Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 31-10-2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 31-10-2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Minh Anh   
Thứ Hai, 31 Tháng 10 Năm 2011 10:03

Vì sao Trung Quốc chưa bật đèn xanh cho kế hoạch cứu nguy Châu Âu ?

Trung Quốc trước khả năng hỗ trợ châu Âu
Getty Images/Cristian Baitg

Về khả năng Trung Quốc tung ra từ 50 đến 100 tỷ đô la để hỗ trợ khối euro như tin đã đưa trên nhật báo tài chính Anh Financial Times loan tải cuối tuần trước, nhật báo kinh tế Les Echos  đặt câu hỏi « Tại sao Bắc Kinh vẫn chưa bật đen xanh cho kế hoạch cứu nguy châu Âu ? ».

 Bài viết đã nêu lên bốn yếu tố có thể trả lời câu hỏi này.
 
Thứ nhất, như lời thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu từng giải thích là Trung Quốc còn chờ các đối tác châu Âu chi tiết hóa và « làm sáng tỏ » thêm về thỏa thuận đã đạt được vào đêm ngày 26/10/2011 vừa qua.

Theo phân tích của giám đốc viện nghiên cứu về châu Á, Jean François Di Meglio, một cách cụ thể hơn, Bắc Kinh cần biết quỹ bình ổn tài chính châu Âu sẽ phát hành công phiếu dưới hình thức nào, những công phiếu đó được bảo đảm ra sao. Ngoài ra Trung Quốc cũng cần có thêm thông tin về tính rủi ro của các khoản nợ công châu Âu trước khi lấy quyết định.
 
Lý do thứ nhì được nêu ra liên quan đến mức độ rủi ro xảy ra cho bản thân Trung Quốc, một khi cường quốc kinh tế thứ nhì này trên thế giới mua lại nợ của châu Âu.

Do khi mua vào công trái do quỹ bình ổn tài chính châu Âu FESF phát hành, Trung Quốc sẽ làm tăng giá đồng euro.

Đây là điều Bruxelles hoàn toàn không muốn để xảy ra. Do vậy, FESF đề nghị phát hành công trái để bán cho Trung Quốc bằng nhân dân tệ.

Nắm trong tay nợ công của châu Âu bằng đơn vị tiền tệ quốc gia là một mối nguy hiểm đối với bản thân Trung Quốc do Bắc Kinh sẽ mất khả năng kiểm soát tỷ giá hối đoái của đơn vị tiền tệ quốc gia. Đây là điều mà Trung Quốc hoàn toàn không thể chấp nhận được.
 
Nguyên nhân thứ ba khiến Bắc Kinh còn chần chừ trong việc hỗ trợ châu Âu là do ông khổng lồ châu Á này đang muốn dùng đồng tiền để mặc cả với cộng đồng quốc tế về vai trò của Trung Quốc tại IMF, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. Bên cạnh đó Bắc Kinh đang nhắm tới việc tham gia trực tiếp vào các ngân hàng hay các tập đoàn lớn của châu Âu.
 
Yếu tố cuối cùng mà theo Les Echos cũng là yếu tố quan trọng nhất đó là Trung Quốc chờ đợi châu Âu « dịu giọng » vì cho đến nay, Bruxelles luôn chỉ trích Bắc Kinh không tạo điều kiện thuận lợi để cho các tập đoàn phương Tây vào làm ăn tại Trung Quốc.
 
Lũ tha cho trung tâm thủ đô Bangkok, nhưng tăng trưởng kinh tế thì trôi theo dòng nước.
 
Lũ đã không tràn vô trung tâm thủ đô, nhưng nó có thể làm cho tăng trưởng kinh tế chựng lại.

Theo dự đoán, tăng trưởng sẽ chỉ còn có 2,6% thay vì là 4%. Đây chính là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế được báo Les Echos trích dẫn lại qua bài viết tựa đề « Lũ tha cho trung tâm thủ đô Bangkok, nhưng tăng trưởng kinh tế thì trôi theo dòng nước ».
 
Nếu như trung tâm tài chính Thái Lan không bị lũ tràn qua, thi gần 1/3 lãnh thổ Thái vẫn đang chống chọi với cơn lũ dữ dội nhất từ 50 năm nay.

Les Echos cho biết, tại khu vực phía bắc của thủ đô, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp vẫn còn bị ngập hoàn toàn. Người ta dự đoán là tình trạng tê liệt sẽ còn bị kéo dài.

