Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 20 Tháng 10 Năm 2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 20 Tháng 10 Năm 2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Anh Vũ   
Thứ Năm, 20 Tháng 10 Năm 2011 11:01

Những « thành phố chết » xung quanh nhà máy điện Fukushima


Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda quan sát nhân công rà tim phóng xạ nơi một căn nhà ở tỉnh Fukushima. Ảnh ngày 18/10/2011.
Reuters

Tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã qua 7 tháng , tình hình kiểm soát nhà máy điện đang dần đi vào ổn định và thế nhưng cuộc sống xung quanh khu vực Fukushima có thể trở lại được bình thường hay không ?

Để tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên báo Le Monde trở lại vùng thảm họa và nhận thấy cuộc sống quanh khu vực nhà máy điện Fukushima vẫn không thể trở lại nhịp độ bình thường.

 Ở ngoài khu vực cấm, các làng mạc, thành phố vẫn hoang vắng như những cánh đồng chết. Mặc dù chính quyền đã rút lệnh báo động, dân chúng vẫn không tin tưởng để trở về nơi cũ sinh sống.
 
Đặc phái viên của tờ báo đã đến Iitate, cách khu vực nguy hiểm xung quanh nhà máy điện Fukushima 10 km.

Nơi đây, trước vẫn nổi tiếng là khu vực canh tác nông nghiệp sạch và là một địa điểm du lịch sinh thái được ưa chuộng, thế nhưng giờ đây, dọc theo một dải đất dài vài chục cây số kéo từ bắc xuống phía nam nhà máy Fukushima, hầu hết làng mạc đều bị bỏ hoang.

Nhà cửa đóng kín, trang trại trống rỗng, các khu nhà kính trồng rau bị bỏ không, cây cỏ mọc hoang dại, đôi khi người ta bắt gặp vài con chó đi lang thang.

Khi xảy ra tai nạn, dân cư của khu vực này không bắt buộc phải rời nơi ở mà chỉ được lệnh bịt kín nhà cửa và trong tư thế sẵn sàng đi sơ tán nếu cần thiết. Thế nhưng đến một nửa dân cư trong khu vực, khoảng gần 6 chục nghìn người, vẫn quyết định dời đi nơi khác.

 Đầu tháng 10, chính phủ thông báo không còn nguy hiểm và bãi bỏ các biện pháp chuẩn bị sơ tán khẩn cấp. Thế nhưng vẫn không một ai trở về làng cũ.

Theo tác giả bài phóng sự, phần đông trong số họ không còn tin tưởng vào những thông báo của chính phủ.
 
Đến một làng nhỏ có 6000 dân, tác giả thấy có 5 gia đình ở lại. Họ là những người đã già, có nguyện vọng ở lại để được chết trên quê hương bản quán của mình. Các cửa hàng đóng cửa, phố xá hoang vắng, các cột đèn tín hiệu vẫn họat động điều khiển giao thông không có người tham gia, thỉnh thoảng mới bắt gặp vài xe đi tuần của cảnh sát nhấp nháy đèn hiệu.
 
Tiếp tục đi xuống phía nam trong khu vực cách nhà máy điện Fukushima bán kính 30 km, ở đâu tác giả cũng chỉ thấy cảnh tượng hoang vắng, hầu như mỗi khu dân cư chỉ còn lại khoảng 10% người ở lại.

 Tại Hirano, một thành phố ở phía nam Fukushima nằm trong bán kính cách nhà máy điện 30km, trước đây thành phố với 5500 dân có một tổ hợp nghỉ ngơi giải trí cho nhân viên của Tepco, công ty khai thác nhà máy điện Fukushima. Nhưng giờ đây Hirano cũng như một « thành phố chết ».

Khi xảy ra tai nạn nhà máy thì hầu hết dân cư thành phố đã bỏ đi, chỉ còn khoảng 200 người làm việc tại nhà máy phải ở lại.

 Ông Hirofuni Nakatsu, một quan chức của thành phố cho biết « sau khi chính phủ có thông báo bỏ báo động , chúng tôi hy vọng mọi người quay về, nhưng chẳng có ai trở lại ».

Bản thân ông cũng là người duy nhất cùng một đồng nghiệp ở lại trong tòa thị chính trống không. Có thể phải mất nhiều năm nữa thì cuộc sống thành phố này mới hồi sinh được.
 
Còn tại khu vực cấm tức trong bán kính 20 km, người dân vẫn có thể được phép trở lại nhà mình trong vài giờ để thu lượm đồ đạc, nhưng theo tác giả thì không một ai muốn trở lại sống vì sự sống đã bị xóa sạch tại đó.

