“… Cánh hoa sóng gợn mong manh, ...Như thuyền tỵ nạn chòng chành đại dương…”
Những công trình nghệ thuật dưới hình thức tượng đài được hầu hết quốc gia dựng lên ở đại lộ, công viên, bùng binh hoặc ở các vị trí quan trọng của thành phố cũng như thủ đô… nhằm để vinh danh các bậc danh nhân, vĩ nhân, anh hùng dân tộc hay ghi dấu những chứng tích lịch sử trọng đại. Hình thức tượng đài có thể tạm chia thành ba nhóm: Nhận vật, chứng tích lịch sử và tượng đài biểu tượng.
Cộng đồng người Việt Tỵ Nạn chúng ta tại các xứ Tự Do là những tập thể nhỏ (ngoại trừ khu vực Little Saigon, Nam Cali) giữa lòng người địa phương, nhưng từ nhiều năm qua đã thành công trong việc dựng được nhiều tượng đài nhằm đánh dấu biến cố lịch sử trọng đại của những người bỏ chế độ cộng sản để đi tìm tự do. Đến giờ nầy các tượng đài lịch sử có thể tìm thấy qua nhiều tác phẩm nghệ thuật như TT Ngô Đình Diệm (Thụy Sĩ), Vượt Biên, Người Lính VNCH (Mỹ), Tàu Vượt Biên v…v… (Úc, Pháp và các quốc gia thuộc khối Châu-Âu) là những chứng tích giải thích việc đi tìm tự do của người Tỵ Nạn cũng như vinh danh người lính đã một thời bảo vệ Quê Hương… Ngoài ra còn phải đề cập đến nhiều tượng đài biểu tượng – ví dụ như Mẹ Bồng Con tại thành phố Buissy Saint Georges, Pháp – do cộng đồng tại đây dựng lên nhằm ghi dấu một cuộc đổi đời đồng thời bày tỏ ân tình đối với Chính Quyền cũng như người Pháp địa phương… Bài viết hôm nay nhằm giới thiệu Mô Hình Đoạt Giải Nhất và Chương Trình Xây Dựng Tượng Đài Thuyền Nhân Tỵ Nạn tại Na-Uy.
Trước hết, xin trình bày qua về cộng đồng người Việt tại Na–Uy: Là một cộng đồng tỵ nạn nhỏ gồm một số đầu tiên đến từ năm 1975 và những người sau nầy được tiếp nhận đến cuối năm 2004 vì lý do nhân đạo. Trải qua 35 năm, con số người Việt trên Vương quốc Na-uy lên đến 19.726 người (Sở Thống kê Na-uy, SSB 2009), trong đó 90% đã có quốc tịch Na-uy. Tuy nhân số ít nhưng tinh thần đoàn kết và sinh hoạt cộng đồng có thể nói cộng đồng người Việt Tỵ Nạn Na-Uy đã vượt qua nhiều nơi khác với những thành quả đạt được.
1. Hoat động chính trị: Na-Uy là một Vương Quốc đất rộng nhưng ít dân, tất cả mọi người đều người hưởng được một đời sống từ tinh thần đến vật chất rất cao, có thể nói đứng vào hàng đầu thế giới. Với các nguồn lợi thiên nhiên sẵn có cũng như thành quả tốt đẹp kinh tế, cộng thêm một chính quyền tài đức và thanh liêm, người Na-Uy được hưởng tất cả mọi quyền lợi mà họ đã đóng góp xây dựng quốc gia nầy qua bổn phận. Na-Uy vừa lập liên hệ ngoại giao với Việt gian cộng sản qua cấp đại sứ và kể từ ngày đó, việc tranh đấu của cộng đồng người Việt Tỵ Nạn bắt đầu gặp nhiều khó khăn khi có sự xuất hiện ồ ạt của du sinh Việt cộng, công an chìm nổi đội lốt ngoại giao, bọn nằm vùng, cò mồi đang chạy theo ăn bám với tòa đại sứ. Tuy vậy tinh thần chống cộng của người Việt Tỵ nạn ngày càng lên cao mặc dù âm mưu và hành động phá hoại của Hà Nội càng gia tăng theo thời gian. Thành công của cộng đồng người Việt tỵ nạn là những cuộc biểu tình lớn tại thủ đô Oslo nhằm vạch trần chế độ khốn nạn, cộng sản là một bọn thảo khấu chỉ giỏi nghề cướp bóc, tham nhũng và bán nước cho kẻ thù Tàu cộng. Một điều thành công quan trọng của cộng đồng người Việt Tỵ Nạn Na-Uy là cộng đồng đã tạo được những liên hệ mật thiết với chính quyền cũng như gây được cảm tình sâu đậm với người dân địa phương. Mặc dù Na–Uy thiết lập ngoại giao với Việt cộng, nhưng đối với chính quyền cũng như dân chúng Na Uy, thuyền nhân vượt biển vẫn là những công dân trân quý của họ sau 35 năm chung sống với nhau.
