Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12-11-2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12-11-2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Minh Anh   
Thứ Bảy, 12 Tháng 11 Năm 2011 10:13

Hai tỷ người trên Trái đất có nguy cơ thiếu nước

 
(Ảnh: FAO)

Với mức tăng dân số ngày càng cao và các biến đổi khí hậu, nhiều vùng dân cư trong tương lai sẽ bị thiếu nước nếu không có một chính sách khai thác hợp lý đúng đắn.

Trên đây là lời cảnh báo của Tổ chức Nông lương Thế giới. Đề tài này được báo Le Figaro hôm nay đề cập đến qua bài viết đề tựa « Hai tỷ người có nguy cơ bị thiếu nước ».

 Theo Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), có khoảng 40 ngàn tỷ m3 nước ngọt đang lưu thông trên bề mặt Trái đất. Qua việc nhẩm đếm tổng số các con sông, ngòi hay lớp nước ngầm đi từng nước, FAO đã có thế cung cấp cho các quốc gia tấm bản đồ về nguồn nước.
 
Thế nhưng, nếu theo phương pháp tính của hai nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Môi trườnh Pháp, thì có một điều ngạc nhiên là tổng số lượng nước trên toàn cầu sẽ tăng thêm 25%.

 Theo giải thích của hai tác giả, sở dĩ có sự khác biệt là vì khi một con sông đi qua nhiều nước khác nhau, FAO đã cộng gộp lưu lượng dòng chảy tổng cộng tại mỗi nước. Các tác giả này còn cho rằng, cùng một con sông chảy qua nhiều nước, nếu giữa các nước này có sự hợp tác chặt chẽ và có các chính sách khai thác hợp lý thì sẽ không có vấn đề tranh chấp. Còn tại các nước phải luôn đối mặt với nạn thiếu nước, thì đây mới là vấn đề.
 
Dựa dựa trên nguyên tắc bình quân chia đều lượng nước con sông chảy qua các nước, và bằng cách hiệu chỉnh lại các số liệu thống kê, các nhà khoa học của Viện phát hiện ra rằng trên thực tế, số người trên hành tinh này có nguy cơ thiếu nước cao hơn nhiều (gần hai tỷ người). Đó là chưa kể đến những biến đổi khí hậu và sự gia tăng dân số từ đây cho đến 2050. Sự tiếp cận nguồn nước sẽ là vấn đề mấu chốt trong tương lai.
 
Đấy là chưa kể đến tầng nước ngầm đang bị nhiều nước khai thác vô tội vạ.

Trong khi đó, mạch nước ngầm đôi khi còn là nguồn cung cấp nước cho các sông ngòi của các nước láng giềng.
 
Tại Hàn Quốc, đảo bình yên nổi sóng
 
« Tại Hàn Quốc, đảo bình yên nổi sóng » là một bài viết đăng trên báo Libération hôm nay.

Tác giả bài báo cho biết người dân trên hòn đảo Jeju – vốn rất được ngư dân và du khách mến chuộng – đang nổi dậy chống lại dự án xây dựng một khu căn cứ hải quân của chính phủ tại đây.
 
Vận mạng đang thay đổi cho hòn đảo Jeju, được chỉ định để trở thành một trong bảy kỳ quan của thế giới và là địa điểm ưa thích nhất của các cặp uyên ương.

Chính quyền Hàn Quốc đang cho tiến hành xây dựng trên hòn đảo này một « khu phức hợp dân – quân sự ».

 Seoul có tham vọng muốn biến hòn đảo yên bình vốn được du khách và ngư dân yêu thích thành một khu hải cảng rộng lớn nhất của châu Á. Khu phức hợp này có thể tiếp nhận đến 20 chiếc tàu gồm các tàu khu trục, tuần dương hạm và một chiếc tàu sân bay. Thậm chí, các du thuyền lớn có thể quá cảnh tại đây và tận hưởng các dịch vụ du lịch.
 
Theo nội dung một thông cáo của bộ Quốc phòng Hàn Quốc mà phóng viên Libération có được, thì việc xây dựng khu phức hợp này cũng tuân theo các quy định về môi trường.

Thông cáo cũng nêu rõ là hòn đảo bình an có thể « tồn tại chung với khu căn cứ hải quân, vì nó được thiết kế không nhằm ý đồ chiến tranh mà chỉ nhằm mục đích bảo vệ hòa bình và chủ quyền lãnh thổ».

 Một quan chức bộ Ngoại giao còn nhấn mạnh họ cần phải « đối mặt với xâm nhập thương mại và quân sự Trung Quốc ».
 
