Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 26 Tháng 10 Năm 2011 |
Tác Giả: Minh Anh |
Thứ Tư, 26 Tháng 10 Năm 2011 09:33 |
Hàn Quốc: khi văn hoá phục vụ cho tham vọng thương mại
Sau khi Hollywood dùng phim ảnh để bán "Giấc mơ của Mỹ" cho toàn thế giới, nay đến phiên công nghiệp giải trí Hàn Quốc dùng nghệ thuật văn hoá để phục vụ cho các tham vọng thương mại. Nhờ vào các ngôi sao điện ảnh, ca nhạc mà Hàn Quốc thu hút thêm khách du lịch, rao bán thêm nhiều hàng hóa, sản phẩm. Một trong những trường hợp điển hình là từ vài năm nay, làng nhạc pop Hàn Quốc (K-Pop) gây được nhiều tiếng vang lớn tại Châu Á và Trung Đông và đã tạo cho đất nước này một hình ảnh khác ở nước ngoài. Hiện tượng văn hóa này đã một cơ hội cho các doanh nghiệp Hàn Quốc tìm cách thâm nhập vào các thị trường cho đến giờ vẫn được xem là « khó tính » nhất. Nếu như tại Châu Âu, hầu như không ai biết đến các ban nhạc như « Girls Generation, Super Junior hay các diễn viên Bae Yong-joon và Song Hye-kyo, thì họ là những thần tượng của giới trẻ tại Trung Quốc, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á và gần đây nhất là vài nước Trung Đông như Ouzbékistan, Thổ Nhĩ Kỳ hay Iran. Kể từ đó, doanh thu từ các đĩa CD, DVD và các trò chơi điện tử Hàn Quốc tăng đều đặn. Riêng trong năm nay, con số này đã tăng lên đến 14%, đạt 3,8 tỷ đô-la. Theo nhận định của một nhà cựu ngoại giao Hàn Quốc, nếu Hollywood kiểm soát khoảng 30% công nghiệp văn hóa thế giới, thì Hàn Quốc chiếm khoảng 5%. Les Echos cho biết, để tranh thủ cảm tình của công chúng, Hàn Quốc lấy cảm hứng từ các chương trình sản xuất âm nhạc Nhật Bản và phim truyền hình Mỹ. « Hàn lưu » đã thành công trong việc kết hợp giữa văn hóa Châu Á và phương Tây. Thường thì các nhân vật trong phim được giới thiệu với những đường nét gần như là Châu Âu nhưng lại trang phục theo mốt đời mới nhất trong khung cảnh một Séoul cực kỳ hiện đại. Trái với những cảnh bạo lực hay quá phóng đãng của phim Mỹ, phim Hàn Quốc đáp ứng được thị hiếu của công chúng ở Bắc Kinh hay ở Téhéran. Năm rồi, Hàn Quốc thu hút hơn 8,8 triệu du khách nước ngoài nhờ vào thành công của bộ phim truyền hình « Bản tình ca mùa đông » (Winter Sonata). Hàn Quốc giờ đây trở thành điểm đến đầu tiên của du khách Trung Quốc, đứng trước Hồng Kông và Ma Cao. Không những thế, văn hóa Hàn Quốc, còn thu hút lượng du học sinh đến du học trên quần đảo này ngày càng đông. Tính từ năm 2001, số du học sinh nước ngoài tăng đều đặn khoảng 27% mỗi năm. Với chiến lược tài trợ cho chương trình phát sóng các phim truyền hình Hàn Quốc trên các đài truyền hình (ví dụ như tại Việt Nam), Hàn Quốc dần dần đã đưa các thương hiệu hàng hóa của mình ra nước ngoài : từ mỹ phẩm cho đến hàng điện tử, điện thoại di động thông minh và xe hơi. Thái Lan phó mặc cho dòng nước Cũng tại Châu Á,trong khi Thái Lan vật vã đối phó với trận lũ lịch sử, Le Figaro quan tâm đến một vấn đề khác tìm ẩn trong việc chính phủ Thái Lan đối phó với