Home Tin Tức Thời Sự Việt Nam chưa đủ khả năng quản lý nhiều nhà máy hạt nhân

Việt Nam chưa đủ khả năng quản lý nhiều nhà máy hạt nhân PDF Print E-mail
Tác Giả: Thanh Phương   
Thứ Hai, 14 Tháng 11 Năm 2011 11:23

Việt Nam chưa có những người hiểu biết, chưa có chuyên gia, chưa có đội ngũ để làm hạt nhân

Khu vực lò phản ứng số 3 ở Fukushima ngày 21/3/11. Sự cố ở các nhà máy hạt nhân tại đây buộc Việt Nam phải xét lại chính sách phát triển điện nguyên tử.
Reuters

 

Sau thảm hoạ hạt nhân ở Fukushima, Nhật Bản, do mối lo ngại của công luận về sự an toàn của các nhà máy điện hạt nhân, một số nước Đông Nam Á đã xét lại các dự án nhà máy này .

Thái Lan đã đình chỉ vĩnh viễn kế hoạch xây 5 nhà máy điện hạt nhân trước năm 2025.

 Malaysia, quốc gia dự trù xây nhà máy hạt nhân đầu tiên trước năm 2021 nay cũng do dự, tương tự như Indonesia, cũng có kế hoạch xây 4 nhà máy điện hạt nhân truớc năm 2025.

Singapore thì đặc biệt rất thận trọng, hiện giờ chỉ mới quyết định tiến hành nghiên cứu khả thi về việc sử dụng điện nguyên tử.

 Chỉ có riêng Việt Nam là vẫn không thay đổi lập trường, nhất quyết thực hiện kế hoạch xây dựng tổng cộng đến 8 nhà máy điện hạt nhân và như vậy là sẽ trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên có điện hạt nhân.

 Nhà máy đầu tiên sẽ do Nga xây dựng và theo dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2020. Nhà máy thứ hai sẽ sử dụng công nghệ của Nhật Bản.
 
Nhân chuyến viếng thăm Nhật Bản của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cuối tháng 10 vừa qua, hai nước đã nhắc lại quyết định của chính phủ Việt Nam chọn Nhật Bản là đối tác để xây hai lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân số 2 ở tỉnh Ninh Thuận.

Trong bản thông cáo chung sau cuộc hội đàm giữa hai thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Yoshihiko Noda, phía Nhật đã cam kết sẽ cung cấp cho Việt Nam “những công nghệ bảo đảm mức an toàn hạt nhân cao nhất thế giới”.
 
Chưa biết là chừng nào sẽ khởi công xây dựng nhà máy số 2 này, nhưng chưa gì Việt Nam đã quyết định sẽ tăng cường hợp tác với Hàn Quốc về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân thứ ba, cũng bao gồm 2 lò phản ứng.
 
Nhưng trong khi đó, đối với những chuyên gia hạt nhân như giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện nguyên tử Đà Lạt, Việt Nam chưa đủ điều kiện về nhân lực, trình độ, cơ sở hạ tầng để có thể quản lý nhiều nhà máy điện hạt nhân như thế.

Theo giáo sư Phạm Duy Hiển, trước khi làm điện hạt nhân, lẽ ra Việt Nam nên tập trung vào việc tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và phát triển các loại năng lượng tái tạo.

Sau đây mời quý vị theo dõi bài phỏng vấn:


RFI : Thưa giáo sư, nhân chuyến đi Nhật Bản vừa qua của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai nước đã khẳng định là Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân thứ hai và phía Nhật Bản cũng cam kết sẽ cung cấp cho Việt Nam công nghệ hạt nhân « an toàn nhất thế giới”, cho dù bản thân nước Nhật vừa gặp sự cố ở Fukushima. Lời cam kết đó có thật sự trấn an các chuyên gia hạt nhân như giáo sư hay không ?
 
Giáo sư Phạm Duy Hiển : Tôi không hào hứng lắm khi nghe thông tin như anh vừa nói. Vì sao ?

 Thứ nhất, phía Nhật bảo rằng họ cung cấp cho ta những công nghệ hiện đại nhất, an toàn nhất, thì khái niệm này nói chung rất là mơ hồ.

 Thứ hai là nó không thích hợp gì với điều kiện của Việt Nam. Việt Nam chưa đủ điều kiện để tiếp thu bất cứ công nghệ nào. Tuyên bố đó là công nghệ an toàn nhất là điều mà các nhà chuyên môn không thể chấp nhận được.
 
