Home Tin Tức Thời Sự Việt Nam đòi Mỹ 'khách quan' đánh giá tự do tôn giáo

Việt Nam đòi Mỹ 'khách quan' đánh giá tự do tôn giáo PDF Print E-mail
Tác Giả: Ðỗ Dzũng/Người Việt   
Thứ Sáu, 04 Tháng 11 Năm 2011 20:10

“Áp lực quốc tế đối với chính quyền Việt Nam có thể giúp được rất nhiều, nhưng phải được thực hiện đúng cách...''

WESTMINSTER (NV) - Trong cuộc gặp gỡ giữa một số quan chức Việt Nam và đại diện Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ (USCIRF), Hà Nội đòi Washington nên “khách quan” hơn khi đánh giá tự do tôn giáo tại quốc gia Ðông Nam Á này và đòi so sánh tình trạng nhân quyền của Mỹ tại các trại tù binh bên ngoài Hoa Kỳ.

  

Hồng Y Phạm Minh Mẫn cho rằng “áp lực quốc tế đối với chính quyền Việt Nam có thể giúp được rất nhiều, nhưng phải được thực hiện đúng cách.” (Hình: Hoàng Ðình Nam/AFP/Getty Images)
 

Ngoài ra, phái đoàn của ủy ban tôn giáo Mỹ cũng đi thăm Hà Nội và Sài Gòn, gặp một số giới chức tôn giáo, thăm Linh Mục Nguyễn Văn Lý và Luật Sư Nguyễn Văn Ðài đang bị giam trong nhà tù Ba Sao, tỉnh Hà Nam.
 
Trong công điện viết ngày 26 Tháng Sáu, 2009, Ðại Sứ Mỹ Michael Michalak tường thuật phái đoàn USCIRF thăm Việt Nam từ ngày 11 đến ngày 22 Tháng Năm, 2009 để đánh giá tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam. Phái đoàn bao gồm Phó Chủ Tịch Michael Cromartie, Ủy Viên Talal Eid và ba nhân viên ủy ban.
  
Gặp chính quyền trung ương

 
  
Theo bản công điện, trong buổi họp tại Hà Nội, phái đoàn USCIRF gặp ông Phạm Gia Khiêm (Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại Giao), ông Nguyễn Thanh Xuân (Phó Trưởng Ban Tôn Giáo Chính Phủ), ông Hoàng Thế Liên (Thứ Trưởng Bộ Tư Pháp), ông Nguyễn Mạnh Hùng (Phó Trưởng Ban Dân Vận Trung Ương Ðảng) và ông Nguyễn Văn Son (Chủ Nhiệm Ủy Ban Ðối Ngoại Quốc Hội).
 
Tại Sài Gòn, phái đoàn gặp ông Lê Thanh Hải (Bí Thư Thành Ủy) và ông Lê Hoàng Quân (Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân).
 
“Hầu hết viên chức nêu trên đều nhấn mạnh nhu cầu khách quan trong việc đánh giá tự do tôn giáo tại Việt Nam,” bản công điện viết. “Và họ phàn nàn là USCIRF vừa đưa một bản báo cáo hàng năm chỉ trích nặng nề Việt Nam, và đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách Các Quốc Gia Cần Quan Tâm Ðặc Biệt (CPC), chỉ 10 ngày trước khi thăm Việt Nam.”
 
“Phó Thủ Tướng Phạm Gia Khiêm nói rằng một điều quan trọng là nên nhìn vào toàn cảnh bức tranh khi đánh giá tự do tôn giáo chứ không nên tập trung vào một số sự việc.” Bản công điện cho biết.
 
“Nếu chỉ tập trung vào vi phạm nhân quyền tại Mỹ, như ở trại tù Abu Ghraib, trại tù Guantanamo, và Giáo Hội FLDS (Fundamentalist Church of Jusus Christ of Latter-Day Saints) ở Texas, người ta sẽ nghĩ rằng có vấn đề lớn tại Hoa Kỳ,” bản công điện trích lời ông Khiêm nói.
 
Cũng theo bản công điện, tất cả giới chức Việt Nam đều nhấn mạnh sự đa dạng tôn giáo ở Việt Nam, nói rằng “rất khó để kiếm được một quốc gia nào trong khu vực có niềm tin tôn giáo khác nhau rất nhiều, bao gồm những tôn giáo lớn như Cao Ðài và Hòa Hảo.”
 