Đặc biệt, lãnh vực tin học và lắp ráp xe hơi sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo nhiều chuyên gia phân tích, sản xuất ổ đĩa cứng cho máy vi tính trên toàn cầu, mà Thái Lan là nước xuất khẩu lớn thứ hai, có thể sụt giảm mất 30% trong quý tư năm nay.
 
Nhất là đối với các doanh nghiệp Nhật Bản tại Thái Lan, vừa mới chớm hồi phục sau trận động đất sóng thần, giờ lại phải hứng chịu «cơn đại hồng thủy » tại nước này.
 
Theo Les Echos, trước tình trạng khan hiếm các linh kiện rời, các hãng Nissan, Mitsubishi và Isuzu đang cố tổ chức lại hệ thống sản xuất để hồi phục lại nhanh nhất các dây chuyền lắp ráp tại Nhật. Trong khi đó, hãng Toyota đã phải cho tạm ngừng hoạt động một số nhà máy của mình tại Canada và Mỹ.
 
Les Echos cho biết, các tập đoàn lớn của Nhật này kiểm soát gần 1/3 các hoạt động đầu tư nước ngoài tại quốc gia này. Vừa qua, họ đã lên tiếng kêu gọi chính phủ tăng gấp đôi nỗ lực để phục hồi lại thật nhanh tình hình.
 
Cuối cùng Les Echos kết luận bất chấp thảm họa và những rối ren chính trị, đang làm lu mờ hình ảnh đất nước, nhưng sự hấp dẫn của đất nước này dường như là bất di bất dịch.
 
Cũng liên quan đến tình hình lũ lụt tại Thái Lan, Le Figaro hôm nay còn cho biết thêm là ngoài việc chống chọi với lũ lụt, người dân Bangkok giờ đây còn phải đối diện với thảm họa cá sấu nuôi sổng chuồng. Gần 1000 cá sấu nuôi lợi dụng nước triều lên đã thoát ra khỏi trại nuôi, ẩn náu dưới dòng nước đục ngầu đầy bfn và lang thang trên khắp thủ đô bị ngập nước.

Le Figaro cho biết, Thái Lan là quốc gia nuôi cá sấu lớn nhất trên thế giới với tổng số 200 ngàn con. Đó là chưa kể đến số cá sấu được nuôi lén lút trong các hộ gia đình hay trong nhiều trại nhỏ khác.

Ông Kamthon Sukalun, nhà sinh học Thái và là trưởng nhóm săn lùng cá sấu của chính phủ Thái, cho rằng trước mắt khó có cơ may bắt được các sấu trước khi nước rút.
 
Ấn Độ gặp khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình
 
Hôm nay 31/10/2011, dân số thế giới chính thức đạt 7 tỷ người.

 Tại nhiều nước, việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình không phải là việc dễ làm. Nhật báo Le Monde hôm nay có bài phóng sự về chương trình này tại Ấn Độ, đất nước đông dân thứ hai của địa cầu.

Theo bài viết « Ấn Độ, khó khăn trong việc tiếp cận chương trình Kế hoạch hóa gia đình », Le Monde nhận định chính sự nghèo khó kìm hãm việc hỗ trợ hệ thống tiếp nhận, mặc dù có nhiều phụ nữ mong muốn hạn chế việc sinh nở.
 
Varanasi, với 1,3 triệu dân, là thành phố đông dân thứ hai của bang Uttar Pradesh, bang đông dân nhất của Ấn Độ : với tổng dân số là 170 triệu dân, trong đó 34 triệu dân thành thị và hơn 1/3 trong số này sống dưới ngưỡng nghèo.
 
Le Monde cho biết, bệnh viện công duy nhất tại thành phố Varanasi này chỉ có 5 bác sĩ sản khoa, nhưng có tới 500 ca sinh nở mỗi tháng và chỉ có 30 giường cho sau giải phẫu. Đối với bác sĩ Vidyawati, người điều hành bệnh viện, mục tiêu « làm thế nào giảm tỷ lệ tử vong của mẹ và trẻ sơ sinh » còn có ý nghĩa cao hơn là con số 7 tỷ người, con số chỉ có tính biểu tượng do Liên Hiệp Quốc ấn định.
 
