Châu Âu lo sợ trước việc Hy Lạp trưng cầu dân ý về kế hoạch chống khủng hoảng |
Tác Giả: Đức Tâm |
Thứ Tư, 02 Tháng 11 Năm 2011 10:30 |
Không loại trừ khả năng Hy Lạp tuyên bố phá sản Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou (REUTERS) Chưa bao giờ khu vực đồng euro lại cận kề sự tan vỡ như hiện nay. Từ hai ngày qua, châu Âu rơi vào tình trạng hoang mang, bất ổn định sau khi thủ tướng Hy Lạp George Papandreou, vào tối thứ Hai, 31/10/2011, đã thông báo tổ chức trưng cầu dân ý về kế hoạch cứu nguy khu vực đồng euro. Châu Âu và các đối tác đã tỏ thái độ kinh ngạc và bất bình mạnh mẽ. Bởi vì, kế hoạch hỗ trợ tài chính cho Hy Lạp, cứu nguy đồng euro vừa mới được toàn thể 17 thành viên khối euro, trong đó có Hy Lạp thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh vào tuần trước. Mặt khác, các lãnh đạo châu Âu lại không được hề được báo trước là Athens sẽ tổ chức trưng cầu dân ý. Một phần tiền này sẽ được dùng vào việc tăng vốn cho các ngân hàng Hy Lạp, có nghĩa là các cơ sở tài chính của Hy Lạp sẽ đặt dưới sự giám sát của châu Âu. Các ngân hàng khác của châu Âu cũng sẽ được cung cấp thêm vốn, nâng mức vốn tự có từ 5% lên 9%, giúp đối phó tốt hơn với khủng hoảng. Khả năng can thiệp của Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu – FESF - sẽ được tăng cường, từ 440 tỷ euro lên thành 1000 tỷ. Trong ngày hôm qua, tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã điện đàm với thủ tướng Đức Angela Merkel. Lãnh đạo hai nước tỏ quyết tâm là châu Âu phải thực thi kế hoạch cứu nguy khu vực đồng euro. Đối với tổng thống Pháp, đây là cách thức « duy nhất để giải quyết vấn đề nợ của Hy Lạp ». Chiều nay, tổng thống Pháp, thủ tướng Đức, chủ tịch Hội đồng châu Âu, chủ tịch Ủy ban châu Âu, lãnh đạo nhóm eurogroup, tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế họp riêng với nhau tại Cannes, miền nam nước Pháp và sau đó, thủ tướng Hy Lạp George Papandreou được yêu cầu đến giải thích về quyết định của mình. Một nguồn tin gần gũi với chính phủ Pháp cho AFP biết là Paris sẽ có thái độ rất phũ phàng nhưng rõ ràng : Thủ tuớng Hy Lạp có quyền cho tổ chức trưng cầu dân ý nhưng phải làm trước Lễ Giáng sinh năm nay. Thay vì đặt câu hỏi cho người dân là có chấp nhận kế hoạch khắc khổ của chính phủ hay không, Athens chỉ nên hỏi là có muốn tiếp tục ở trong khu vực đồng euro hay không. Nếu người dân nói « không », Hy Lạp rút ra khỏi khu vực đồng tiền chung. Đã từ lâu, giới quan sát cảnh báo, sự tan rã của khu vực đồng euro đe dọa sự tồn tại của Liên Hiệp Châu Âu.
|