Ðại Sứ Michael Michalak trích lời ông Xuân nói Việt Nam công nhận 31 tổ chức tôn giáo khác nhau, bao gồm chín giáo phái Tin Lành. Thêm vào đó, trong ba năm qua, chính quyền địa phương cho ghi danh 1,165 địa điểm hành đạo cho nhiều giáo phái tại Tây Nguyên, đại diện cho 85% giáo phái hoạt động tại khu vực.
 
“Ông hứa 15% còn lại sẽ được ghi danh,” bản công điện viết.
 
Theo nhà ngoại giao Mỹ, hầu hết giới chức Việt Nam nói giống nhau về đạo Tin Lành tại vùng cao nguyên Tây Bắc, giải thích rằng tôn giáo này đại diện một “sự va chạm văn hóa” vì sự phát triển quá nhanh của người thiểu số Hmong và sự khác biệt trong cách hành đạo của tổ tiên họ.
 
Cả ông Xuân và ông Hùng đều nhấn mạnh sự ghi danh các tổ chức tôn giáo tại vùng này và cho biết tín đồ Tin Lành gia tăng từ 300,000 người năm 1975 lên tới gần 2 triệu người ngày nay, bản công điện cho biết.
 
Phía Việt Nam cũng nhấn mạnh sự kiện ba ủy viên USCIRF, bao gồm vị chủ tịch, quyết định không đến thăm Việt Nam vào phút chót, theo đại sứ Hoa Kỳ.

 Cả ông Khiêm. ông Xuân và ông Liên nói rằng Việt Nam sẵn sàng hợp tác và đối thoại về cải tiến luật về tôn giáo và dự trù xác định một số trường hợp lạm dụng.
 
 Gặp lãnh đạo tôn giáo
 
 
 Tại Hà Nội, theo bản công điện, phái đoàn USCIRF gặp Mục Sư Nguyễn Hữu Mạc (Giáo Hội Evangelical Church of Vietnam), Hòa Thượng Thích Thanh Tứ (Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam), Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt (Tổng Giáo Phận Công Giáo Hà Nội) và Mục Sư Nguyễn Trung Tôn (Giáo Hội Full Gospel Church tỉnh Thanh Hóa).
 
Phái đoàn cũng đến giáo xứ Thái Hà, gặp một số linh mục và tám giáo dân bị tù năm trước vì phá hoại tài sản và làm mất trật tự an ninh công cộng liên quan đến các buổi thắp nến cầu nguyện năm 2008 tại Hà Nội, bản công điện viết.
 
Bản công điện viết tiếp: “Mỗi lãnh đạo tôn giáo nói về khuynh hướng tiến triển tự do tôn giáo tại Việt Nam nhiều năm qua. Tổng Giám Mục Kiệt nhấn mạnh ước muốn của giáo hội trong việc gia tăng hoạt động thiện nguyện, ví dụ như lập trường học và bệnh viện.”
 
Mục Sư Mạc nói rằng giáo hội của ông hy vọng các chi nhánh tại cao nguyên Tây Bắc được nhanh chóng ghi danh hoạt động, theo đại sứ Mỹ.
 
“Mục sư nói rằng Ban Tôn Giáo Chính Phủ hứa với ông rằng 200 giáo đoàn nữa sẽ được ghi danh năm sau, với mục tiêu ghi danh hết toàn bộ vào năm 2011,” bản công điện viết.
 
Theo bản công điện, “Mục Sư Tôn cảm ơn tòa đại sứ Mỹ can thiệp cho giáo hội của ông tại Thanh Hóa và nói rằng trong khi vẫn chưa quên những khó khăn với chính quyền trước đó, tình hình hiện tại của ông khá hơn rất nhiều.”
 
Tại Sài Gòn, USCIRF tổ chức hai buổi họp, một với các giáo phái Protestant được nhà nước công nhận và một với các giáo phái chưa được công nhận.

 Các giáo phái được thừa nhận là Southern Baptist, Mennonite, Seventh-day Adventist, Presbyterian và Vietnam Baptist (Southern Grace). Các giáo phái chưa được công nhận có Assembly of God, United Baptist, United Gospel Outreach và United Presbyterian, theo bản công điện.
 
Các nhà lãnh đạo tôn giáo tham dự buổi họp thừa nhận chính quyền (Việt Nam) chú ý nhiều hơn đến vấn đề tự do tôn giáo. Các giáo hội được công nhận nói rằng tình trạng của từng giáo đoàn khả quan hơn sau khi được thừa nhận khắp Việt Nam, bản công điện cho biết.
 
“Tuy nhiên, các mục sư tham dự cả hai buổi họp nói rằng luật tôn giáo chưa được áp dụng đồng đều khắp Việt Nam, và thời gian để một giáo hội ghi danh kéo dài rất lâu,” đại sứ Mỹ viết.
 