Libération cho biết, dự án này gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của chính người dân bản xứ, khi cho rằng chính quyền quyết định mà không tham khảo ý kiến của dân. Mặt khác, người dân e sợ cho việc làm tại chỗ sẽ bị tụt giảm. Họ còn nghi ngờ rằng đây chỉ là bước khởi đầu vì « sau dự án hải cảng, thì phải có căn cứ không quân, vì do có tàu sân bay ».
 
Không những thế, trên phương diện chính trị, việc xây dựng khu căn cứ hải quân cũng đặt Seoul đứng trước tình thế nan giải, giữa một bên phải tôn trọng các thỏa thuận quân sự với Washington và sự lệ thuộc thương mại vào Bắc Kinh.
 
Libération trích dẫn đánh giá của người dân trên đảo cho rằng chính quyền Hàn Quốc đang lao vào cuộc « chạy đua vũ khí đầy mạo hiểm ». Vì vào lúc này đây, sức mạnh quân sự Trung Quốc đang lên như diều gặp gió, trong khi đó nền kinh tế Mỹ thì như chiếc cờ rũ.

 Tờ nhật báo Nhân dân đã mạnh mẽ chỉ trích dự án này đang « phá hủy nguồn tài nguyên của đảo Jeju và đang biến một chiếc cửa sổ yên bình thành vũ khí nhắm vào các nước láng giềng ».
 
Cuối cùng, Libération trích dẫn lời một quan chức hải quân trên báo Korea Times cho rằng họ đang tiến hành một cuộc chiến thầm lặng chống lại Trung Quốc và Nhật Bản nhằm kiểm soát các nguồn tài nguyên. Có điều cuộc chiến thầm lặng lại gây nhiều quá nhiều ồn ào.
 
Giữ gìn sự trẻ trung : Phép màu cho tuổi thọ
 
« Trường thọ » và « cải lão hoàn đồng » từ cổ chí kim luôn là những đề tài được nhiều người cố tâm tìm hiểu hòng tìm ra phương thuốc huyền diệu.

Có lẽ trong tương lai, giấc mơ này có thể sẽ biến thành hiện thực. Đề tài này được báo Le Monde hôm nay đặc biệt quan tâm đến.
 
« Sự trường thọ, thách thức mới cho khoa học » là hàng tít trên trang nhất báo Le Monde. Chưa bao giờ, ngành sinh học về lão hóa lại nở rộ như hiện nay.

Chỉ trong vòng có một tháng mà đã có gần 1000 bài viết về chủ đề này được công bố. Những người sống trên trăm tuổi, các tế bào và nhất là các gien của họ thu hút niềm đam mê của các nhà khoa học.
 
Chưa bao giờ các bài nghiên cứu khoa học về sinh học lão hóa và các thể quyết định đến sự trường thọ lại nhiều đến như thế. Đáng chú ý nhất là kết quả nghiên cứu của ba nhóm nghiên cứu Pháp, Mỹ và Thụy Điển.

Nhóm các nhà nghiên cứu Pháp (Inserm Montpellier) đã thành công trong việc trẻ hóa các tế bào trên trăm tuổi qua việc cấy lại các tế bào này trong ống nghiệm. Kết quả nghiên cứu thứ hai thuộc nhóm các nhà nghiên cứu Mỹ (bệnh viện Mayo, bang Minesota) đã làm chậm lại ở chuột những rối loạn có liên quan đến tuổi già nhờ vào một thao tác biến đổi gien, cho phép loại bỏ những tế bào đã lão hóa ra khỏi cơ thể.

 Và cuối cùng là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Thụy Điển (Đại học Goteborg). Bằng cách dựa theo tác động hạn chế calo từ loại nấm men, nhóm này đã thêm vào trong các tế bào một loại enzim cho phép kéo dài tuổi thọ.
 
Nhìn chung, Le Monde nhận định nghiên cứu trong lãnh vực này có hai trường phái. Trường phái thứ nhất quan tâm đến cơ chế nào cho phép một tế bào sống lâu hơn. Trường phái thứ hai chú trọng đến việc xác định những gien nào làm cho một cơ chế phức tạp như thế có thể sống lâu.
 
Le Monde cho biết, trước mắt, các phát hiện mới này sẽ giúp điều chế một loại phân tử để điều trị các bệnh liên quan đến tuổi già. Liên quan đến việc kéo dài tuổi thọ, các hãng thuốc sẽ chưa thực hiện ngay do còn quá tốn kém.
 
Cuối cùng, liên quan đến tác dụng « cải lão hoàn đồng » các nhà khoa học cho rằng cần phải có thêm thời gian.

Nhưng họ có cùng nhận định là tính chất di truyền chiếm 25% trong sự trường thọ. Ngược lại, 75% sự trường thọ còn phụ thuộc vào yếu tố môi trường và phương cách sống.