2. Hoạt động cộng đồng: Na–Uy là một Vương Quốc đất rộng, người Việt Tỵ Nạn định cư rải rác tại các thành phố cách nhau hàng trăm cây số. Tuy vậy tổ chức cộng đồng vẫn chặt chẽ với các hội đoàn khác nhau và tất cả đều đứng chung dưới một màu cờ duy nhất: Vàng Ba Sọc Đỏ trong mọi sinh hoạt. Một điều quan trọng, lãnh đạo cộng đồng là thành phần trẻ, lớn lên, tốt nghiệp và thành công trong môi trường hành chánh, chính trị từ địa phương cho đến trung ương, do đó, cộng đồng người Việt Tỵ nạn dễ dàng hội nhập, gây được tình cảm và đạt được niềm tin của Chính phủ cũng như người địa phương. Một cộng đồng với sinh hoạt thường xuyên và đều đặn là một yếu tố tối cần thiết để hâm nóng tinh thần tranh đấu của mọi người. Không cần ra nhiều tuyên cáo, phản đối dưới nhiều hình thức mà nên làm những việc thiết thực, như vậy mới có cơ hội ngồi lại với nhau để hoạch định mọi việc nhằm đối phó với tình thế cấp bách hoặc thảo ra chương trình cho thích hợp với thời gian cần thiết trong những ngày sắp tới (một người trong cộng đồng người Việt Tỵ Nạn Na–Uy đã trả lời câu hỏi của người viết).
3. Xây dựng tượng đài và mướn dài hạn hội trường: Nói đến hoạt động của cộng đồng Người Việt Tỵ Nạn Na–Uy, theo tôi, đề cập đến hai việc lớn sau đây cũng đủ chứng minh một phần nào: Trong thời gian ở Oslo người viết đã có dịp tìm hiểu việc xây dựng tượng đài cũng như hội trường của cộng đồng người Việt Tỵ Nạn Na–Uy.
3a. Chính quyền Na–Uy cho phép dựng tượng đài trong khu vực Bygdoy, vấn đề tài chánh từ A đến Z đều do cộng đồng đóng góp. Đây là công trình lớn đòi hỏi một ngân sách thật lớn, nhưng khi nhìn vào danh sách những người đóng góp, người viết không khỏi ngạc nhiên, gần như toàn bộ người Việt Tỵ Nạn tại Na-Uy đều tích cực tham gia, có người đã đóng góp qua nhiều đợt. Theo danh sách, có nhiều vị ủng hộ những số tiền gần như trọn cả tháng lương của họ, điều nầy không thể chối cãi tinh thần tích cực của của những người Việt Tỵ Nạn tại Na-Uy.
3b. Ngoài ra để có nơi hội họp, hoạt động… cộng đồng người Việt Tỵ Nạn đã mướn dài hạn một hội trường lớn ngay tại Oslo rồi mỗi người tự đóng góp từng cái bàn, chiếc ghế cho đến dụng cụ ánh sáng, hệ thống truyền thông… để hội trường có đầy đủ phương tiện hoạt động. Đó là những việc làm thật khó nhưng cộng đồng người Việt Tỵ Nạn Na-Uy đã hoàn tất một cách tốt đẹp, hình ảnh nầy đáng được các cộng đồng trên thế giới noi theo.
Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài và Cuộc Tuyển Chọn Mô Hình:
Vì UBXDTĐ không có khả năng và trình độ tuyển chọn một mô hình xứng đáng (lời của UBXDTĐ) nên việc thành lập một Ban Giám Khảo là tối cần thiết. Ban Giám Khảo được Hội Điêu Khắc tại Na Uy hình thành theo nguyên tắc pháp lý gồm 5 người qua đánh giá có trình độ hiểu biết về đất nước và con người Việt Nam, về nghệ thuật điêu khắc, về môi trường và địa điểm thích hợp đối với khu vực Bygdøy. Ban Giám Khảo gồm: bà Sofie Persvik (về phía Oslo Kommune, nhiệm vụ nhận món quà của Cộng đồng Việt tỵ nạn), bà Elisabeth Koren (về phía Sjøfartsmuseum, nhận và đặt Tượng Đài tại địa điểm có sẵn), bà Marit Krogh và ông Hans Martin Ooien (về phía Hội Điêu Khắc Na Uy, trách nhiệm về tính nghệ thuật của mô hình), ông Nguyễn Minh Tuấn (về phía Cộng đồng người Việt tỵ nạn, nhìn về khía cạnh người Việt Nam). Vì tính trong sáng của việc chấm điểm, trong 5 vị này không có ai thuộc UBXDTĐ.
