Sài Gòn đang lún thấp mỗi năm khoảng 2 đến 3cm vì nạn khai thác nước ngầm
SÀI GÒN (TH) - “Nếu tiếp tục phát triển như hiện nay, Sài Gòn sẽ bị một trận đại hồng thủy nhấn chìm như Bangkok hiện nay,” đó là lời cảnh cáo của phó ban Ðiều phối Chương trình Chống ngập tại Sài Gòn, ông Hồ Long Phi hôm 29 tháng 10.
Nước ngập “bình thường” tại Thủ Ðức chiều 30 tháng 10. (Hình: VNExpress)
Trả lời phỏng vấn của báo VNExpress, Giáo Sư-Tiến Sĩ Hồ Long Phi nói rằng nếu cũng mưa kéo dài kết hợp với thủy triều cao tương tự như Bangkok những ngày qua thì mực nước sông Sài Gòn sẽ dâng cao từ 1.7m trở lên. Khi đó, 60,000 ha diện tích ở các vùng thấp gồm các quận 2, 6, 7, 8, Bình Thạnh, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè, Thủ Ðức sẽ bị ngập. Ðiều đáng lo theo ông Hồ Long Phi là hệ thống kiểm soát mực thủy triều của Sài Gòn không hoàn chỉnh cho nên nước sông sẽ vượt khỏi bờ nhấn chìm các khu vực chung quanh với một vận tốc rất nhanh. Còn tại các khu vực nội thành Sài Gòn như quận 1, 3, 4, 5,... ông Phi cũng cho rằng nếu các trận mưa lớn trút xuống một lượng nước trên 100mm đồng thời với thủy triều cao thì gần hết Sài Gòn sẽ bị nhấn chìm trong dòng nước lụt. Theo ông phó ban Ðiều phối Chương trình Chống ngập tại Sài Gòn thì độ dốc của nhiều vùng ở Sài Gòn giúp nước thoát ra sông tốt hơn hơn so với Bangkok.
Nhưng theo ông Phi, chỉ khi nào Sài Gòn có được điều kiện “ứng phó tốt” thì tình hình ngập lụt ở Sài Gòn may ra có thể nhẹ hơn Bangkok chút ít. Ông Phi còn cho rằng Sài Gòn đang lún thấp mỗi năm khoảng 2 đến 3cm vì nạn khai thác nước ngầm, xây nhà cao tầng và vì nền đất yếu. Ông này nói đã báo động về tình trạng ngập lụt tại Sài Gòn từ những năm cuối thập niên 1990 chứ không phải mới đây vì hệ thống thoát nước không được chú trọng trong giai đoạn phát triển đô thị. Ông Phi còn thừa nhận rằng những cố gắng của chính quyền Sài Gòn trong việc giảm ngập hiện nay chỉ là để “khắc phục hậu quả của việc đầu tư kém cỏi cho hệ thống thoát nước” chứ không thể nào cứu vãn được tình trạng ngập lụt. Theo ông, bài học tồi tệ trong việc quản trị đô thị ở Sài Gòn đang lặp lại tại hầu hết các đô thị Việt Nam với mức độ trầm trọng hơn, đặc biệt tại Hà Nội, Ðà Nẵng, Cần Thơ, Ðà Lạt... từ đồng bằng, vùng ven biển đến cả cao nguyên.
Dân khổ vì nước ngập triền miên như thế này tại Sài Gòn. (Hình: Báo Sài Gòn Tiếp Thị)
Ông Phi cũng nói, việc xả lũ của các hồ thủy lợi Trị An, Dầu Tiếng, Phước Hòa hiện nay là mối nguy khủng khiếp đối với Sài Gòn. Mà ai cũng biết, các cán bộ điều hành hồ thủy lợi sợ vỡ hồ vì mực nước dâng cao thì tự động xả lũ bất chấp hậu quả. Trong khi đó theo báo Sài Gòn Tiếp Thị, đúng vào lúc ông phó ban Ðiều phối Chương trình Chống ngập tại Sài Gòn lên tiếng, những cơn “tiểu hồng thủy” tràn ngập nhiều vùng thuộc địa phận Sài Gòn. Tại An Phú, Thủ Ðức, mực nước đo được là 1.57m làm hàng ngàn ngôi nhà và hàng chục con đường ngập nước mênh mông. Nhiều đoạn bờ bao ở khu phố 8, phường Hiệp Bình Chánh bị vỡ. Nước tràn vào nhà dân cao hơn nửa mét nhấn chìm hàng ngàn mai kiểng sắp trổ bông. Báo Sài Gòn Tiếp Thị cũng cho biết, đợt thủy triều cao cuối tháng 10 đã làm ngập nhiều quận nội thành từ quận 2, quận 7 đến quận Bình Thạnh... Ông Lê Huy Bá, viện trưởng Viện Khoa Học Công Nghệ tại Sài Gòn còn bi quan hơn ông Phi khi cho rằng Sài Gòn đang đứng trước nguy cơ biến thành một “vũng nước đô thị.” Lời tiên đoán trên trùng hợp với nhận định của bà Lê Thị Xuân Lan của đài khí tượng miền Nam mới đây cho rằng Sài Gòn có nguy cơ sống với nước lụt ngày “càng nhiều, càng lớn và không thể nào tránh khỏi.” (PL)
|