Phái đoàn cũng gặp Hồng Y Phạm Minh Mẫn (Tổng Giáo Phận Công Giáo TP HCM), lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo không được thừa nhận, lãnh đạo SECV (Southern Evangelical Church of Vietnam) tại Sài Gòn, Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ (Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất), Mục Sư Nguyễn Hồng Quang (Giáo Hội Mennonite không được thừa nhận) và một số đại diện tôn giáo khác.
 
Hồng Y Mẫn nhắc lại chuyện tổng giáo phận bắt đầu đối thoại với chính quyền để đòi lại các tài sản của giáo hội ở Sài Gòn.

Vị chủ chăn Công Giáo Sài Gòn cũng nói giáo hội sắp được giấy phép để điều hành một trung tâm chữa bệnh HIV/AIDS, đại sứ Mỹ cho biết.
 
Bản công điện trích lời Hồng Y Mẫn nói: “Áp lực quốc tế đối với chính quyền Việt Nam có thể giúp được rất nhiều, nhưng phải được thực hiện đúng cách. Chỉ trích chính quyền trực tiếp không có ích lợi.”
 
Lãnh đạo SECV nói giáo hội của họ tiếp tục tăng trưởng trên vùng Tây Nguyên, nhưng họ vẫn còn bị chính quyền tịch thu 200 tài sản sau năm 1975, và muốn đòi lại, bản công điện viết.
 
Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo không được thừa nhận phàn nàn họ vẫn còn gặp nhiều khó khăn và không thể tổ chức “ngày thọ nạn” của Ðức Huỳnh Giáo Chủ, người sáng lập đạo, theo bản công điện, và nhân viên an ninh Bộ Công An tìm cách ngăn cản đạo Hòa Hảo cũng như ngăn cản Mục Sư Quang gặp USCIRF.
 
“Mục Sư Quang nói rằng giáo hội của ông bị coi là 'chống chính quyền' và gặp nhiều khó khăn nhất,” Ðại Sứ Michael Michalak viết. “Ông nói sự ngược đãi tín đồ Tin Lành giảm trong những năm qua nhờ áp lực quốc tế.”
 
Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ nói chủ yếu về các vấn đề chính trị liên quan đến vụ khai thác bauxite ở Tây Nguyên và sự phục tùng của Việt Nam đối với Trung Quốc trong việc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, theo Ðại Sứ Michael Michalak.
 
  
Gặp tù nhân chính trị

  
 
Cũng theo bản công điện, tại Hà Nội, phái đoàn USCIRF gặp các nhà bất đồng chính kiến Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Khắc Toàn, Lê Quốc Quân và vợ của Luật Sư Nguyễn Văn Ðài, người bị giam giữ trong tù.

Tại Sài Gòn, phái đoàn gặp Bác Sĩ Nguyễn Ðan Quế, mẹ của Luật Sư Lê Thị Công Nhân đang bị tù. Họ cũng muốn gặp Kỹ Sư Ðỗ Nam Hải và Luật Sư Lê Trần Luật, nhưng không được vì cả hai đều bị an ninh gọi lên thẩm vấn.
 
“Các nhà bất đồng chính kiến nêu trên đồng lòng nói rằng tự do chính trị giảm nhiều trong hai hoặc ba năm qua và kêu gọi chính quyền tôn trọng Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và quyền tự do ngôn luận,” đại sứ Mỹ viết.
 
Trước đó, theo bản công điện viết ngày 2 Tháng Sáu, 2009, Ðại Sứ Michael Michalak cho biết hai đại diện của USCIRF cũng đến nhà tù Ba Sao ở tỉnh Hà Nam thăm hai nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng, Luật Sư Nguyễn Văn Ðài và Linh Mục Nguyễn Văn Lý, ngày 13 Tháng Năm, 2009.

Số nhân viên còn lại, cùng với tham tán chính trị tòa đại sứ, đến thăm hai tỉnh Sơn La và Ðiện Biên trong bốn ngày.
 
Bản công điện viết rằng, trong cuộc gặp kéo dài 25 phút, Luật Sư Nguyễn Văn Ðài xác định ông khỏe mạnh, tập thể dục ngày ba lần, có nhiều thời gian đọc Kinh Thánh, và vẫn không nhận tội. Phái đoàn có đưa cho luật sư một sách Thánh ca, do vợ ông nhờ chuyển.
 
Vào cuối buổi gặp gỡ, đại sứ Mỹ viết, giám đốc trại giam bác bỏ tuyên bố vô tội của Luật Sư Ðài và cười lớn khi nghe luật sư này nói chính quyền Việt Nam vi phạm pháp luật khi bỏ tù ông.
 