Các Mô Hình Được Đưa Đến/Gởi Đến Cuộc Thi: Gồm tất cả có 16 mô hình: Cánh Buồm Tự Do/ Frihetseil, Sóng Bồi/ Bølgen Bringer, Cuộc Vượt Biển Táo Bạo/ Dristig Ferd Mot Friheten, Giấc Mơ/ Drømmen, Nơi Nghỉ Ngơi/ Et Sted For Gode Tanker, Tự Do/ Freedom, Cầu Tầu/ Frihetens Sti, Tái Hợp/ Gjensyn, Hy Vọng/ Håp, Trái Đất Và Con Người/ Jordkloden Og Mennesket, Hoa Sen/ Lotus, Em Bé Việt Nam/ Vietnamesisk Jente, Nhắc Nhở/Påminnelse, Ánh Sáng Trong Bóng Tối/Lux in obscuri, Hoa Biển/ Sjøblomst. Các mô hình gồm có các điêu khắc gia Na Uy, Việt Nam và sắc dân khác. Sau khi công bố kết quả tác giả của 1 mô hình xin giữ kín mô hình của họ. Ban Giám Khảo đã chấp thuận nên chúng tôi không đăng mô hình nay.
Giải Chung Kết:
Trong khi Ban Giám Khảo tuyển chọn và chấm giải các mô hình, thì tên các tác gia điêu khắc được giữ kín hoàn toàn. Ban Giám Khảo chỉ được biết đến sau khi việc chấm giải đã kết thúc. Sau đây là 3 giải chung kết được Ban Giám Khảo đánh giá là hội đủ các tiêu chuẩn cần thiết: - Giải BA với mô hình Nhắc Nhở/Påminnelse; nội dung đơn giản, có ý nghĩa, màu trắng đối nghịch với màu đen; của điêu khắc gia Ferdinamd Wyller. - Giải NHÌ với mô hình Ánh Sáng Trong Bóng Tối/ Lux In Obscuri; nội dung nói lên ý nghĩa là cầu nối giữa biển và đất liền, ánh sáng hiền hòa tỏa ra từ trong hoa sen, cấu trúc đặc biệt, có sức lôi cuốn; của điêu khắc gia Geir Stormoen. - Giải NHẤT với mô hình Hoa Biển/ Sjøblomst; nội dung kết hợp 5 cánh buồm thành một Hoa Biển; của điêu khắc gia Thor Sandborg.
|
Ý Nghĩa Của Giải Nhất:
Hoa Biển lênh đênh trên mặt nước nơi các thảm kịch xảy ra, mang nỗi buồn không tên và Hoa Biển khơi dậy sự an bình trong quá khứ. Hoa Biển hòa hợp với nước, ánh sáng và trời xanh. Đến đây Hoa Biển được Ban Giám Khảo đánh giá là mô hình không cầu kỳ nhưng rõ ràng mang một ý nghĩa, như theo thói quen thường tình khi tưởng niệm một linh hồn đã siêu thoát, người ta trịnh trọng thảy một cành hoa xuống nước. Hoa Biển kết hợp 5 cánh buồm nói lên cuộc vượt biên táo bạo đến Na Uy. Đồng thời 5 cánh hoa biểu tượng cho ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ và 5 cánh buồm cũng nói lên ý nghĩa của dân tộc tính: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Qua Hoa Biển, một nữ thuyền nhân liền cảm tác mấy vần thơ của nguyên bài “Cánh Hoa Sóng Gợn” trong đó có vài câu đủ để nói lên ý nghĩa của một thuyền nhân: “… Cánh hoa sóng gợn mong manh, Như thuyền tỵ nạn chòng chành đại dương…”
Mô hình Hoa Biển đã thể hiện được lòng tri ân cũng như nói lên thảm kịch vượt biển cùng sự hội nhập tốt đẹp vào xã hội Na Uy của thuyền nhân Việt Nam tỵ nạn. Điểm đặc biệt ở đây là Hoa Biển được cấu trúc như đang bềnh bồng trên mặt biển và cách bờ khoảng từ 6 – 8 mét. Hoa Biển có chiều dài nhất 8 mét và chiều rộng 6 mét; đứng nhìn ngược trên mé đất liền người ta sẽ thấy một bia tưởng niệm ghi một dòng chữ bằng đại khái: “Đây là bia tưởng niệm và tri ân của thuyền nhân Việt Nam tỵ nạn…”. Lời phát biểu của Bs Nguyễn Văn Hóa, Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Thuyền Nhân Tỵ Nạn Na-Uy:
Ba mươi sáu năm an cư lạc nghiệp, chúng ta có ngày nay là do công ơn tái sinh của những con tàu Na-uy và sự giúp đỡ hào hiệp của nhân dân và chính quyền Na-uy. Ơn này không bao giờ chúng ta quên. Trước khi niềm tri ân ấy phai nhạt trong các thế hệ sau, chúng ta cần xây dựng một tượng đài tri ân. Sáng kiến này, nhiều cộng đồng Việt Nam trên khắp thế giới đã làm; chúng ta phải thực hiện ngay, vì không có lý do gì phải chờ đợi nữa.