Các chuyên gia ở đây cho rằng, nếu muốn giảm tỷ tệ tử vong bà mẹ và trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ được chăm sóc và được đi học, cải thiện quyền phụ nữ thì nhất thiết cần phải điều chỉnh lại tỷ lệ sinh sản.

Một thực tế khó khăn cho Ấn Độ là các cô gái trẻ tại nước này thường kết hôn trước tuổi quy định là 18 tuổi. Và những cô gái này thường chịu áp lực từ phía gia đình chồng là phải nhanh chóng sinh con, mà giới tính được ưa thích nhất là con trai.
 
Theo lời bác sĩ Gita Pillai, người phụ trách chương trình Urban Health Initiative (UHI) – một chương trình do Quỹ Bill và Melinda Gates tài trợ đưa ra hồi năm 2009 – cho rằng « phần đông tại nhiều bang, giới trẻ đã nhận thức được lợi ích của việc Kế hoạch hóa gia đình. Họ sẵn sàng hạn chế sinh nở và sử dụng các biện pháp phòng ngừa.

Nhưng thường thì họ không những không được tiếp cận với các dịch vụ, mà còn ngay cả thông tin cũng không có, nhất là tại các khu phố nghèo [….]».
 
Le Monde cho biết tại bang Uttar Pradesh này, trong đó Varansai là thành phố thiêng liêng nhất của đất nước, với nhiều bãi hỏa thiêu nổi tiếng dọc theo sông Hằng, nhiều đền đài, nhiều nghi thức… và với 227 khu phố nghèo, có cùng chung một điểm thiếu : chỗ ở không có nước sạch, nhà vệ sinh tạm thời, trẻ con ít được đến trường, heo được thả tự do trên các bãi rác. Nhưng giữa khu phố nghèo như thế, chỉ có một cửa hiệu trung tâm để cho người dân có thể mua thuốc lá và kẹo cũng như các dụng cụ ngừa thai với giá thật khiêm tốn.
 
Tuy nhiên có một điểm đáng mừng là ngày càng có nhiều phụ nữ bắt đầu thoát ra khỏi nơi giam hãm, đi ra ngoài để tự tìm hiểu những quy đinh của Kế hoạch hóa gia đình. Những người phụ nữ có cái nhìn cởi mở hơn khi cho rằng « hai con là đủ. Như vậy con cái của họ có mới điều kiện đi học ».
 
Cuối cùng Le Monde cho biết , theo con số thống kê, tại Varanasi, có đến 60% phụ nữ từ 20 đến 24 tuổi đã có ít nhất là hai con và 43,5% số cặp vợ chồng đã cầu viện đến các biện pháp phòng ngừa.
 
Nêu như tại thành thị, nhận thức về việc hạn chế sinh nở bắt đầu có những biến đổi thì tại nông thôn « Giới tính và phòng ngừa vẫn luôn là đề tài cấm kỵ ».
 
Le Monde đơn cử trường hợp bang Bihar, bang đông dân thứ ba của Ấn Độ (với số dân là 104 triệu người).

Cách đây 10 năm tỷ lệ sinh nở tại bang này là 3,9 trẻ/ phụ nữ. Ngày nay, 58% phụ nữ vẫn tiếp tục mang thai trước 19 tuổi.
 
Tại bang này chỉ có 27% số cặp vợ chồng có sử dụng biện pháp phòng ngừa. Và bất chấp sự tài trợ của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc, việc dựa vào chương trình kế hoạch hóa gia đình vẫn còn ít được biết đến.
 
Một bác sĩ tại đây cho Le Monde biết, « tất cả những gì liên quan đến giới tính và phòng ngừa thai vẫn luôn là đề tài cấm kỳ tại nông thôn, nhất là đối với con trai. Mà cho dù chính phủ có yêu cầu đưa giáo dục giới tính vào học đường, phần đông giáo viên cũng không được đào tạo về chủ đề này ».
 
Trước mắt, chương trình Prachar được đưa ra vào năm 2001 và được mở rộng ra vào năm 2009, chỉ nhắm vào đồi tượng là trẻ vị thành niên.

Các em sẽ được học ba buổi về giáo dục giới tính (dĩ nhiên là nam và nữ học riêng). Ngoài ra các em còn được phát cho một quyển sách nhỏ dạy rõ các bộ phận sinh sản của con người, phòng ngừa thai, lạm dụng tình dục, các căn bệnh lây nhiễm về tình dục.

