Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 27 Tháng 10 Năm 2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 27 Tháng 10 Năm 2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Thành   
Thứ Năm, 27 Tháng 10 Năm 2011 08:40

 Trên thực tế, một số người truyền bá các thông tin ngụy tạo đã bị bắt.

Bắc Kinh tăng cường kiểm soát Internet và truyền hình 
Trang nhà của Weibo, mạng Twitter của Trung Quốc
(DR)

Với tựa đề « Bắc Kinh tăng cường kiểm soát mạng Internet », Le Figaro cho biết, ngày hôm qua thứ Tư 26/10/2011, giới lãnh đạo Trung Quốc, sau hội nghị Ban chấp hành Trung ương trung tuần tháng này, vừa đưa ra thông báo sẽ gia tăng kiểm soát thế giới mạng, cùng với việc quản lý chặt các chương trình truyền hình qua vệ tinh.

 
Nội dung của chỉ thị gia tăng kiểm soát internet kể trên được xuất bản trên Nhân dân Nhật báo, tờ báo chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày hôm qua.

Đối tượng nằm trong tầm ngắm của chỉ thị mới này là các trang blog cá nhân của Weibo (Vi Bác) - mạng twitter tại Trung Quốc.

Theo Trung tâm thông tin về Internet của Nhà nước Trung Quốc, số người dùng blog đã tăng lên một cách hết sức nhanh chóng : hơn 195 triệu vào tháng 7 năm nay 2011, gấp 3 lần so với cuối năm ngoái, trong khi số người dùng internet hiện nay là hơn 500 triệu.
 
Các phản đối bùng phát liên quan đến vụ tai nạn tầu cao tốc hồi tháng Bảy khiến chính quyền Bắc Kinh lo ngại sẽ không kiếm soát nổi dư luận. Gần đây, các cơ quan chính quyền thông báo, sẽ trừng phạt nặng những người dùng internet nào đưa lên mạng, các tin đồn và các thông tin sai lạc.

 Trên thực tế, một số người truyền bá các thông tin ngụy tạo đã bị bắt.
 
Cũng ngày hôm qua, cơ quan quản lý nhà nước về phát thanh, truyền hình và điện ảnh Trung Quốc đã ra lệnh hạn chế các chương trình truyền hình theo thể loại reality TV (tạm dịch là « truyền hình thực tế ») và các chương trình giải trí khác trên 34 kênh truyền hình qua vệ tinh.

Theo chỉ thị này, thời gian truyền các chương trình « thô thiển » như vậy sẽ phải được thay thế bằng các tin tức hay các chương trình văn hóa theo những « giá trị » được đảng Cộng sản tuyên truyền.

 Bắc Kinh yêu cầu lãnh đạo các kênh truyền hình tập trung vào lĩnh vực « đạo đức », từ bỏ « sự sùng bái đồng tiền, chủ nghĩa hưởng lạc và chủ nghĩa cá nhân cực đoan », theo như văn bản chính thức của chỉ thị được công bố hôm qua.
 
Đằng sau chiến dịch mới nhằm xiết chặt quản lý thế giới mạng và truyền hình, theo Le Figaro, chúng ta thấy vụ bê bối bi thảm mới đây liên quan đến sự thờ ơ của đám đông những người qua đường Trung Quốc, trước cái chết của một em bé hai tuổi, tên là Yue Yue.

 Vụ việc này gây chấn động công luận Trung Quốc, những người sử dụng Internet đặt câu hỏi về cuộc khủng hoảng đạo đức hiện nay trong xã hội Trung Quốc.

 Đây cũng là một đòi hỏi phải xem xét lại « các giá trị » chính thống do đảng Cộng sản chủ trương. Đó lại chính là điều mà giới lãnh đạo đảng không muốn để cho phát triển tự do, vượt thoát khỏi vòng kiểm soát của chính quyền.
 
Giải cứu khu vực euro : còn nhiều thách thức

Việc bàn thảo kế hoạch giải cứu euro của các nước Liên hiệp Châu Âu diễn ra tại Bruxelles hôm qua là chủ đề được hầu hết báo chí Pháp quan tâm.

Les Echos dành nhiều trang cho ba hồ sơ chủ yếu : nghiên cứu việc cấp vốn cho các ngân hàng, nâng mức tiền của Quỹ bình ổn tài chính lên 1.000 euro và việc tìm kiếm các biện pháp để giảm thiểu tác hại của khủng hoảng tại Pháp.
 
Les Echos cho biết, các nước Châu Âu đã đạt được thỏa thuận về các nguyên tắc cho một kế hoạch chung.

Tờ báo mô tả không khí hết sức căng thẳng của cuộc họp ngày hôm qua, đặc biệt với thái độ nghiêm trọng của thủ tướng Đức Angela Merkel, với tuyên bố :

« Nếu đồng euro sụp đổ, Châu Âu cũng sụp đổ » và quyết tâm của bà Merkel trong việc tìm ra cho được một giải pháp cứu nguy Hy Lạp, cùng lúc với việc thúc đẩy các nước Châu Âu nắm lấy cơ hội hiện nay để tiến hành cải cách.
 
Le Figaro thì thông báo, tổng thống Nicolas Sarkozy sẽ dùng một tiếng đồng hồ tối nay nói chuyện trực tiếp trên hai kênh truyền hình TF1 và France 2, trong chương trình mang tên « Đối mặt với khủng hoảng », để giải thích với xã hội Pháp về các diễn biến chủ yếu hiện nay tại Châu Âu liên quan đến cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính nghiêm trọng mà Liên Hiệp đang trải qua.
 
