Home Tin Tức Thời Sự Thế giới sẽ có nhiều thay đổi quan trọng thế kỷ này

Thế giới sẽ có nhiều thay đổi quan trọng thế kỷ này PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Hai, 24 Tháng 10 Năm 2011 17:52

Những cuộc xung đột vì thiếu hụt nước có thể sẽ diễn ra như chiến tranh giai cấp.

(LiveScience.com) - Ðề cập tới sự tiến hóa, loài người được coi như cực kỳ thành công.

Dân số loài người chỉ cần 120,000 năm để đạt tới một tỉ thành viên đầu tiên, và rồi chỉ cần 206 năm để tăng thêm 6 tỉ nữa.

Theo ban dân số của Liên Hiệp Quốc, dân số chúng ta sẽ lên tới 7 tỉ vào ngày 31 Tháng Mười, và mặc dù nhịp độ sinh sản đã khởi sự sụt giảm trên hầu hết trái đất, theo dự trù chúng ta vẫn đạt tới 9 tỉ vào giữa thế kỷ và xấp xỉ khoảng 10 tỉ vào năm 2100.
  

 Những tòa nhà cao tại khu đất chật hẹp Hong Kong cho thấy tình trạng quá đông cư tại cựu thuộc địa của Anh ở Trung Quốc. (Hình: Mike Clarke/AFP/Getty Images)

Một ủy ban các học giả đã gặp gỡ tại Viện Trái Ðất (Earth Institute) của Ðại Học Columbia hôm Thứ Hai (17 Tháng Mười) để thảo luận những hậu quả của sự bùng nổ dân số loài người, kể cả các chiều hướng nó sẽ thay đổi bộ mặt của Trái Ðất vào thế kỷ này. Sau đây là năm thay đổi nổi bật mà bạn - hay con hoặc cháu của bạn - có thể sẽ chứng kiến.
 
Dân số biến chuyển
 
Hiện nay, ai cũng biết rằng Trung Quốc là nước đông dân nhất trên thế giới, và rằng Phi Châu, mặc dù đầy rẫy những vấn nạn, không nhất thiết quá đông đúc khi xét về diện tích của nó. Những sự kiện này sẽ thay đổi đáng kể.

Chính sách một con của Trung Quốc đã kềm hãm sự gia tăng dân số, trong khi tại vài nước Phi Châu, đàn bà trung bình đẻ hơn 7 người con.
 
Theo ông Joel Cohen, một nhà sinh vật học về dân số tại Ðại Học Columbia và là diễn giả chính tại hội nghị hôm Thứ Hai, dân số Ấn Ðộ sẽ qua mặt dân số Trung Quốc khoảng năm 2020, và dân số của Phi Châu tiểu sa mạc Sahara sẽ chiếm chỗ của Ấn Ðộ vào năm 2040.
 
Ông Jean-Marie Guehenno, cựu phó tổng thư ký LHQ phụ trách các hoạt động duy trì hòa bình, nói sự di trú của người dân từ Phi Châu tới Âu Châu sẽ là một thách đố lớn trong tương lai gần.

 Trên quan điểm của người Âu Châu, người ta có thể nhìn vào đó như một tiềm năng khổng lồ, hay coi đó như một mối đe dọa khi Phi Châu là một lục địa mà 15% dân chúng không được đi học.
 
Ðô thị hóa
 
Trên toàn cầu, số người sinh sống trong những vùng đô thị ngang bằng và rồi vượt quá con số những người dân nông thôn trong hai năm qua.

Chiều hướng này sẽ tiếp tục. Theo ông Cohen, con số những người sống trong các thành phố sẽ từ 3.5 tỉ ngày nay tăng lên tới 6.3 tỉ vào năm 2050.

Nhịp độ đô thị hóa này tương đương với việc xây dựng từ bây giờ, cứ năm ngày một thành phố gồm một triệu người, cho 40 năm tới, ông Cohen nói.
 
Dĩ nghiên, các thành phố mới không được xây dựng; thay vào đó, các thành phố hiện hữu có chiều hướng phình lên.

 Ông Guehenno cho rằng những thành phố siêu lớn đó trở nên hỗn loạn. “Sự đô thị hóa sẽ thay đổi lớn lao bộ mặt của sự xung đột.