“Giám đốc trại giam nói rằng Ðài không đủ tiêu chuẩn ân xá sớm theo luật chính quyền Việt Nam vì ông không nhận tội và vì thế chưa 'cải tạo' được,” bản công điện viết.
 
Trong cuộc gặp gỡ với USCIRF, Linh Mục Nguyễn Văn Lý, thành viên Khối 8406, nói liên tục trong gần một giờ đồng hồ, đại sứ Mỹ viết. Linh Mục Lý cảm ơn Tổng Thống Barack Obama và Ngoại Trưởng Hillary Clinton và cho biết đây là lần thứ năm bị giam và lần thứ ba trở lại nhà tù Ba Sao nên coi như “chỗ này là nhà” và khi trở lại đã cúi xuống hôn đất nhà tù.
 
Giám đốc trại giam cho biết Linh Mục Lý là một người “quá khích,” không cố gắng cải tạo, và bị nhốt biệt lập với các tù nhân khác, bản công điện viết.
 
Linh mục cho phái đoàn biết, ông bị nhốt trong căn phòng 16 thước vuông, có khoảng trống trước phòng, và trồng 100 cây hoa để đóng góp vào cuộc chiến chống hâm nóng trái đất. Ðại sứ Mỹ mô tả linh mục nói với một giọng khôi hài.
 
Linh Mục Lý kể rằng mỗi ngày ông đều cầu nguyện để có thể trở thành một “tiên tri tốt hơn” vì không phải lo lắng về các vấn đề khác và chỉ sống một mình, đại sứ Mỹ tường thuật.
 
“Cha Lý nói ông cầu nguyện cho mọi người, bao gồm chính quyền Việt Nam và các nhà lãnh đạo thế giới, cả tốt lẫn xấu,” Ðại Sứ Michael Michalak viết.
 
Ðại sứ Hoa Kỳ kể tiếp rằng Linh Mục Lý nói mặc dù được người nhà thăm một giờ mỗi tháng, nhưng vì đường sá xa xôi và tốn kém, chỉ có cháu gái và cháu trai thay phiên nhau đi thăm hai tháng một lần.
 
Trong tù, Linh Mục Lý được giữ một cuốn Kinh Thánh, được đọc báo nhà nước như Nhân Dân và Pháp Luật và được xem truyền hình nhiều giờ mỗi ngày, đại sứ Mỹ kể.
 
Phái đoàn USCIRF sau đó tặng linh mục một cuốn Tân Ước, bằng tiếng Anh và tiếng Việt, theo bản công điện. Linh mục một lần nữa cảm ơn Hoa Kỳ và nói ông biết Việt Nam và Vatican họp với nhau và quyết định không phản đối quan hệ này.
 
“Tôi chỉ là một linh mục nhỏ bé,” đại sứ Mỹ thuật lời Linh Mục Lý nói. “Tôi quyết định làm một 'tù nhân tốt' bằng cách chấp nhận mặc quần áo tù và tuân theo quy định của nhà giam.”
 
Bản công điện viết rằng, vào cuối cuộc gặp gỡ, tự nhiên Linh Mục Nguyễn Văn Lý chỉ trích chính quyền Việt Nam nhiều hơn, nói rằng nhân quyền không hiện hữu tại đất nước này.
 
“Linh mục nói luật Việt Nam không đạt tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt đối với Công Ước Quốc Tế Về Quyền Tù Nhân và Tuyên Ngôn Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc,” bản công điện viết. “Linh mục nhất định cho rằng mình là một tù nhân lương tâm và không đồng ý với hệ thống chính trị Việt Nam hai vấn đề: không có tự do báo chí và không có đảng chính trị độc lập.”
 
Mặc dù dự trù có 25 phút, cuộc gặp kéo dài 50 phút, bản công điện cho biết. Khi nhân viên nhà giam cho biết hết giờ, Linh Mục Lý yêu cầu phái đoàn đặt thêm câu hỏi.

Cuộc nói chuyện tiếp tục thêm tám phút. Sau khi chia tay và bước vào trong được vài phút, Linh Mục Lý trở lại nói rằng muốn nói với phái đoàn thêm một chuyện nữa.
 
“Linh mục khuyến khích chính phủ Hoa Kỳ ủng hộ chính phủ Việt Nam trong vụ kiện Washington rải chất độc màu da cam trong cuộc chiến Việt Nam và nói rằng đây là một việc thiện cần làm,” Ðại Sứ Michael Michalak viết.