Các cường quốc sẽ làm gì với Iran? |
Tác Giả: BBC |
Thứ Năm, 10 Tháng 11 Năm 2011 14:23 |
Quốc gia lo ngại nhiều về khả năng Iran có vũ khí hạt nhân là Israel Iran có lò phản ứng nguyên tử ở Bushehr do Nga giúp xây dựng
Báo cáo cũng cho rằng Iran có khả năng vẫn bí mật nghiên cứu khả năng chế tạo bom hạt nhân, điều Tehran bác bỏ.
Tuy thế, Nga đã tỏ ra giận dữ trước phúc trình của IAEA và nói rằng diễn biến mấy ngày qua chỉ là sự dàn dựng để đẩy Iran vào chân tường. Thứ trưởng Ngoại giao Nga, ông Gennady Gatilov nói với hãng tin Interfax rằng lệnh trừng phạt thêm nữa sẽ chỉ khiến cộng đồng quốc tế coi đó "phương tiện để thay đổi chế độ ở Iran". "Đó là cách làm không thể chấp nhận được với chúng tôi, và Nga sẽ không xem xét các đề nghị như vậy". Iran có lò phản ứng nguyên tử ở Bushehr do Nga giúp xây dựng, và Tehran luôn nói chương trình của họ chỉ mang tính dân sự. Trừng phạt hay không? Nhưng Pháp, qua lời Ngoại trưởng Alain Juppe thì nói vấn đề cần được nêu ra Hội đồng Bảo an, và nói Paris "sẵn sàng thông qua các lệnh trừng phạt vô tiền khoáng hậu" đối với Iran. Quốc gia lo ngại nhiều về khả năng Iran có vũ khí hạt nhân là Israel. Thủ tướng Israel, ông Bejamin Netanyahu nay cáo buộc Iran "gây nguy hại cho hòa bình thế giới". Trước mắt, quốc tế sẽ xoay sang đáng giá quan điểm của Trung Quốc, nước vốn luôn không rõ ràng về Iran. Được biết Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ nêu ý kiến muốn "giải pháp hoà bình" cho vấn đề Iran. Cùng lúc, bản phúc trình của IAEA nói rằng các nghiên cứu của họ từ 2003 đến 2008 đặt ra nghi vấn rằng Iran đã cho thử nghiệm trên máy tính (computer simulation) các chi tiết có thể dùng để chế tạo ngòi nổ cho bom hạt nhân. Hoa Kỳ và các đồng minh chủ chốt ở Phương Tây nay sẽ tập trung vào việc tăng lệnh trừng phạt kinh tế với Tehran. Washington hy vọng hội đồng quản trị của IAEA họp cuối tháng 11 này sẽ đưa hồ sơ về chương trình nguyên tử của Iran lên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Nhưng cả Nga và Trung Quốc đều có thể không ủng hộ chuyện đưa lên Hội đồng Bảo an, và kể cả khi đưa lên thì chuyện có nghị quyết trừng phạt Iran là không thể được. Khi đó, Hoa Kỳ và đồng minh sẽ không còn cách nào khác ngoài chuyện đẩy mạnh các lệnh trừng phạt họ đã áp dụng với Iran. Cũng dễ hiểu vì sao Trung Quốc không muốn làm mạnh về Iran. Giao thương hai bên tăng lên liên tục những năm qua, và tăng tới 40% trong 2010. Trong năm 2009, Tehran trở thành nước bán khí đốt lớn thứ nhì cho Bắc Kinh. Trung Quốc cũng đang cung cấp trở lại 1/3 lượng dầu đã lọc cho Iran, và các công ty Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ viễn thông và điện thoại di động. Hai bên vẫn đang bàn thảo về cách thức giao thương 'hàng đổi hàng' để tránh các biện pháp bao vây Iran về tài chính của Phương Tây. Hoa Kỳ vẫn tăng sức ép lên Bắc Kinh mà không có kết quả nhiều. Vấn đề là ở chỗ Trung Quốc luôn có thái độ không rõ trong cách xử lý vấn đề với Iran. Một mặt, Bắc Kinh không muốn tỏ ra họ ủng hộ phổ biến vũ khí nguyên tử. Mặt khác, họ cũng cần nguồn năng lượng từ bên ngoài và đơn giản là không nhìn Iran hay vùng Vịnh Ba Tư theo con mắt địa chính trị và chiến lược như Hoa Kỳ.
|