Nước Nhật đã bị thảm họa Fukushima mà cả thế giới đều biết. Trong thời gian vừa qua cũng đã có hai thủ tướng đều tuyên bố rằng tương lai sẽ không phụ thuộc nhiều vào năng lượng hạt nhân nữa.

 Người ta đặt câu hỏi là nước Nhật sẽ từ bỏ dần dần sự phụ thuộc đấy, sao lại xuất khẩu năng lượng hạt nhân sang các nước khác ? Đó là điều không lô gích chút nào cả. Tại sao người Nhật không chấp nhận năng lượng hạt nhân,mà họ lại đẩy năng lượng đó sang nước khác ? Tôi thấy điều đó không đàng hoàng chút nào.
 
Tất nhiên ở Việt Nam cũng có những luồng ý kiến cho rằng là chúng ta sẽ có công nghệ an toàn nhất. Nhưng, như tôi nói ở trên, thế nào là an toàn nhất ?

Chưa có gì có thể khẳng định chuyện ấy cả. Trên thế giới, tại sao ở Đức người ta bỏ hạt nhân, trong khi Pháp vẫn làm hạt nhân. Gần đây nhất, Bỉ cũng vừa tuyên bố sẽ bỏ hạt nhân. Mỗi nước có những hoàn cảnh của nó và Việt Nam không giống gì với những nước đó cả.
 
Thứ nhất, Việt Nam chưa có những người hiểu biết, chưa có chuyên gia, chưa có đội ngũ để làm hạt nhân. Hệ thống tổ chức, quản lý về an toàn, pháp lý cũng chưa đủ điều kiện để làm bất cứ công nghệ nào. Chúng ta làm nhà máy thứ nhất, với sự trợ giúp của Nga và nhà máy ấy sẽ có hai lò phản ứng, nhưng bây giờ lò đầu tiên vẫn chưa bắt đầu và đội ngũ nhân lực cũng chưa đâu vào đâu.

 Thế thì đến lò thứ hai, ai sẽ làm ? Người Việt Nam làm hay tất cả sẽ do người nước ngoài làm ? Tôi thấy chính phủ vẫn chưa có kế hoạch rõ ràng. Rồi đây sẽ có đàm phán với những nước khác để làm những lò phản ứng khác nữa.
 
Thứ hai, việc chọn đối tác không chỉ đơn thuần là vấn đề chính trị, mà còn phải tính đến vấn đề công nghệ. Ở Việt Nam, đội ngủ nhân lực không có, cơ sở hạ tầng không có. Bây giờ dùng công nghệ của Nga, rồi dùng công nghệ của Nhật, vài hôm biết đâu lại dùng tới công nghệ của một nước khác nữa. Lực lượng của chúng ta làm sao có thể trải ra để mà tiếp thu hết, nếu chúng ta thực sự muốn làm chủ những công nghệ đó.
 
Còn một điểm nữa, đó là tiền bạc của chúng ta cũng không đủ. Theo báo chí thì hai lò của Nhật thì sẽ là khoảng 13 tỷ đôla, trong khi vào lúc đưa ra Quốc hội cách đây một năm, người ta chỉ dự trù khoảng 5 tỷ rưỡi đôla. Bây giờ đã lên tới 13 tỷ và sau này không biết có còn tăng lên nữa hay không.
 
RFI : Thưa giáo sư Phạm Duy Hiển, Việt Nam không chỉ dự trù xây 2 nhà máy hạt nhân, mà sẽ xây đến 8 nhà máy, với lý do là nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng ngày càng tăng theo đà phát triển kinh tế. Theo giáo sư thì Việt Nam có cần đến 8 nhà máy hạt nhân hay không ?
 
Giáo sư Phạm Duy Hiển : Tôi cho là không cần. Việt Nam hiện quá lãng phí năng lượng và không chịu giải quyết vấn đề sử dụng năng lượng thiếu hiệu quả, mà cứ nghĩ đến chuyện thiếu đâu thì làm đấy.

Tôi có thể cam đoan điều này, mà sau này nhiều người sẽ thấy rõ : nếu đến những năm 2020-2030 mà Việt Nam tiếp tục sử dụng năng lượng với tốc độ như hiện nay và sử dụng một cách vô hiệu quả như thế thì nền kinh tế đó sẽ gặp bế tắc. Và tất nhiên là sẽ không có đủ tiền để làm. Riêng hai lò của Nhật đã là 13 tỷ đôla rồi, lấy tiền đâu ra mà làm đến 16 lò ?
 
