Home Tin Tức Thời Sự Liên Hiệp Quốc yêu cầu lãnh đạo Yemen từ chức

Liên Hiệp Quốc yêu cầu lãnh đạo Yemen từ chức PDF Print E-mail
Tác Giả: Tú Anh   
Chúa Nhật, 23 Tháng 10 Năm 2011 19:13

''Nghiêm khắc lên án các hành vi chà đạp nhân quyền liên tục của chính phủ Yemen '' 


Dân Yemen biểu tình đòi chấm dứt chế độ Saleh 14/10/2011 (REUTERS)

Vào lúc dân chúng Libya chào mừng ngày giải phóng sau khi sống trong vòng 42 năm dưới một chế độ độc tài  chuyên chế, tại New York, toàn thể 15 thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết lên án chế độ đàn áp tại Yemen và yêu cầu Tổng thống Saleh ra đi.

 Theo AFP, hôm qua 21/10/2011, tại New York, toàn thể 15 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc « nghiêm khắc lên án các hành vi chà đạp nhân quyền liên tục của chính phủ Yemen , sử dụng vũ lực tấn công người biểu tình ôn hòa ».
 
Nghị quyết, do các cường quốc Tây phương Anh Pháp Mỹ Đức bảo trợ, kêu gọi chính quyền Yemen chấm dứt sử dụng bạo lực sát hại thường dân và khuyến khích tổng thống Saleh chấp thuận sáng kiến của Hội Đồng các quốc gia vùng Vịnh : từ bỏ quyền lực đánh đổi an ninh cho bản thân và gia đình.
 
Theo sáng kiến này Tổng thống Saleh có 30 ngày để chuyển giao quyền lực tính từ ngày đặt bút ký. Đã ba lần ông hứa hẹn và cả ba lần ông từ chối sau đó.
 
Trong bối cảnh Mùa Xuân Ả Rập, cuộc nổi dậy của người dân Yemen bắt đầu từ 8 tháng qua chống chế độ toàn trị từ 33 năm nay của tổng thống Saleh đã bị đàn áp không nương tay với 861 người chết và 25.000 người bị thương tính đến ngày hôm qua.
 
Paris kêu gọi tổng thống Yemen « lắng nghe tiếng nói của cộng đồng quốc tế » trong khi Washington thúc giục chính quyền Yemen phải « chuyển giao quyền lực ngay tức khắc ». Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc không làm hài lòng nhân vật biểu tượng của phe đối lập.
 
Có mặt bên ngoài nghị trường, giải Nobel hòa bình 2011, cô Tawakkol Karman, phản đối điều kiện « bảo toàn an ninh » cho Tổng thống Saleh. Nhà tranh đấu này cũng như nhiều hiệp hội nhân quyền muốn Liên Hiệp Quốc phải bắt nhà độc tài Yemen trao cho tòa án hình sự quốc tế La Haye.
 
Theo AFP, sau khi hỗ trợ cho phong trào phản kháng tại Libya lật đổ chế độ Kadhafi, tây phương tập trung sức ép vào các chế độ độc tài còn lại như Yemen và Syria