Home Tin Tức Thời Sự Chuyện nực cười ngành xe hơi Mỹ

Chuyện nực cười ngành xe hơi Mỹ PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Chúa Nhật, 23 Tháng 10 Năm 2011 19:26

Mượn tiền chính phủ, nhưng sản xuất xe ở Phần Lan

 Một chuyện rất nực cười đối với ngành xe hơi và người tiêu thụ xe hơi tại Mỹ vừa được khám phá, và được đài truyền hình ABC làm một phóng sự dài, đó là công ty sản xuất xe hơi chạy bằng điện Fisker, có trụ sở tại Anaheim, California, được chính phủ cho vay $529 triệu, nhưng lại sản xuất loại xe hơi này tại Phần Lan, bên ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ.
 


Chiếc xe hơi mẫu Fisker Karma tại một cuộc triển lãm ở Geneva, Thụy Sĩ. (Hình: Fabrice Coffrini/AFP/Getty Images)
 
Lý do, theo công ty cho biết, là họ không tìm ra được xưởng sản xuất nào tại Mỹ đủ khả năng chế tạo loại xe thể thao chạy bằng điện hiệu Fisker Karma.
 
“Không có nhà sản xuất nào tại Mỹ có thể thực sự chế tạo loại xe của chúng tôi,” ông Henrik Fisker, sáng lập viên công ty, nói với đài ABC. “Không có xưởng sản xuất loại xe này ở đây.”
 
Ông Henrik Fisker cũng cho biết, tiền của chính phủ Mỹ cho vay được chi tiêu cho thiết kế và vẽ kiểu xe ở Mỹ, nhưng 500 việc làm sản xuất thì lại được giao cho công ty Valmet Automotive ở Phần Lan.
 
“Chúng tôi đang kinh doanh tốt, và chúng tôi đưa ra quyết định đúng cho công ty,” ông Fisker nói. “Ðó là lý do tại sao chúng tôi chuyển sang Phần Lan.”
 
Khoản cho vay có bảo đảm này do chính quyền Tổng Thống Barack Obama chuẩn thuận, với sự vận động của Phó Tổng Thống Joe Biden. Ông Biden lúc đó nói rằng doanh nghiệp sản xuất xe hơi chạy bằng điện của công ty Fisker là một “con đường mới mở ra hàng ngàn việc làm cho người Mỹ.”
 
Số tiền này là một phần trong ngân khoản $1 tỉ mà Bộ Năng Lượng chuyển giao cho các công ty sản xuất xe hơi thể thao chạy bằng điện tại California.
 
Công ty Fisker Automotive, với sự ủng hộ của một công ty quản trị vốn mà người hợp tác bao gồm cựu Phó Tổng Thống Al Gore, ban đầu dự trù sẽ sản xuất chừng 10,000 chiếc xe hơi thể thao chạy bằng điện tại một xưởng mà họ mua lại của công ty GM ở tiểu bang Delaware.
 

Bên trong một chiếc Fisker Karma loại chạy bằng xăng và điện. (Hình: Karen Bleier/AFP/Getty Images)

Một công ty khác, Tesla Motors, được sự ủng hộ của nhà tài phiệt Elon Musk của PayPal và hai ông Larry Page và Sergey Brin, đồng sáng lập Google, cũng nói họ sẽ tạo ra việc làm tại Silicon Valley.
 
Ðiều tra của đài ABC và Center for Public Integrity phát hình trên chương trình “Good Morning America,” khám phá ra rằng quyết định của Bộ Năng Lượng trong việc cho vay tiền không có lợi cho thị trường việc làm của Mỹ, làm nhiều quan sát viên và giới chức kiểm toán chính phủ Mỹ chú ý.

Những người này cũng bắt đầu thắc mắc số tiền hàng tỉ đô la cho các công ty chế tạo xe hơi tiết kiệm năng lượng có vấn đề gì không.
 
Hiện nay, công ty Fisker bị trễ hơn một năm theo dự trù trình làng chiếc xe hơi hạng sang trị giá $97,000/chiếc, dù được Bộ Năng Lượng cho vay tiền.
 
Dù hứa hẹn nhiều, công ty chỉ mới chỉ sản xuất được 40 chiếc xe và bán được 2 chiếc, trong đó có một chiếc bán cho ngôi sao điện ảnh Leonardo DiCaprio.
 
Còn công ty Tesla quý nào cũng bị lỗ, và trong khi mục tiêu của chính quyền liên bang là giúp công ty sản xuất loại xe mới với giá $57,000/chiếc, Tesla lại không có kinh nghiệm thực hiện thương vụ này.
 
Hiện có nhiều cuộc thanh tra đối với Bộ Năng Lượng trong việc cho các hãng sản xuất sản phẩm có lợi cho môi trường vay hàng tỉ đô la tiền thuế của người dân.
 
Sự việc xảy ra sau khi công ty chế tạo thiết bị sản xuất năng lượng mặt trời Solyndra ở tiểu bang California bị phá sản cho dù được chính quyền liên bang cho vay $535 triệu.
 
Solyndra sau đó bị FBI khám xét và điều tra tại sao Bộ Năng Lượng lại cho công ty vay số tiền lớn như vậy.
 
Các chuyên gia và thanh tra đang thắc mắc liệu đây có phải là một dấu hiệu của một vụ tương tự như Solyndra hay không.
 
Qua phỏng vấn, giới điều hành hai công ty Tesla và Fisker nói so sánh họ với Solyndra là không đúng.

 Mỗi công ty nói rằng sự trợ giúp của chính quyền cuối cùng sẽ được trả lại sau khi họ tung ra thị trường hàng loạt xe hơi chạy bằng điện giúp Hoa Kỳ không phải lệ thuộc vào năng lượng của nước ngoài và làm lợi cho môi trường.
 

 Fisker Automotive giới thiệu loại xe chạy bằng xăng và điện tại Detroit, Michigan. (Hình: Geoff Robins/AFP/Getty Images)
 
“Quyết định cho vay tiền cho thấy lợi nhiều hơn hại,” ông Diarmuid O'Connell, phó chủ tịch công ty Tesla, nói. “Tôi hoàn toàn tin rằng sự trợ giúp này là một đầu tư tốt đối với người Mỹ đóng thuế.” Công ty Tesla nói rằng sự sản xuất xe hơi hàng loạt của họ cuối cùng sẽ mang lại lợi nhuận.
 
 Trong khi đó, ông Henrik Fisker nói công ty vẫn giữ đúng lời hứa và đã nhận được thêm $600 triệu của giới đầu tư.
 
Khi được đài ABC hỏi người dân đóng thuế có nên lo lắng không, vì có tới hơn $500 triệu đang được sử dụng, ông Kisker nói bằng một giọng dứt khoát rằng: “Không, tôi nghĩ người dân không nên lo lắng về vấn đề này.”
 
Và khi được hỏi liệu Kisker có bị phá sản giống như Solyndra không, ông Fisker nói: “Hoàn toàn không.” (Ð.D.)