Tượng đài này sẽ là biểu tượng BIẾT ƠN và dấu DẤN THÂN của toàn thể người Việt tại Na-uy, không phân biệt tới trước sau, địa phương, tuổi tác. Nó cũng là biểu tượng ĐOÀN KẾT – mọi cá nhân, mọi đoàn thể và tôn giáo cùng góp phần xây dựng. Trong tinh thần ấy, cuộc Đại hội các đoàn thể và cá nhân tị nạn Việt Nam ngày 1.5.2010 đã thành lập Ủy ban Xây dựng Tượng đài Thuyền nhân, mà thành phần được bổ sung và thay đổi trong ngày 19.8.2010.
Lời giới thiệu của Điêu khắc gia Thor Sandborg:
|
Từ khi bắt tay vào công tác này tôi nhận ngay ra mình phải thật thận trọng cái ý nghĩa mà tượng đài sẽ khắc ghi. Từ tấn bi kịch đã đưa tới những thảm cảnh hãi hùng trên biển cả, bao nhiêu người chết, tới lòng dũng cảm mà người tỵ nạn chứng tỏ, đến biểu lộ của một thủy thủ đoàn Na-uy tốt đẹp, cũng như nỗ lực thành công của những người sống sót được đưa tới Na-uy để xây dựng một đời sống tốt đẹp trong xã hội này… tất cả những yếu tố nói trên thật là quá lớn để gom thành đề tài trong một tác phẩm điêu khắc.
Khuynh hướng tự nhiên là chú tâm vào bi kịch tính. Nhưng bi kịch này đứng riêng có thể dễ dàng tạo ra những liên tưởng và kỷ niệm đau buồn và tiêu cực. Do đó dần dần tôi nghĩ ra tôi phải làm một bức tượng có thể gợi những cảm nghiệm tích cực và một kỷ niệm đẹp đẽ, đồng thời tượng phải mang một nét ngầm liên kết với tấn bi kịch kia và một tiềm lực dẫn tới những hành vi, việc làm tiếp theo. Tác phẩm này do đó được sáng tác như một lời tuyên dương cao quý tới các thuyền nhân Việt Nam và gia đình họ về lòng can trường và nỗ lực; cũng như các thủy thủ Na-uy đã biểu lộ tinh thần hào hiệp của những người đi biển.
Đó là ý tưởng tôi cố gắng thực hiện khi làm một điêu khắc phẩm có hình giống bông hoa nằm trên mặt nước nơi mà tấn thảm kịch đã diễn ra. Những cánh hoa có hình cánh buồm tượng trưng tính cơ động trong hoàn cảnh này. Mặt trên của bông hoa được mài nhẵn và xử liệu để nó toát ra mỗi lúc những quang ánh đẹp, ánh sáng của không gian xung quanh sẽ phản chiếu như những cạnh kim cương sống động từ bông hoa, tùy vị trí người nhìn và nguồn sáng.
Với hết lòng kính cẩn và cảm động tôi có thể nói tôi rất vui mừng được dịp thực hiện đề án của tôi cho tượng đài. Công việc này rất hấp dẫn nhưng không phải là ít thử thách, vì vậy tôi hăng say ngay từ khi bắt đầu. Sau cùng tôi xin cám ơn UBXDTD, Ban Giám khảo và nhất là quý vị đã đóng góp vào Quỹ Tượng đài, đã cho tôi cơ hội thực hiện điêu khắc phẩm này.
Tâm tình của người viết:
Tượng đài Thuyền Nhân Tỵ Nạn Na-Uy tuy không mang hình ảnh chiếc thuyền trên sóng, cảnh đau thương chết chóc giữa biển… nhưng nhánh hoa 5 cánh đã diễn tả được trọn vẹn ý nghĩa, tâm tình và lòng biết ơn của những người Việt Tỵ Nạn đến Na Uy bằng con đường vượt biển. Tại bờ biển nầy trước đây 35 năm là nơi đã tiếp nhận những người chạy thoát từ địa ngục cộng sản, và trong thời gian qua, họ đã hội nhập cũng như trưởng thành trong vòng tay thân ái của người Na Uy, thì cành hoa năm cánh mọc lên từ bờ biển – do Đại diện người Việt và Hội Đồng người Na Uy tuyển chọn – đã biểu lộ đầy đủ tình người của hai phía Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn và Chính Quyền cũng như người dân Na Uy một cách trung thực, ý nghĩa và đầy đủ. |