Home Tin Tức Thời Sự Kinh tế VN 'khó khăn nhất trong 20 năm'

Kinh tế VN 'khó khăn nhất trong 20 năm' PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Năm, 20 Tháng 10 Năm 2011 11:35

Lạm phát ở Việt Nam hiện nay thuộc vào hàng cao nhất ở Châu Á.

Kinh tế Việt Nam đang trong tình trạng khốn đốn nhất trong nhiều năm trở lại đây.


Quốc hội khóa 13 đã khai mạc kỳ họp thứ hai vào hôm thứ Năm ngày 20/10 ba tháng sau kỳ họp đầu tiên bầu lãnh đạo và nội các mới.

Kỳ họp này tập trung bàn các vấn đề kinh tế xã hội để tìm cách cứu nền kinh tế Việt Nam đang trong tình trạng khốn đốn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bản báo cáo dài trước Quốc hội về tình hình đất nước trong năm 2011 và kế hoạch hành động trong năm tới.

Theo đó chỉ tiêu độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay được điều chỉnh xuống còn 6%, thay vì trong khoảng từ 7 đến 7,5% như chỉ tiêu trước đó.

Điểm lại tình hình kinh tế đất nước trong 9 tháng đầu năm, Thủ tướng Dũng cho biết kinh tế vĩ mô chưa ổn định, lạm phát và lãi suất cao, nợ xấu của ngân hàng tăng, dự trữ ngoại tệ thấp, áp lực phá giá tiền đồng còn lớn; chứng khoán và bất động sản đều đi xuống trong khi tình hình sản xuất, kinh doanh còn rất khó khăn.

‘Nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô trở thành thách thức lớn,” ông phát biểu.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Dũng, bên cạnh những tác động của cuộc suy thoái kinh tế thế giới, là ‘những yếu kém nội tại của nền kinh tế’ với mô hình và cơ cấu kém hiệu quả tích tụ từ nhiều năm mà không được khắc phục.

Đây cũng là kết luận của Hội nghị Trung ương lần thứ Ba của Đảng cộng sản Việt Nam diễn ra mới đây.

Ông cũng lưu ý là vẫn đang tiềm ẩn những ‘nhân tố đe dọa chủ quyền quốc gia’ và ‘gây mất an ninh trật tự’.

Thủ tướng Dũng cũng điểm qua một số điểm son trong thời gian qua, đó là chỉ số giá tiêu dùng đang giảm dần và ước tính cả năm tăng khoảng 18%, bội chi ngân sách chỉ còn chưa tới 5% tổng sản phẩm quốc nội, nhập siêu giảm mạnh và ước cả năm chỉ vào khoảng 10 tỷ đô la.

Chính phủ đã cắt giảm được trên 80.000 tỷ đồng đầu tư công và nợ công đến cuối năm 2011 được dự đoán vào khoảng 55% tổng sản phẩm quốc nội.

Chỉ tiêu năm 2012


Chính phủ vẫn phải tiếp tục chống chọi với lạm phát trong năm 2012.


Mục tiêu quan trọng nhất của chính phủ trong năm 2012 vẫn sẽ là ‘kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô’, Thủ tướng Dũng nói với các đại biểu Quốc hội.

Theo đó, chính phủ sẽ cố gắng kiềm chế lạm phát trong năm 2012 dưới 10% và đặt chỉ tiêu tăng trưởng vào khoảng từ 6 đến 6,5%.

Trong kế hoạch năm năm tới, Thủ tướng Dũng cho biết chính phủ ‘kiên quyết thực hiện thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần chi phối’.

Các doanh nghiệp Nhà nước đã được Chính phủ Việt Nam xây dựng trong thời gian dài để nắm vị trí chủ đạo trong nền kinh tế quốc gia.

Chính phủ cũng ‘kiên quyết duy trì đất trồng lúa theo quy hoạch’ trong khi sẽ ’sửa đổi Luật Đất đai’ để ‘đảm bảo quyền của Nhà nước trong việc thu hồi đất cho mục đích phát triển’.

Trong những năm qua, nhiều diện tích đất trồng lúa của Việt Nam đã được chuyển đổi cho các mục đích nông nghiệp và xây dựng các khu đô thị, gây ra những lo ngại về an ninh lương thực.