Ở phía bắc nhà máy điện Fukushima, thị trấn Minamisoma, nằm trong khu vực vừa được chính phủ cho bỏ lệnh chuẩn bị sơ tán nhanh và đang tiến hành tẩy rửa. Nhưng chắc chắn một nửa trong tổng số 70 nghìn dân của thị trấn này sẽ không bao giờ quay trở lại quê cũ của mình. Minamisoma rồi cũng sẽ trở thành một « thành phố chết ».
 
Những ngờ vực về nạn đói ở Bắc Triều Tiên
 
Nhật báo Le Monde quan tâm đến tình hình Bắc Triều Tiên với bài viết : Liên Hiệp Quốc đặt câu hỏi về thực tế của cuộc khủng hoảng lương thực tại bắc Triều Tiên .

Liệu có phải Bình Nhưỡng cố tình la lối về nạn nạn đói để được cộng đồng quốc tế viện trợ lương thực hay không ?

 Để trả lời cho câu hỏi đó phụ trách cứu trợ nhân của Liên hiệp Quốc Valérie Amos từ ngyày 18 tháng 10 đã đi thị sát Bắc Triều Tiên 5 ngày. Bà sẽ gặp gỡ với chính quyền Bình Nhưỡng và đến thăm các địa phương để tận mắt đánh giá mức độ thiếu ăn thực sự của dân chúng Bắc Triều Tiên.

 Dù biết là chính quyền Bắc Triều Tiên kiểm soát rất chặt chẽ họat động của nhân viên quốc tế nhưng Liên hiệp quốc vẫn thấy chuyến công tác của bà Valerie Amos là cần thiết để trả lời cho những ngờ vực của quốc tế về thực sự nạn đói của người dân Bắc Triều Tiên.
 
Hồi tháng 3, Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hiệp quốc PAM đánh giá nếu không có sự trợ giúp từ bên ngoài, đến tháng 5, ít nhất sẽ có 6 triệu người Bắc Triều Tiên bị lâm vào nạn đói.

Sau đó, đến tháng 7 Liên Hiệp Châu Âu thông báo chi 10 triệu euro viện trợ lương thực khẩn cấp cho Bắc Triều Tiên. Bình Nhưỡng cũng đã khẳng định thông tin trên và nhiều lần xin viện trợ lương thực của quốc tế.

 Nhiều thông tin từ các tổ chức phi chính phủ cũng khẳng định người dân Bắc Triều Tiên đang bị đói trầm trọng.

Tuy nhiên đến đầu tháng 10, mới chỉ có 1/3 trong tổng số 200 triệu đô la viện trợ lương thực của Liên hiệp quốc được giải ngân.

 PAM cũng liên tục cắt giảm viện trợ lương thực cho Bình Nhưỡng. Lý do là theo những nguồn đánh giá riêng của mình, Hoa Kỳ và Hàn Quốc khẳng định Bình Nhưỡng đã phóng đại nạn đói ăn để lẩn tránh các biện pháp trừng phạt liên quan đến chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Trước đó, năm 2009, Hoa Kỳ và Hàn Quốc cũng đã cho ngưng chương trình viện trợ 500 nghìn tấn gạo cho miền Bắc vì được biết chỉ có một phần trong số lương thực trên đến tay người cần được cứu trợ. Vì thế mà giờ đây Liên Hiệp Quốc cần có sự đánh giá của chính mình trước khi tiến hành chiến dịch cứu trợ cho Bắc Triều Tiên.
 
Giải cứu khu vực đồng euro, cuộc chạy đua với thời gian
 
Báo Le Monde chạy tựa đồng hồ « đếm ngược thời gian để cứu đồng euro đã bắt đầu chạy ».

Le Monde nhận định : Pháp và Đức chỉ còn vài ngày để tìm ra một thỏa thuận trên vấn đề cứu vớt các ngân hàng và đồng euro. Nhưng dường như hai bên vẫn còn những bất đồng.
 
Le Figaro thì lại nhìn nhận tính cấp bách cuộc gặp giữa thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy bằng hàng tựa « Cứu vớt đồng euro : Cuộc thương lượng tìm cơ may cuối cùng ».

Theo tờ báo thì chỉ còn « 100 giờ để cứu đồng euro ». Tuy nhiên về cuộc gặp khẩn cấp ngày hôm qua, tờ báo cho biết là sau hơn hai tiếng đồng hồ gặp nhau, không có tin tức nào lọt ra, không một bình luận từ thủ tướng Đức cũng như tổng thống Pháp, không khí có vẻ căng thẳng.

Như vậy là, theo tờ báo, « còn 100 giờ nữa tới cuộc gặp thượng đỉnh Châu Âu mang tính quyết định ngăn chặn khủng hoảng nợ, số phận của khu vực đồng euro Châu Âu vẫn còn bỏ lửng.

