Home Tin Tức Thời Sự Thế giới thở phào sau khi châu Âu đạt thỏa thuận chống khủng hoảng

Thế giới thở phào sau khi châu Âu đạt thỏa thuận chống khủng hoảng PDF Print E-mail
Tác Giả: Thụy My   
Thứ Năm, 27 Tháng 10 Năm 2011 09:20

 Thị trường chứng khoán, đồng euro và dầu hỏa đều tăng giá vào trưa nay...

Báo chí truyền thông hoạt động hết công suất đưa tin về hội nghị Thượng đỉnh Bruxelles 27/10/2011.
REUTERS/Yves Herman

 

Các nhà lãnh đạo các nước và thị trường khắp nơi hôm nay (27/10) đã có phản ứng tích cực về kế hoạch chống khủng hoảng đạt được vào phút chót tại Bruxelles vào bốn giờ sáng nay, nhằm bảo đảm sự tồn tại của khu vực đồng euro.
 
 Thị trường chứng khoán, đồng euro và dầu hỏa đều tăng giá vào trưa nay, chỉ vài giờ sau khi hội nghị thượng đỉnh khu vực đồng euro kết thúc qua một đêm dài tranh cãi đầy căng thẳng.
 
Các nhà lãnh đạo 17 nước khu vực đồng euro rời hội nghị với cảm giác đã làm tròn nhiệm vụ. Nhiều quốc gia đã lên tiếng hoan nghênh quyết định của khối euro, nhằm giảm mạnh số nợ của Hy Lạp, và huy động 1.000 tỉ euro để tránh khủng hoảng lây lan sang nơi khác, nhất là Tây Ban Nha và Ý.
 
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố : « Tôi tin rằng kết quả sẽ được chào mừng trên khắp thế giới, vốn đang chờ đợi một câu trả lời mạnh mẽ từ khu vực đồng euro ».

 Còn Thủ tướng Đức Angela Merkel nhận định : « Chúng ta đã đáp ứng được những mong đợi, và đã làm những gì phải làm ».
 
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde hoan nghênh « những tiến bộ quan trọng » của hội nghị thượng đỉnh.

 Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick cho rằng thỏa thuận trên là « một giai đoạn quan trọng » cho phép rút ngắn được thời gian.
 
Bắc Kinh hoan nghênh « sự đồng thuận châu Âu », cho rằng thỏa thuận này sẽ « củng cố lòng tin của các thị trường ».

Matxcơva bày tỏ một sự « lạc quan thận trọng ».

Luân Đôn nhận định hội nghị thượng đỉnh đã đạt được « tiến triển rất tốt». Còn tại Athènes, Thủ tướng Hy Lạp hân hoan cho rằng thỏa thuận đã « mở ra một kỷ nguyên mới » cho dù còn phải tiếp tục nỗ lực.
 
Tuy vậy một số ý kiến cũng tỏ ra dè dặt về thành công bước đầu này, đặc biệt là ý định của Bắc Kinh tham gia vào Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (FESF).

Nước Nga, bên cạnh băn khoăn về các biện pháp của châu Âu liệu có đủ mạnh, đã nhấn mạnh, hỗ trợ từ các quốc gia mới trỗi dậy không phải là vô điều kiện.

Còn những người ủng hộ ý tưởng thành lập một liên bang châu Âu cho rằng nếu để Trung Quốc đóng góp vào quỹ FESF sẽ nguy hiểm về mặt chính trị.