Mất đất mà không được đền bù thỏa đáng là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ khiếu kiện đông người dai dẳng ở Việt Nam trong thời gian gần đây.

Hôm 30/9, tờ Thời báo kinh tế Việt Nam dẫn lời nhà kinh tế kỳ cựu Lê Đăng Doanh, nguyên cố vấn kinh tế của chính phủ, rằng kinh tế Việt Nam đang trong tình hình tồi tệ nhất trong vòng 20 năm qua.

Lạm phát ở Việt Nam hiện nay thuộc vào hàng cao nhất ở Châu Á. Chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 23% vào tháng Tám, và giảm một chút chỉ còn tăng 22,4% trong tháng Chín, theo số liệu của văn phòng thống kê chính phủ.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phá giá tiền đồng đến 8,5% hồi đầu năm. Đây là lần phá giá tiền đồng sâu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm Châu Á hồi năm 1997.

Ngân hàng phát triển Châu Á ước tính dự trữ ngoại tệ của Việt Nam vào cuối năm ngoái là 12,4 tỷ đô la. Hồi tháng Bảy, Chính phủ Việt Nam cho biết dự trữ này đã tăng thêm khoảng 4 tỷ đô la.

Thẩm tra báo cáo của chính phủ, ông Nguyễn Văn Giàu, chủ tịch Ủy ban kinh tế của Quốc hội, yêu cầu chính phủ phải hết sức thận trọng với nợ công và xây dựng phương án giảm nợ từ năm 2016.

Theo báo cáo của chính phủ, thì nợ công của Việt Nam đến năm 2015 sẽ đạt mức trong khoảng từ 60 đến 65% tổng sản phẩm quốc nội, vượt ngưỡng an toàn theo quy định của Quỹ tiền tệ quốc tế.

Nguyên là thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Nguyễn Văn Giàu là một thành viên chủ chốt trong nội các kinh tế của ông Dũng.

Bây giờ trong vai trò chủ tịch Ủy ban kinh tế của Quốc hội, ông Giàu thẩm tra những kết quả điều hành nền kinh tế của chính phủ mà ông đã từng đóng vai trò quan trọng trong đó.

Nguyên nhân nội tạiTrao đổi với BBC, GS Hà Huy Thành, viện phó Viện kinh tế học thuộc Trung tâm khoa học xã hội và nhân vân quốc gia, cho biết các ‘nguyên nhân nội tại’ là đóng vai trò chủ yếu dẫn đến tình hình của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Ông nói kinh tế Việt Nam đã sử dụng gần hết những thế mạnh của mình chẳng hạn như tài nguyên thiên nhiên và lao động rẻ.

‘Xăng dầu, than và các khoáng sản chỉ vài chục năm nữa là cạn kiệt,’ ông nói, ‘trong khi các mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác như nông sản, thủy hải sản có tốc độ tăng trưởng không cao.’

Trong khi đó, muốn có sự đột phá thì nền kinh tế Việt Nam phải có lao động công nghệ và lao động kỹ thuật tiên tiến chứ không phải lao động giá rẻ như hiện nay.

Do đó, nguy cơ tiềm ẩn lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, theo GS Thành, là chưa có ‘xung lực’ mới để giúp Việt Nam bứt phá tốc độ tăng trưởng.

‘Chúng ta sản xuất, tiêu thụ và cạnh tranh với nước ngoài ngày càng khó khăn hơn,’ ông nói, nhấn mạnh những ‘xung lực’ giúp thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam trong nhiều năm như đầu tư nước ngoài và xuất khẩu đều chựng lại.

Ông cho biết các chỉ tiêu lạm phát và tăng trưởng mà chính phủ đặt ra cho năm 2012 là có khả năng đạt được khi mà những chính sách điều chỉnh nền kinh tế vĩ mô của chính phủ bắt đầu phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, ông cũng nói là những chỉ tiêu này được xây dựng dựa trên những yếu tố tích cực, còn những yếu tố tiêu cực thì không lường hết được và có khả năng tác động xấu đến việc đạt được những chỉ tiêu này, chẳng hạn như tình hình kinh tế thế giới diễn biến xấu đi.

‘Chính phủ Việt Nam đã khôn hơn trong xử lý khủng hoảng sơ với hồi năm 2008,” ông nói, đề cập đến các giải pháp mạnh tay của chính phủ trong việc điều hành nền kinh tế.