Home Tin Tức Thời Sự Chính trường Hy Lạp tiếp tục căng thẳng

Chính trường Hy Lạp tiếp tục căng thẳng PDF Print E-mail
Tác Giả: Thụy My   
Chúa Nhật, 06 Tháng 11 Năm 2011 20:23

Nhật báo Kathimerini gọi đây là « một sự mặc cả trên boong tàu Titanic ».

 Thủ tướng Hy Lạp Georges Papandréou chủ trì phiên họp chính phủ tại Athènes ngày 06/11/2011.
REUTERS/Handout

Các đảng chính trị tại Hy Lạp hôm nay (6/11) thương lượng gay gắt để thành lập chính phủ liên minh, nhằm chứng minh cho các nước khu vực đồng euro là Hy Lạp quyết tâm theo đuổi chính sách khắc khổ hòng tránh nguy cơ vỡ nợ.

 Chính phủ do phe xã hội nắm quyền bác bỏ khả năng Thủ tướng Georges Papandréou phải từ chức, nếu chưa đạt được đồng thuận về ê-kíp mới và chỉ định được tân Thủ tướng.

 Tình hình càng thêm khẩn cấp, khi Bộ trưởng Tài chính Evangelos Venizelos ngày mai sẽ gặp các đồng nhiệm khu vực đồng euro tại Bruxelles.

Các nước này cảnh báo, Hy Lạp sẽ không nhận thêm được đồng xu nào, nếu không cam kết thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng như đã hứa.
 
Việc Thủ tướng Hy Lạp Papandréou từ bỏ ý định tổ chức trưng cầu dân ý về kế hoạch cứu vãn nước này lần thứ hai, đã làm các đối tác châu Âu đỡ căng thẳng hơn. Tuy nhiên sân khấu chính trị của nước này vẫn tiếp tục rối rắm.
 
Ông Papandréou đề nghị thành lập một chính phủ liên minh lâm thời. Nhưng do thủ lãnh cánh hữu đối lập, Antonis Samaras, từ chối tham gia, nên ông đành phải cầu viện đến Tổng thống Carolos Papoulias, và Tổng thống đã triệu tập ông Samaras hôm nay.

Là chủ tịch đảng Tân Dân chủ, ông Antonis Samaras đòi phải tổ chức bầu cử trước thời hạn, vì ông đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận.
 
Một nguồn tin từ chính phủ Hy Lạp cho AFP biết, sẽ không có việc ông Georges Papandréou từ chức trước khi các đảng chính trị đạt được thỏa thuận về ê-kíp điều hành mới, cũng như đề cử tân Thủ tướng lâm thời, để tránh một khoảng trống quyền lực. Chính phủ liên minh sẽ gồm các chính khách và chuyên gia, cùng được các đảng chấp thuận.
 
Trong khi đó, các nước châu Âu vẫn duy trì áp lực lên Athènes. Nếu còn mập mờ, không khẳng định tiến hành chính sách khắc khổ, thì sẽ không cho Hy Lạp vay thêm đồng nào.

Hôm nay Olli Rehn, Ủy viên châu Âu phụ trách kinh tế và tiền tệ cho Reuters biết, các nước châu Âu sẽ chuẩn bị nhiều kịch bản, kể cả khả năng Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro. Còn báo chí Hy Lạp cũng đưa ra các kịch bản khác nhau, sau một tuần chính trường không ngừng chao đảo.

 Nhật báo Kathimerini gọi đây là « một sự mặc cả trên boong tàu Titanic ».
 
Xin nhắc lại, theo kế hoạch cứu vãn Hy Lạp lần hai, thì các ngân hàng tư nhân sẽ xóa 100 tỉ trên tổng số 350 tỉ nợ công của nước này.

Các đối tác sẽ cho Hy Lạp vay thêm 130 tỉ euro, đổi lại Athènes phải áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng tối đa, và chấp nhận bị giám sát chặt chẽ.

Trước mắt, nếu không được giải ngân thêm 8 tỉ euro như đã thỏa thuận trong kế hoạch cứu nguy đầu tiên vào mùa xuân năm ngoái, thì Hy Lạp sẽ mất khả năng chi trả ngay từ giữa tháng 12 tới.