“Xóa đói giảm nghèo” được hô hào là “bản chất của chế độ.”
VIỆT NAM (TH) - Kết quả điều tra của công ty chứng khoán UFJ Mitsubishi Nhật Bản vừa công bố cho biết, người giàu Việt Nam tăng nhanh cùng với Ấn Ðộ và Indonesia.
Một trong những “công trình tham nhũng cỡ bự” của cán bộ lãnh đạo Vinashin. (Hình: Internet)
Theo phúc trình của công ty này được báo Pháp Luật Sài Gòn ra ngày 18 tháng 10 trích dẫn, số người giàu ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2010 là 3.3 triệu người, tăng 9.7% so với một năm trước đó.
Tổng tài sản của người giàu khu vực này là 1.08 tỉ đô, tăng 12.1%; cao hơn Liên Âu, chỉ thấp hơn Bắc Mỹ đạt 1.16 tỉ đô. Cũng theo công ty chứng khoán UFJ Mitsubishi Nhật Bản, người giàu là người có khả năng đầu tư trên 10 triệu đô, không tính bất động sản mà họ đang sở hữu. Theo báo Pháp Luật, phúc trình khác của công ty tài chính Merrill Lynch cho biết Việt Nam là một trong 8 thị trường khu vực Châu Á-Thái Bình Dương có tên trong danh sách 20 thị trường phát triển nhanh nhất thế giới tính theo dân số có lợi tức cao.
Các thị trường phát triển của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương khác bên cạnh Việt Nam là Ấn Ðộ, Hong Kong, Sri Lanka, Indonesia, Singapore... Tuy nhiên, dư luận trong nước tỏ ra không vui trước tin này vì số gia đình nghèo còn nhiều và khoảng cách giàu-nghèo ở Việt Nam hiện nay còn quá lớn. Theo báo Tuổi Trẻ, phúc trình công bố tại cuộc hội thảo về nông nghiệp Việt Nam cuối tháng 12 năm rồi cho thấy khoảng cách giàu-nghèo ở Việt Nam là 6.4 lần.
Số gia đình nghèo chiếm khoảng 10%, theo con số thống kê chưa đầy đủ, với mức lợi tức chừng 120 đô/năm. Một tỉ lệ đáng chú ý khác cũng được công bố là 70-80% dân số Việt Nam có lợi tức chưa tới 200 đô/năm. Tại cuộc hội thảo này, ông viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long đã lên tiếng báo động về số lượng nông dân nghèo ngày càng đông và càng nghèo vì chi tiêu gia đình tăng, chi phí sản xuất cao và sự màu mỡ của đất đai giảm dần. Người ta còn được biết thêm tại Việt Nam từ 20 năm nay thực hiện chủ trương “xóa đói giảm nghèo” được hô hào là “bản chất của chế độ.”
Các cán bộ lãnh đạo Việt Nam còn cho rằng “cần phải kiên nhẫn dẫn dắt đồng bào từng bước trong chủ trương xóa đói giảm nghèo.” Và không hiểu sao càng “dẫn dắt,” càng “kiên nhẫn” thì dân ngày càng nghèo trong khi một tầng lớp cán bộ, con ông cháu cha ngày thêm giàu. Trong một cuộc họp Quốc Hội Việt Nam mới đây, bà Trương Thị Mai - chủ nhiệm ủy ban về các vấn đề xã hội đã thảng thốt kêu rằng:
“Không hiểu tại sao ở vùng khó khăn lại giảm nghèo nhanh, mà giảm nghèo nhanh thì ‘tái nghèo’ cũng nhanh không kém.” Hầu như năm nào thì báo Tuổi Trẻ cũng gióng lên tiếng chuông báo động về cảnh “quý ông bà bước xuống xe hơi tiền tỉ và móc hầu bao bạc triệu mua hàng thùng rượu, thùng bia trong khi quà Tết của công nhân mang về quê chỉ là những gói thèo lèo đáng giá vài xu lẻ cùng với hàng ngàn gia đình không biết Tết là gì.” Còn nguyên nhân vì sao có những người Việt Nam giàu phất lên nhanh có lẽ cần phải xem lại hàng trăm vụ tham nhũng vừa qua từ vụ Vinashin, PMU, vụ đại lộ Ðông Tây... mà trong mỗi vụ, giới chức cao cấp Việt Nam có thể bỏ túi hàng chục, hàng trăm triệu đô la. (PL)
|