Việt Nam phải nghĩ đến những nguồn năng lượng khác, đến chuyện tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng có hiệu quả.

 Hiện nay, tốc độ tăng điện năng vẫn cao hơn gấp đôi tốc độ tăng GDP. Cho nên tôi không hiểu cách hoạch định là như thế nào và làm sao lại có chuyện lạ như thế. Nhưng tựu trung lại vấn đề vẫn là chúng ta không đủ sức để tiêu hóa tất cả những công nghệ đớ. Chính sách đó sẽ dẫn đến những chỗ rất không tốt. Cần phải cân nhắc lại, chứ không thể cứ thế mà làm. Làm điện hạt nhân khác với việc xây một nhà máy bình thường.
 
Việc xảy ra ở Fukushima ai cũng thấy rõ rồi. Không thể không nghĩ đến những bài học từ Fukushima, cho dù nước nào cũng hứa sẽ cung cấp cho Việt Nam công nghệ tiên tiến nhất.

Tất cả đều phụ thuộc về phía Việt Nam : nhân lực chưa đủ, tổ chức chưa thich hợp. Những tai nạn giao thông, những vấn đề vệ sinh thực phẩm chứng tỏ là trình độ của chúng ta chưa quản lý được nhà máy điện hạt nhân, mà lại là quản lý cả chục lò phản ứng.
 
Cũng cần phải xem xét lại những đối tác vẫn cam kết sẽ cung cấp công nghệ hạt nhân an toàn nhất, bởi vì điện hạt nhân phụ thuộc vào văn hóa an toàn. Việt Nam chưa có văn hóa an toàn công nghiệp nói chung, còn nước ngoài cũng có vấn đề về văn hóa an toàn, cho nên mới tuyên bố những câu ngạo mạn như thế. Những vụ Tchernobyl hay Fukushima cho thấy là vẫn chưa có văn hóa an toàn ở những nưóc đó.
 
Cụ thể trong vụ Fukushima, tập đoàn Tepco, mà cũng sẽ giúp Việt Nam xây nhà máy hạt nhân, đã dấu giếm mọi thứ. Rồi trong chính phủ Nhật cũng có những người cấu kết với tập đoàn này. Những chuyện đó báo chí Nhật đã nêu lên rất rõ. Và cái đấy là rất nguy hiểm. Nếu họ đem cái tác phong làm việc như thế, cái văn hóa như thế sang Việt Nam, thì tôi không biết hậu quả sẽ như thế nào.
 
Cho nên ở đây cần phải xem lại vấn đề một cách rất nghiêm chỉnh. Tôi vẫn cho rằng cần phải lùi lại 10 năm nữa, kể cả nhà máy do Nga xây dựng, vì ta chưa đủ điều kiện để làm.

Bây giờ thì đã lỡ rồi, cũng phải bắt đầu làm một cái gì đó, nhưng không thể làm một lúc nhiều cái nhà máy như thế, lực lượng ở đâu ra mà làm và trình độ thì chưa có.
 
RFI : Năng lượng hạt nhân rõ ràng có những hạn chế về mặt an toàn, cho nên cũng phải nghĩ đến việc phát triển các năng lượng tái tạo. Nhưng phát triển năng lượng tái tạo có quá tốn kém so với lượng năng lượng tạo ra ?
 
Giáo sư Phạm Duy Hiển : Rất may là gần đây ở trong nước việc này đã được đẩy mạnh. Tôi cũng tham gia nhiều diễn đàn trên mạng và đi nói chuyện các nơi với các em sinh viên thì tôi thấy là sự hào hứng về năng lượng tái tạo đang lên rất cao và tôi tin là có thể làm được.
 
Hiện giờ số nhà máy điện gió được đăng ký đã có khá nhiều và chính phủ cũng có những chính sách khuyến khích chuyện này. Một số người nghĩ rằng chuyện này chẳng đáng là bao nhiêu cả. Nhưng tôi nghĩ là cũng nên mạnh dạn làm chuyện này. Nhất là nếu nước Nhật cũng chuẩn bị bỏ dần năng lượng hạt nhân, chuyển sang năng lượng tái và nhiều nước khác cũng làm như vậy thì dần dần giá của năng lượng này sẽ rẻ hơn và có thể chấp nhận được.
 
Hiện nay mặc dù là sự hào hứng trong xã hội về năng lượng tái tạo đang lên rất cao trong thời gian gần đây ở Việt Nam, nhưng nó vẫn chưa trở thành một cao trào lớn để thu hút các ngành công nghiệp. Hướng về những năng lượng tái tạo thì an toàn hơn, người dân đỡ lo hơn.
 