Chương trình này cũng nhắm đến các cặp đôi vợ chồng trẻ, mục đích là nhằm đẩy lùi tuổi sinh đứa con đầu lòng đến 21 tuổi và khoảng cách sinh trẻ thứ hai là 3 năm.
 
« Mưa dầm thấm lâu », công việc dài hơi này cũng bắt đầu có kết quả. Số lượng người sử dụng các biện pháp phòng ngừa dần tăng lên. Tuổi sinh con đầu lòng của phụ nữ cũng đang bắt đầu lùi trễ xuống 1,5 năm. Đàn ông hay phụ nữ bây giờ có cùng chung một mong muốn « một hay hai con là đủ ».
 
Fukushima, ý kiến của giới nghệ sĩ
 
Phong trào phản đối hạt nhân tại Nhật sau tai nạn hạt nhân Fukushima không ngừng lan rộng.

 Giờ đến lượt giới nghệ sĩ Nhật Bản lên tiếng ủng hộ phong trào rút khỏi hạt nhân. Đây cũng là đề tài được Libération số ra hôm nay quan tâm qua bài viết « Fukushima, ý kiến của giới nghệ sĩ ». Theo bài viết, làn sóng chống hạt nhân đã hiện diện trên đất nước này từ lâu.
 
Bài viết quan tâm đến sự thành công của bài hát « Dare ni mo, nioi mo nai » (tạm dịch là Sự nhiễm xạ, không ai có thể nhìn thấy cũng không thể ngửi thấy được) của ca sĩ Rankin Taxi, nhân Liên hoan nhạc Reggae diễn ra hồi mùa hè năm nay.

Trong giới nghệ sĩ Nhật, ca sĩ Rankin Taxi đã trở thành ngôi sao hàng đầu trong phong trào chống hạt nhân. Ông là một trong những người duy nhất đã dám nói lên sự chán ngấy, sự giận dữ của giới trẻ. Ông cao giọng trêu tức Tepco (nhà điều hành Trung tâm hạt nhân Fukushima).

Bài hát của ông thành công đến mức không một đài truyền hình nào của đất nước dám phát sóng.
 
Theo Libération, Rankin Taxi không phải là người duy nhất.

Đi tiên phong trong phong trào đấu tranh chống hạt nhân, chính là ca sĩ Kiyoshiro Imawano (mất năm 2009), thủ lĩnh nhóm nhạc rock huyền thoại RC Succession.

Các bài hát của nhóm nhạc này – vốn nổi tiếng chống đối kịch liệt năng về tai nhạn hạt nhân Tchernobyl - đã gây ra nhiều tranh luận và cho đến giờ vẫn bị xem là quá « hắc ám ». Đến mức mà, không một đài truyền hinh và một hãng sản xuất băng đĩa nào dám phát hành các bài hát của nhóm nhạc này.

 Cuối cùng ban nhạc cũng đã tự in đĩa nhạc cho mình. Đồng thời, họ còn cho phát tán trên mạng Internet. Một sự thành công ngoài mong đợi.

Và sự thành công này chứng tỏ cho thấy sự tiến bộ của làn sóng phản đối hạt nhân.
 
Ngoài giới nghệ sĩ ra, Libération cho biết còn có sự góp mặt của giới văn đàn. Trong đó, nổi bật nhất là giải Nobel Văn học Oé Kenzaburô.

Từ những năm 1960, ông đã cho đăng tuyển tập về Hiroshima với tựa đề « Hãy nói cho chúng tôi biết làm thế nào sống sót được trong sự điên rồ của chúng ta ? » để tố cáo sự chọn lựa hạt nhân của chính phủ.
 
Cuối cùng, Libération nhận định làn sóng phản đối không ngừng gia tăng.

Vào ngày 11-9 vừa qua, một đợt biểu tình quy tụ khoảng 15 ngàn người, với sự tham gia của nhiều ngôi sao nghệ thuật.

 Theo họ, « người dân tốt hơn hết là nên suy nghĩ kỹ về vấn đề này. Tình thế có biến đổi, bởi vì đã có nhiều người bắt đầu phản ứng, xuống đường biểu tình và lên tiếng kêu gọi. Những bước đi này tuy nhỏ nhưng sẽ giúp dịch chuyển mọi thứ ».