Một quan chức Châu Âu tỏ ra hoài nghi rằng thứ hai tới đây, « nếu không có được thỏa thuận cuối cùng thì mỗi nước Châu Âu sẽ phải tự lo cho sự sống còn của mình ».

Về cuộc gặp thượng đỉnh tại Buxelles vào chủ nhật tới, báo Les Echos trích lời của chủ tịch Ủy ban Châu Âu José Manuel Barroso nói , đây là cuộc gặp thượng đỉnh « quyết định tương lai của đồng euro và tương lai của Liên Hiệp Châu Âu ».

Tờ báo cũng điểm lại 5 vấn đề mấu chốt cần phải giải quyết tại cuộc họp thượng đỉnh lần này đó là : Cấp tín dụng cho Hy Lạp, bơm thêm vốn cho các ngân hàng, tăng khả năng can thiệp của Quỹ bình ổn Tài chính Châu Âu (FESF), điều hành kinh tế cho Châu Âu và thúc đẩy tăng trưởng.

Cũng liên quan đến sự kiện này, La Croix nhận ra rằng « Châu Âu, một ngôi nhà cần được nâng cấp ».

 Xã luận của tờ báo viết , cuộc khủng hoảng hiện nay đang đặt các nước Châu Âu trước một thách thức lớn , đó là họ phải khẩn cấp cho thấy Liên hiệp là một công cụ hiệu quả để giúp đỡ các nước thành viên vượt qua khó khăn.

Từ khi cuộc khủng hỏang nổ ra ở Hy Lạp cách đây 2 năm, nhiều sáng kiến đều tỏ ra vô hiệu. Và nếu tại cuộc họp thượng đỉnh tới đây tinh thần đoàn kết thắng thế thì ý tưởng của Liên Hiệp Châu Âu mới có tưong lai.
 
Báo Libération đề cập đến cuộc khủng hỏang nợ Châu Âu với sự kiện tại tâm điểm của nó là Hy Lạp.

Trang nhất báo đăng gần kín bức ảnh một cảnh sát chống bạo động của Hy Lạp đang đứng giữa khói lửa mù mịt, với hàng tựa Hy lạp : những người nổi dậy vì khắc khổ.

Hơn 200 nghìn người dân Hy Lạp hôm qua đã xuống đường biểu tình phản đối chính sách khắc khổ của chính phủ trước sức ép của các chủ nợ. Sự phẫn nộ của người dân đã biến thành bạo lực. Nhiều cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình đã diễn ra ở nhiều nơi trong khung cảnh như có chiến sự.
 
Soyuz Nga bay lên từ Guyane : Chương mới của hợp tác không gian Nga – Châu Âu
 
Một sự kiện khoa học được báo Pháp quan tâm đặc biệt, hôm nay theo dự kiến tên lửa Soyuz của Nga sẽ được phóng lên từ căn cứ Kourou, Guyane của Pháp vào lúc 12h34 phút giờ Paris, tuy nhiên đến sát giờ, do điều kiện kỹ thuật thời điểm phóng tên lửa đã được dời lại 24 tiếng.

Dù sao thì đây cũng là sự kiện lịch sử đối với ngành hàng không vũ trụ của Châu Âu cũng như của Nga.

Báo Les Echos dành hẳn một trang lớn với bài viết « Những giấc mơ vĩ đại mới của ngành vũ trụ Nga » .

 Nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp, Soyuz , tên lửa nổi tiếng của Nga, lần đầu tiên sẽ bay vào không gian từ bên ngoài lãnh thổ Nga. Đây là kết quả hợp tác giữa Châu Âu và nước Nga trong lĩnh vực không gian, cụ thể là của Arianespace của Châu Âu và Roskomos của Nga.

Soyuz sẽ giúp cho Châu Âu đưa vào quỹ đạo hai vệ tinh định vị toàn cầu đầu tiên của mình là trong hệ thống Galileo.

Nhật báo Les Echos vui mừng nhận định, sự kiện này mở ra một chương mới trong lịch sử ngành không gian của Nga. Năm mươi năm sau chiến công của huyền thoại Gagarin, không còn chiến tranh lạnh nữa, giờ là thời điểm hợp tác giữa ngành công nghiệp vũ trụ Nga với các đối tác Châu Âu. Đây cũng là điều có lợi cho ngành không gian của Nga hiện đang rất cần tiền để phát triển những dự án lớn của mình.
 
Trên thực tế, thì theo Les Echos, tên lửa Soyuz lại đang trở nên không thể thiếu được cho các chương trình không gian của Hoa Kỳ cũng như Châu Âu.

Sau khi phi thuyền con thoi của Mỹ ngừng họat động, lọai tên lửa đẩy này đã bảo đảm thay thế việc vận tải lên trạm không gian quốc tế ISS.

 Sự hợp tác giữa Roskomos và Arianespace là việc làm đôi bên cùng có lợi .