nước lũ. Theo bài báo, có thể phe đối lập và một vài người chống đối chính phủ hiện nay trong quân đội có thể sẽ lợi dụng những sai lầm của bà Yingluck để hạ uy tín và tìm cách soán ngôi thủ tướng trong tương lai. Le Figaro cho biết, sở dĩ bà Yingluck chậm trễ trong việc đưa ra các biện pháp là do sự thiếu kết hợp chặt chẽ trong nội bộ chính phủ và hiện tượng chồng chéo quyền lực khi bà phải kết hợp với cố vấn hoàng gia. Bà phải chấp nhận những kinh nghiệm – bản thân nó cũng khá là kỳ cục- do hoàng gia đưa ra như việc cử hàng ngàn chiếc thuyền đi ngược dòng sông Chao Phraya, chảy lượn lờ qua Bangkok, với hy vọng là có thể dùng động cơ để đẩy nước ra biển. Dưới áp lực của quân đội, Thái Lan đã từ chối sự giúp đỡ của Mỹ vì không muốn người ngoài nhúng mũi vào chuyện nhà mình. Và khó khăn cuối cùng của bà Yingluck chính là việc không ai tuân theo lệnh của bà. Khi bà ra lệnh mở âu chặn nước ở Bangkok thì bà đã nhận được câu trả lời khác xa với thực tế. Âu không hề được mở theo như lệnh của bà. Theo như nhận định của một người thân cận của bà Yingluck « [ …] vấn đề ở đây là tìm cách gạt bỏ đối thủ, bất chấp lợi ích của quốc gia ». Những người ủng hộ bà e ngại rằng những kẻ chống đối chính phủ hiện nay và phe đối lập muốn nhân trận lũ này để hạ uy tín của bà và tìm cách soán ngôi bà trong nay mai. Nhật báo kinh tế Les Echos đưa tít « Euro : Cuộc họp thượng đỉnh cho vận may cuối cùng ». Bài báo cho rằng « các nhà lãnh đạo khối đồng tiền chung Châu Âu không được quyền thất bại ». Kết quả của hội nghị lần này có tính sống còn bởi vì sự ổn định của thị trường lệ thuộc sự thành công của cuộc họp. « Tương lai của Châu Âu hôm nay nằm tại Bruxelles » là hàng tít trên trang nhất báo Le Figaro. Bài báo cho rằng, các nhà lãnh đạo Châu Âu buộc phải thông qua một kế hoạch cứu trợ cho khu vực đồng euro. Ngoài những bất đồng trong việc đưa ra các biện pháp để cứu trợ các nước bên bờ phá sản, khủng hoảng lần này còn lộ rõ những bất đồng trong lòng liên hiệp Châu Âu và khối đồng tiền chung. Theo tác giả bài viết, cuộc họp thượng đỉnh hôm chủ nhật vừa qua đã phơi bày cho thấy tầm quan trọng của sự bất bình. Kể từ khi bùng nổ khủng hoảng hồi mùa hè này, Liên hiệp Châu Âu bị giằng co giữa những nước trong khối đồng tiền chung euro và những nước chưa tham gia hay sẽ không bao giờ tham gia, mà đứng đầu danh sách là Anh quốc. Tại Anh, David Cameron còn phải đối đầu trước sự chống đối của các nghị sĩ thuộc phe Bảo thủ những người hoài nghi nhất về Châu Âu. Trong khi đó, các nước muốn tham gia vào khối euro, đứng đầu là Ba Lan phải dời dự án kết nạp vào ngày nào khác. Riêng một mình khối 17 nước trong khu vực đồng euro, do Pháp và Đức dẫn đầu, đã chiếm một nửa số phiếu trong Hội đồng Bộ trưởng các nước. Do lúc nào cũng đoàn kết, nên họ lúc nào cũng trong vị thế điều hành Liên hiệp Châu Âu và có thể đưa ra những quyết định, đặc biệt liên quan đến các quy định về tài chính mà không sợ phải đi vòng qua nước Anh.
|