Khi bạn sống trong những thành phố nhỏ và những vùng nông thôn, có đủ loại cơ chế giải quyết xung đột có tính cách truyền thống. Không phải chúng đều dễ chịu, nhưng chúng tạo ra một loại cân bằng ổn định,” ông nói. “Với những thành phố khổng lồ mà bạn hiện giờ thấy ở Phi Châu, chẳng hạn như Monrovia (Liberia) và Kinshasa (Cộng Hòa Congo), chúng ta thấy những thành phố mà các động lực không còn nằm dưới sự kiểm soát hay đã bị mất.

 Chúng ta tiến tới những loại xung đột mới - các xung đột đô thị - và những hậu quả hiện giờ không thể hình dung được.”
 
Những cuộc chiến tranh vì nguồn nước
 
Không những dân số loài người bùng nổ trong hai thế kỷ vừa qua, sự tiêu thụ các tài nguyên tính theo đầu người - nhất là tại các nước kỹ nghệ hóa - đã gia tăng gấp bội. Các khoa học gia nghĩ rằng những thiếu hụt tài nguyên sẽ làm leo thang những cuộc xung đột trong thế kỷ này, và sẽ mở rộng khoảng cách giàu và nghèo - những người có và những người không có.
 
Không có tài nguyên nào quý giá và thiết yếu hơn nước, và theo kinh tế gia Jeffrey Sachs, giám đốc của Viện Trái Ðất tại Columbia, đã có nhiều nơi trên thế giới, vì khí hậu đang thay đổi nhanh chóng, đang ở trong tình trạng khủng hoảng trầm trọng.
 
Những cuộc xung đột vì thiếu hụt nước có thể sẽ diễn ra như chiến tranh giai cấp.

 Sự bất bình đẳng về tài sản có khuynh hướng gia tăng khi dân số một nước gia tăng, và đây là một điểm rất quan trọng cần phải lưu ý, bởi vì sự tiêu thụ các tài nguyên theo đầu người đã gia tăng một cách đáng kể.
 
Khi dân số gia tăng, lượng nước cung cấp cho mỗi người sẽ ít hơn. Trong khi đó, khoảng cách giữa giàu và nghèo rộng thêm, và người giàu đòi hỏi thêm tài nguyên để phục vụ lối sống của họ. Không sao tránh khỏi, họ sẽ chiếm nước và các tài nguyên khác của người nghèo.

 Ðiều này có thể sẽ đưa tới những thách đố, và có thể là chiến tranh giai cấp.
 
Năng lượng tương lai
 
Hiện giờ, không có đủ năng lượng được lấy từ các nguồn nhiên liệu mỏ để cung cấp cho 10 tỉ người. Ðiều này có nghĩa con người sẽ phải quay sang một nguồn năng lượng mới trước cuối thế kỷ. Tuy nhiên, nguồn năng lượng mới là gì vẫn là một bí mật.
 
Hiện giờ, kỹ thuật hầu như chưa sẵn sàng để giải quyết vấn đề năng lượng. Chúng ta biết có dồi dào năng lượng trong mặt trời, hạt nhân, than.

Nhưng không có kỹ thuật nào hầu như sẵn sàng. Năng lượng mặt trời có những vấn nạn của nó và vẫn còn quá đắt.
 
Tóm lại, tương lai sẽ rơi vào một trong hai trường hợp: Hoặc một hình thức năng lượng mới, vượt trội (chẳng hạn như các tấm mặt trời có hiệu suất cao) sẽ trở nên phổ biến, hoặc nhân loại sẽ đứng trước một cuộc khủng hoảng năng lượng lớn.
 
Những vụ tuyệt chủng hàng loạt
 
Khi con người lan tràn, chúng ta để lại ít không gian và các tài nguyên cho các chủng loại khác.
 
Ngoài tình trạng thiếu đất đai và các tài nguyên còn lại cho các chủng loại khác, chúng ta cũng gây ra những thay đổi nhanh chóng cho khí hậu toàn cầu, với nhiều chủng loại không thể thích ứng.

Vài nhà sinh vật học tin rằng với nhịp độ tuyệt chủng hiện nay, 75% chủng loại trên trái đất sẽ biến mất trong vòng 300 đến 2,000 năm tới.

Những vụ tuyệt chủng này đã bắt đầu rồi, và sẽ càng ngày càng trở nên thông thường trong thế kỷ này. (n.n.)