Cũng về cuộc họp thượng đỉnh của Liên Hiệp Châu Âu giải cứu euro, tờ Libération khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, « các nhà lãnh đạo Châu Âu không có lựa chọn nào khác hơn là tiến đến một liên bang ».

Bài xã luận của Libération, mang tựa đề « Những nhà tái sáng lập [Liên Hiệp Châu Âu] », nhận xét : dù có ba cuộc họp thượng đỉnh như thế này cũng không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay của Châu Âu. Cho dù giới lãnh đạo các quốc gia Châu Âu có từ chối một thể chế Liên bang, trên thực tế, Liên Hiệp Châu Âu đã trở thành một liên bang.

Theo Libération, chính sự điên rồ của giới đầu cơ tài chính đã buộc Liên Hiệp Châu Âu phải liên kết chặt chẽ hơn.

Các nhà lãnh đạo Châu Âu, đứng đầu là Angela Merkel và Nicolas Sarkozy đang ở vào thời điểm, họ có thể trở thành những người đổi mới Liên Hiệp, nhưng có thể khai tử Liên Hiệp. Một Nghị viện Châu Âu đầy đủ quyền lực, theo tờ báo, là cơ sở cho một Liên Hiệp Châu Âu mới.
 
Bầu cử Tunisia : Liệu con đường tới nền dân chủ có thể đi qua ngả Hồi giáo ?

Cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến cho Tunisia đặc biệt được các báo Pháp quan tâm.

Đây là lần đầu tiên một quốc gia thành công trong làn sóng dân chủ hóa Mùa xuân Ả Rập tiến hành bầu cử.

Bài xã luận của Le Monde chạy tít : « Bầu cử Tunisia : Liệu có thể đi tới nền dân chủ qua ngả đường Hồi giáo ? ». Le Monde đánh giá, các diễn biến hiện nay trong cuộc bầu cử tại Tunisia mang lại niềm hy vọng. Mặc dầu, đảng Hồi giáo Ennahda về đầu với ước tính hơn 40% số phiếu, tuy nhiên, thể thức bầu cử hiện nay mang lại lợi thế cho nhiều thành phần thiểu số, giảm bớt ưu thế của cánh nắm phần hơn. « Phe thắng cuộc » khó có thể trở nên độc tài, vì buộc phải tiến hành tìm kiếm các liên minh, để có thể xây dựng một đa số, hầu nắm được quyền lãnh đạo.
 
Với hàng tựa « Tại Tunisia, Ennahda đòi quyền đứng đầu », Libération cho biết, người đứng đầu đảng chính trị Hồi giáo này đã giới thiệu tổng thư ký của đảng vào chức thủ tướng.

 Ông Hamadi Jebali là một nhân vật nổi tiếng về sự chừng mực. Nhà báo sử dụng thành thạo tiếng Pháp đã từng bị kết án 16 năm tù này đứng về phái cải cách trong đảng Ennahda. Tuy nhiên, bản thân chủ tịch đảng, ông Rached Ghannouchi, lại đưa ra chủ trương làm trong sạch tiếng Ả Rập và kêu gọi thảo luận về « bản sắc Ả Rập ».
 
Với tựa đề « Giới Hồi giáo [Tunisia] vừa hạ giọng, vừa khiêu khích », Le Figaro dẫn lời của lãnh đạo đảng về đầu Ennahda, lên án tiếng Pháp làm « ô nhiễm » tiếng Ả Rập, cùng lúc với tuyên bố « tất cả mọi người ai cũng có quyền sống theo đức tin riêng, trong khuôn khổ pháp luật » và cam kết không xâm phạm đến lối sống của các công dân Tunisia.

 Le Figaro cho biết thái độ của các lãnh đạo Pháp đối với tình hình hiện nay tại Tunisia. Tổng thống Nicolas Sarkozy khẳng định, người Tunisia sẽ quyết định vận mệnh của mình. Ông cũng lưu ý, toàn bộ vấn đề của phong trào dân chủ Ả Rập hiện nay là thoát ra khỏi sự đối lập sai lầm giữa hai lựa chọn, một bên là chế độ độc tài, bên kia là sự thống trị của tôn giáo.

 Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé thì lưu ý, không nên cho rằng các đảng Hồi giáo là xấu xa, bởi trong số họ có những người cực đoan, nhưng cũng có cả những người ôn hòa.
 
Trang nhất các nhật báo Pháp

Các báo Pháp hôm nay đặc biệt quan tâm đến hội nghị thượng đỉnh khu vực euro, tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế. « Kế hoạch của Châu Âu cứu đồng euro » là tựa đề trang nhất Les Echos.

 Libération thì chạy hàng tít với câu hỏi « Cú nhảy thành công hay sự hỗn loạn ».

L’Humanité cảnh báo : « Châu Âu : Hãy ngừng cuộc thảm sát lại », tờ báo nhắc đến trường hợp Hy Lạp, bị hy sinh theo các đòi hỏi của thị trường.

Trong khi đó, Le Figaro mang tới một cảnh báo khác : « Sau thượng đỉnh, Châu Âu nín thở chờ đợi sự phán quyết của thị trường ».
 
Về thời sự quốc tế, Le Monde đưa trên trang nhất hình ảnh người đứng đầu đảng Hồi giáo Ennahda, đảng về đầu trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên tại Tunisia, với hàng tựa « Làn sóng Ennahda xuyên qua các tầng lớp xã hội ». Đây sẽ là chủ đề thứ ba trong mục điểm báo của chúng tôi.
 
Tờ La Croix chú ý đến cuộc đối thoại tại Assise giữa Công giáo với các tôn giáo khác, cũng như những người không tôn giáo.