Home Tin Tức Thời Sự Trung Quốc phóng tàu Thần Châu 8

Trung Quốc phóng tàu Thần Châu 8 PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Ba, 01 Tháng 11 Năm 2011 22:01

Tuần tới, Trung Quốc sẽ phóng vệ tinh Sao Hỏa đầu tiên của họ lên hành tinh đỏ.

 

 

Nếu tàu Thần Châu kết nối thành công, Trung Quốc sẽ tiến đến xây dựng một trạm không gian

Trung Quốc đã có bước kế tiếp trong hành trình chinh phục vũ trụ với việc phóng tàu vũ trụ không người lái Thần Châu 8.

Tên lửa Trường Chinh 2F đã đưa tàu Thần Châu 8 vào quỹ đạo nơi tàu này sẽ kết nối với phòng thí nghiệm Thiên Cung 1 được phóng vào tháng Chín.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tìm cách kết nối hai module với nhau trong vũ trụ. Công việc này cần thiết nếu Trung Quốc muốn tiếp tục kế hoạch xây dựng một trạm không gian trước năm 2020.

Sẵn sàng kết nốiTên lửa đẩy Trường Chinh đã rời bệ phóng ở trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở sa mạc Gobi vào lúc 5:58h hôm thứ Ba ngày 1/11.

Tàu Thần Châu tách khỏi phần phía trên của tên lửa đẩy khoảng chín phút sau khi tên lửa rời bệ phóng. Không lâu sau đó đã có xác nhận là các tấm pin năng lượng mặt trời trên tàu đã được triển khai.

Sẽ mất vài ngày để tàu Thần Châu vào vị trí sẵn sàng cho kết nối vốn nằm cách Trái đất 340 cây số.

Hai module kết nối sẽ dùng sóng radar và các bộ phận cảm ứng quang học để tính toán khoảng cách để từ đó chúng có thể tiếp cận lần cuối cùng và kết nối với nhau.

Sau khi kết nối thì hai module này sẽ cùng nhau bay vòng quanh Trái đất trong vòng 12 ngày trước khi tách ra và kết nối lại một lần nữa. Cuối cùng, tàu Thần Châu 8 sẽ tách khỏi phòng thí nghiệm Thiên Cung và vỏ tàu sẽ quay trở lại Trái đất.

Bằng cách như thế, các mẫu vật thí nghiệm được đưa lên vũ trụ sẽ được thu hồi lại để phân tích. Cơ quan vũ trụ Đức đã gửi một hộp thí nghiệm trên tàu Thần Châu 8 trong đó có cá, cây cỏ, sâu, vi khuẩn và thậm chí các tế bào ung thư của con người để tiến hành một loạt các nghiên cứu sinh học.

Trong trường hợp mọi việc diễn ra thuận lợi, hai tàu có người lái là Thần Châu 9 và 10 có thể sẽ tiến hành các cuộc kết nối tương tự vào năm 2012.

Phòng thí nghiệm Thiên Cung 1 dài 10,5 mét được phóng cách vào ngày 29/9 và vẫn đang hoạt động tốt, giới chức Trung Quốc cho biết.

Quỹ đạo của module này đã được hạ thấp một chút và nó cũng quay 180 độ để chuẩn bị cho việc kết nối với tàu Thần Châu 8.

Bắc Kinh nhìn nhận việc kết nối Thiên Cung và Thần Châu là giai đoạn kế tiếp trong kế hoạch từng bước của nước này nhằm làm chủ khả năng đưa tàu vũ trụ có người lái vào không gian.

Các phi hành gia Trung Quốc sẽ sống trên các module được nối kết trong hai tuần. Hiện truyền thông Trung Quốc đang phỏng đoán liệu nữ phi hành gia đầu tiên của nước này có tham gia vào một trong các sứ mệnh không gian này hay không.

Thành tựu đáng kể

  
Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ đô la vào chương trình không gian của mình

 Đây là một kinh nghiệm quan trọng mà Trung Quốc hy vọng cuối cùng sẽ giúp họ xây dựng một trạm không gian thành công bắt đầu vào cuối thập kỷ này.

Trạm không gian tương lai nặng 60 tấn này nhỏ hơn rất nhiều so với trạm vũ trụ quốc tế ISS nặng 400 tấn vốn là kết quả của sự hợp tác của Mỹ, Nga, Châu Âu, Canada và Nhật Bản.

Tuy nhiên, sự hiện diện của một trạm không gian Trung Quốc trên bầu trời sẽ là một thành tựu đáng kể.

Các bản vẽ ý tưởng trạm không gian này cho thấy một module trung tâm nặng từ 20 đến 22 tấn trong khi hai bên là các module phòng thí nghiệm nhỏ hơn một chút.

Nhà chức trách Trung Quốc nói rằng họ sẽ tiếp tế cho trạm vũ trụ này y hệt như cách làm của các tàu chở hàng robot mà trạm ISS hiện đang sử dụng để cung cấp nhiên liệu, thực phẩm, nước uống, không khí và các bộ phận thay thế cho trạm.

Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ đô la vào chương trình không gian. Họ đang có một chương trình khoa học không gian mạnh mẽ với hai vệ tinh đã được phóng vào quỹ đạo Mặt trăng trong khi họ đang lên kế hoạch đưa một xe tự hành lên Mặt trăng.

Tuần tới, Trung Quốc sẽ phóng vệ tinh Sao Hỏa đầu tiên của họ lên hành tinh đỏ.

Bắc Kinh cũng đang xây dựng các tên lửa lớn hơn. Tên lửa Trường Chinh 5 sẽ có thể đưa khối lượng đến 20 tấn vào quỹ đạo thấp của Trái đất.

Tên lửa đẩy này cũng rất cần thiết cho việc triển khai trạm không gian quốc tế của Trung Quốc.