Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 21Tháng 10 Năm 2011 |
Tác Giả: Thanh Hà |
Thứ Sáu, 21 Tháng 10 Năm 2011 10:03 |
Hồi kết của Kadhafi và tác động đối với phong trào Mùa xuân Ả Rập
« Hồi kết của một tên bạo chúa, của một nhà độc tài » hay chỉ ngắn gọn là « Kadhafi, hồi kết » : báo chí Pháp nhất loạt dùng nhóm từ trên để nói về cái chết của cựu lãnh đạo Libya. Hầu hết các tờ báo lớn của Paris trong ngày đều dành rất nhiều trang về những năm tháng Kadhafi và về Libya trong giai đoạn sắp tới. Xã luận của báo Le Figaro nhấn mạnh đến : « Một nước Libya mới và một thế giới Ả Rập cần được tái thiết ». Dưới ngòi bút của nhà báo Pierre Rousselin, Le Figaro ghi nhận : Cái chết của Kadhafi là một thời điểm lịch sử đối với Libya và hơn thế nữa là đối với phong trào nổi dậy chống lại các chế độ độ tài trong thế giới Ả Rập (…) Cái chết của ông Kadhafi mở ra một trang sử mới cho một đất nước Libya tự do và dân chủ. Nhưng sự kiện này không giải quyết được tất cả. Kể từ nay Hội đồng Quốc gia Lâm thời (CNT) nắm lấy vận mệnh đất nước trong tay. Còn đối với phương Tây, danh sách những việc làm sai trái của ông dài không kể xiết : Kadhafi là một tay khủng bố với các vụ nổ máy bay trên bầu trời Lockerbie (1988) làm 270 người chết và một năm sau đó là vụ khủng bố nhắm vào chiếc máy bay D-10 của tập đoàn hàng không UTA (170 hành khách và phi hành đoàn tử nạn) hay vụ bắt giữ 7 cô y tá người Bulgaria …. Các vụ sát hại người Thiên chúa giáo tại Ai Cập, sự bành trướng của phe Hồi giáo cực đoan trong cuộc tuyển cử vào Chủ nhật sắp tới tại Tunisia, các đợt đàn áp đẫm máu tại Syria không phải là những tín hiệu tốt. Người dân Libya giờ đây đã được giải phóng khỏi ách Kadhafi, họ đang bước lên tiền tuyến của phòng trao nổi dậy tại các nước Ả Rập. Nhìn sang Yemen thì Tổng thống Ali Saleh đang bị suy yếu thấy rõ. Tờ báo điểm lại cuộc nội chiến đã kéo dài 8 tháng, chiến dịch quân sự dưới sự yểm trợ của NATO và khoảng từ 8.000 đến 12.000 người thiệt mạng. Đó là cái giá phải trả để Libya được giải phóng khỏi chế độ Kadhafi. Libération thiên tả cũng nhắc tới ông Sarkozy nhưng dưới khía cạnh khác : cũng chính ông Kadhafi cách nay mới chỉ bốn năm từng là khách quý của Tổng thống Sarkozy tại điện Elysée. Khi đó lãnh đạo Libya từng được đón tiếp như một vị nguyên thủ quốc gia đáng được trọng nể, và một khách hàng ngành công nghiệp Pháp cần phải chiều chuộng. Libération khẳng định : « Không một ai, đứng đầu là Anh và Pháp muốn ông Mouammar Kadhafi được đem ra trước một tòa án quốc tế hay thậm chí là một tòa án Libya và cũng không ai muốn phơi bày ra những mối quan hệ phức tạp trải dài trong 40 năm giữa ông Kadhafi với các lãnh đạo của phương Tây ». Độc giả của Libération tiếc là tờ báo không nói rõ về liên hệ rắc rối đó. Lại cũng phương Tây đã bán vũ khí và trang thiết bị quân sự tối tân để Tripoli truy bắt các nhà đối lập. Thậm chí ông còn tự cho phép mình đứng ngang hàng với những đấng thiêng liêng như Moise, Chúa Giê-Su và nhà tiên tri Mahomet ! Ông từng ôm ấp giấc mộng sáng lập ra « Liên bang Thống nhất Châu Phi » đó sẽ là một đất nước riêng biệt với một đơn vị tiền tệ riêng biệt, một đội quân và một vị tổng thống riêng biệt. Với Thủ tướng Ý, Berlusconi chẳng hạn Kadhafi đã đồng ý để cho tập đoàn dầu khí ENI vào khai thác. Đổi lại Ý đã chấp nhận xây dựng cả một hệ thống xa lộ dài 1.200 km cho Libya bọc quanh bờ biển. Lại cũng lãnh tụ Libya đã đòi bằng được Pháp và Mỹ bán tên lửa cho Tripoli với lý do để giúp Libya ngăn chặn làn sóng di dân bất hợp pháp từ châu Phi tràn sang châu Âu. Thời sự Libya đã đẩy lui cuộc tuyển cử được coi là lịch sử sắp diễn ra vào ngày chủ nhật 23/10/11 tại Tunisia. Nhưng các báo Pháp cũng dành nhiều trang để nói về một đất nước vừa được giải phóng khỏi ách của một nhà độc tài khác là ông Ben Ali. Libération lo ngại « Đảng Hồi giáo cực đoan có triển vọng thắng lớn » trong cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến tại Tunisia lần này. Le Figaro thì nói tới cuộc Cách mạng Hoa Lài đang trở thành nạn nhân của Internet. Nhiều người coi đây là phương tiện để phát tán những thông tin « bậy bạ », những lời thóa mạ nhắm vào các đối thủ chính trị trước cuộc bầu cử. Le Monde chú ý đến « Vai trò của các nhà viết blog trong giao đoạn chuyển tiếp đầy bất trắc ». Nhật báo kinh tế Les Echos thì chú trọng đến « Những mối hoài nghi và lo âu của giới trẻ tại Tunisiatrước cuộc bầu cử tự do đầu tiên trong thời kỳ hậu Ben Ali ». |