ngay từ ngày đầu tiên nhậm chức, đó là chúng tôi muốn Trung Quốc tôn trọng các quy định. Và hồ sơ tỷ giá có thể là một ví dụ tốt ».

Vẫn theo nguyên thủ Hoa Kỳ, lợi thế cạnh tranh chính của nền kinh tế Mỹ là sự hiểu biết, các phát minh, các bằng sáng chế, quyền tác giả và điều không thể chấp nhận được là các quyền này lại không được bảo hộ trên một thị trường rộng lớn và quan trọng như Trung Quốc.
 
Trong bối cảnh kinh tế ảm đạm, nạn thất nghiệp dao động trong khoảng 9%, Tổng thống Obama, người sẽ ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa, đang chịu áp lực rất lớn là phải hành động để cân bằng lại quan hệ thương mại với Trung Quốc.
 
Một cố vấn của Tổng thống Mỹ tiết lộ với báo chí là trong cuộc hội đàm song phương bên lề APEC, Tổng thống Obama đã nói với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào là công luận Mỹ ngày càng có tâm trạng khó chịu, không thoải mái về những chính sách của Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại và tỷ giá.

Theo trang tin trên mạng Trung Quốc chinanews.com, thì lãnh đạo Trung Quốc đáp lại rằng « Thâm hụt cán cân thương mại và các vấn đề thất nghiệp không phải là hậu quả của tỷ giá đồng nhân dân tệ và ngay cả việc đồng yuan được nâng giá cao thì cũng không giải quyết được những vấn đề mà nước Mỹ phải đương đầu ».
 
Theo nhận định của Reuters, thì Washington không có các phương tiện để tác động đến Bắc Kinh : Hiện nay, Trung Quốc là nước nắm giữ nhiều công trái Mỹ nhất, khoảng 1.100 tỷ đô la.
 
Cuộc tranh luận về khuôn khổ tổ chức thương mại trong khu vực cho thấy rõ sự bất đồng Mỹ -Trung. Chính quyền Washington muốn làm việc này thông qua Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương với các mục tiêu thương mại cụ thể hơn vòng đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại Thế giới.

 Còn Bắc Kinh lại nhấn mạnh đến tầm quan trọng của vòng đàm phán Doha, kêu gọi các nước phát triển có những nhượng bộ đối với các nước đang trỗi dậy trong lĩnh vực thuế hải quan.
 
Một chủ đề khác cũng gây tranh luận giữa hai nền kinh tế nhất nhì thế giới, đó là vấn đề đại diện của Trung Quốc tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

 Hoa Kỳ và châu Âu không muốn trao cho các cường quốc đang trỗi dậy như Trung Quốc quá nhiều quyền lực. Về điểm này, Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố việc lãnh đạo kinh tế giới phải phản ánh tiến trình biến đổi tương quan trên thế giới nhằm củng cố tiếng nói của các nước mới trỗi dậy và các quốc gia đang phát triển.
 
Ông Hồ Cẩm Đào khẳng định: « Trung Quốc sẽ hành động thúc đẩy cải cách hệ thống kinh tế quốc tế và tạo ra một trật tự kinh tế quốc tế đúng đắn và công bằng hơn » và Bắc Kinh « sẽ đóng vai trò ngày càng lớn trong nền kinh tế thế giới và trong các định chế tài chính quốc tế ».