Bây giờ cứ tính là 2 lò phản ứng 2000 megawatt của Nhật là 13 tỷ đôla. Nếu bỏ 13 tỷ đôla ấy để làm năng lượng tái tạo ( trước mắt là năng lượng gíó thôi, vì năng lượng Mặt trời còn khó), thì chúng ta cũng làm được rất nhiều. Cho nên cần phải cân nhắc lại và theo tôi không nên coi thường khả năng làm năng lượng tái tạo của Việt Nam và trên thế giới nói chung.

Cả Trung Quốc và nhiều nước khác đang làm rất mạnh, còn Việt Nam mình cứ nghĩ là làm một nhà máy hạt nhân cho nó tiện, một lúc sản xuất được hàng ngàn megawatt. Đó là cách tư duy không còn phù hợp, trong khi xu thế chung trên thế giới là ngày càng bớt phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân.
 
RFI : Ngoài những năng lượng tái tạo, Việt Nam có nên đẩy mạnh phát triển thủy điện như là giải pháp thay thế cho hạt nhân ?
 
Giáo sư Phạm Duy Hiển : Thủy điện ở Việt Nam cũng đã gần đến mức bão hòa và cũng không còn nhiều nữa. Các đập thủy điện cũng tàn phá môi trường. Trong những năm gần đây ở Tây Nguyên đã xảy ra những vụ lũ lụt, lũ quét. Một phần đó cũng là hậu quả của việc chúng ta đã xây những đập thủy điện không đúng quy hoạch về môi trường.
 
Theo tôi, tốt hơn hết là thứ nhất, phải tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Dư lượng ở Việt Nam vẫn còn rất lớn và Nhà nước cần quyết tâm làm việc này để giảm tốc độ tăng điện năng xuống. Chỉ cần xuống bằng các nước láng giềng thôi, chứ cũng chẵng đòi hỏi gì cao. Hiện giờ tốc độ tăng của mình cao gấp đôi các nước chung quanh, vậy thì cứ làm cho nó bằng các nước đó đi.
 
Thứ hai phải đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, trước hết là năng lượng gió, mà hiện chưa được khai thác nhiều.

Tất nhiên là giá thành của năng lượng này vẫn còn cao, nhưng có thể chọn giải pháp là nâng giá điện lên cho bằng với mức của thế giới. Khi đẩy giá điện lên thì người dân cũng phải lo tiết kiệm điện, chứ không tiếp tục dùng bừa bãi được.

Thứ ba mới nghĩ đến những nguồn năng lượng khác. Hiện nay, đối với ta dễ chịu nhất vẫn là những nguồn năng lượng cũ, ví dụ như than hoặc dầu. Than và dầu ta đều có. Dầu nếu có nhập thì cũng nhập một mức nào đó thôi, còn hơn là làm điện hạt nhân, phải nhập toàn bộ, vì ta chẳng có gì. Sử dụng những năng lượng đó thì đội ngũ nhân lực của chúng ta cũng sẳn sàng rồi, chẳng cần phải chuẩn bị gì đặc biệt cả. Giá thành thì cũng vẫn còn rẻ.
 
Gần đây, trong một cuộc giao lưu với sinh viên, tôi có đề nghị là Việt Nam nên ra một Sách trắng về năng lượng, đặc biệt là về điện năng. Trong quyển sách trắng đó sẽ nói rất rõ những gì mà chúng ta bàn vừa rồi, căn nhắc, xem xét và chọn lựa những con đường tối ưu nhất cho Việt Nam. Không thể nghĩ rằng đã quyết định từ mấy năm nay rồi thì cứ thế mà làm. Cách tư duy như thế bây giờ không hợp nữa.
 
Kinh tế Việt Nam cũng đang ngày càng khó khăn, mất cân bằng, tăng trưởng không có bao nhiêu, lạm phát thì rất cao. Đó là hậu quả việc không tính toán những đầu tư.

 Gần đây chính phủ nói rất nhiều việc tái cơ cấu đầu tư công, nhưng qua việc làm điện hạt nhân thì tôi thấy là thực chất chính phủ chưa đi theo con đường đó. Nếu thực sư đi theo con đường đó thì phải đem vấn đề ra mổ xẻ phân tích tìm ra giải pháp tối ưu.
 
RFI : Xin cám ơn giáo sư Phạm Duy Hiển.