"Vùng Bắc Cực thuộc Canada có tất cả những gì Trung Quốc muốn...''
Đại sứ Đan Mạch tại Bắc Kinh Friis Arne Peterson (DR)
Hôm qua 28/10/2011, Đại sứ Đan Mạch tại Trung Quốc đã tuyên bố ủng hộ việc cấp cho Bắc Kinh quy chế quan sát viên thường trực tại Hội đồng Bắc Cực cho dù Trung Quốc không có bờ biển chung với vùng này.
Lập trường của Đan Mạch đã lập tức bị báo chí Canada phản đối, cho rằng các nước có liên can cần phải cảnh giác với tham vọng của Bắc Kinh.
Theo nhật báo Canada – The Vancouver Sun – số ra đề ngày 28/10/2011, đại sứ Đan Mạch Friis Arne Peterson vào hôm qua đã tuyên bố với một nhóm nhà báo tại Bắc Kinh là Trung Quốc có "lợi ích kinh tế và khoa học tự nhiên và hợp pháp ở Bắc Cực" cho dù nước này không có bờ biển với vùng cực bắc địa cầu. Theo ông, chính quyền Copenhagen mong muốn Bắc Kinh được hưởng quy chế quan sát viên thường trực tại Hội đồng Bắc Cực, hiện gồm tám thành viên : Canada, Nga, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Thụy Điển và Hoa Kỳ. Trung Quốc đã nộp đơn xin làm quan sát viên từ lâu. Đại sứ Đan Mạch cho rằng các thành viên khác trong Hội đồng Bắc cực cũng cùng quan điểm như nước ông. Tuyên bố của Đại sứ Đan Mạch tuy nhiên đã bị phê phán. Theo báo Vancouver Sun, giới học giả và chuyên gia phân tích về Bắc Cực đã cho rằng các giả định của đại diện chính quyền Copenhagen rất đáng ngờ. Một số cho là Đại sứ Đan Mạch không chỉ cố gắng tận dụng vai trò của Đan Mạch trong Hội đồng Bắc Cực, mà còn tìm cách tranh thủ nguồn đầu tư của Trung Quốc để giúp Đan Mạch khai thác tài nguyên thiên nhiên vùng Greenland. Cũng theo giới quan sát, tuyên bố của đại sứ Đan Mạch cũng phản ánh mối quan tâm của Trung Quốc trong việc tìm cách giành quyền khai thác tài nguyên vùng Bắc Cực, cũng như tăng cường ảnh hưởng địa chính trị của Bắc Kinh. Ông David Bercuson, một nhà sử học tại Đại học Calgary và chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Học viện Quốc phòng và Ngoại giao Canada lo ngại : "Nhìn từ góc độ của họ, thì Trung Quốc muốn tự mình tìm xem nguồn tài nguyên tiềm tàng dưới Bắc cực là gì và họ sẽ lên tiếng đòi hỏi phần mình vì lẽ họ sẽ không để cho Canada, Nga và Mỹ chia riêng cho nhau." Ngay từ năm 2010, giáo sư lịch sử David Wright thuộc Đại học Calgary đã viết : "Vùng Bắc Cực thuộc Canada có tất cả những gì Trung Quốc muốn : Tài nguyên thiên nhiên và khả năng khai thông một tuyến đường vận chuyển hàng hải quan trọng mới". Theo vị giáo sư này, "Dù không chắc rằng Trung Quốc sẽ có tham vọng trở thành một thế lực vũ trang can dự vào một cuộc chiến tranh trong tương lai về Bắc Cực, hoặc tuyên bố chủ quyền của họ trong khu vực, thế nhưng, có thể dự báo rằng Bắc Kinh sẽ trở nên quyết đoán và cứng rắn hơn trong hồ sơ Bắc Cực", đặc biệt khi xem xét các đòi hỏi chủ quyền của các thành viên trong Hội đồng Bắc Cực. Theo giáo sư Wright, các học giả Trung Quốc đang xem xét kỹ lưỡng tuyên bố chủ quyền lịch sử trên Bắc Cực của Canada, đặc biệt là phần liên quan đến Tuyến đường Tây bắc Northwest Passage.
Trung Quốc, theo ông, muốn Bắc Cực, với các tuyến hàng hải đi qua đó, cũng như nguồn dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, khoáng sản và nguồn cá, phải mang quy chế lãnh thổ quốc tế hoặc "di sản chung của nhân loại." Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Trung Quốc cần phải cẩn thận trong việc khẳng định các đòi hỏi của họ ở Bắc Băng Dương.
Quan điểm cho rằng vùng này phải được “quốc tế hóa” có thể quật ngược lại lập luận của Bắc Kinh liên quan đến các nơi khác.
Trung Quốc hiện đang tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, trên quần đảo Senkaku / Điếu Ngư đang do Nhật Bản kiểm soát, và thậm chí trên cả Đài Loan. |