Home Tin Tức Thời Sự Trung Quốc từ chối đối thoại : dân Tây Tạng tuyệt vọng

Trung Quốc từ chối đối thoại : dân Tây Tạng tuyệt vọng PDF Print E-mail
Tác Giả: Thụy My   
Thứ Tư, 19 Tháng 10 Năm 2011 10:49

Người dân Tây Tạng luôn mơ ước được gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma

 


Các hành động tuyệt vọng của người dân Tây Tạng (REUTERS)

 

Việc Bắc Kinh từ chối mở lại đối thoại với Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng là nguyên nhân chính khiến phong trào tự thiêu bùng lên tại Tứ Xuyên trong thời gian vừa qua.

Theo các tổ chức phi chính phủ, đây là những hành động tuyệt vọng của những người Tây Tạng bị áp bức, bị thống trị về mặt văn hóa cũng như trong đời sống tinh thần.

 Sau khi đã có tám nhà sư tự thiêu, hôm thứ Hai 17/10/2011, lần đầu tiên một ni cô 20 tuổi tên Tenzin Wangmo cũng đã biến mình thành ngọn đuốc sống, sau khi hô các khẩu hiệu đòi Đức Đạt Lai Lạt Ma phải được quay về Tây Tạng, và tự do tín ngưỡng.

Một số nhà sư tự thiêu trước đó cũng đã hô các khẩu hiệu tương tự.
 
Trung Quốc đã tiến hành chín vòng đàm phán với các đặc sứ của Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhưng đã rơi vào ngõ cụt từ tháng Giêng năm 2010.

Các nhà sư tại một tu viện ở huyện Hồng Nguyên nằm gần A Bá cho AFP biết : « Người dân Tây Tạng luôn mơ ước được gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma, và nhiều người lo rằng điều này sẽ không bao giờ thành sự thật ».
 
Đức Đạt Lai Lạt Ma, hiện đang sống tại Dharamsala, Ấn Độ, nơi ngài thành lập chính phủ lưu vong, vẫn luôn được người dân Tây Tạng tôn sùng như vị thánh sống. Nhiều người Tây Tạng lo sợ Bắc Kinh đang đợi cho « nhà ly khai nguy hiểm » này qua đời, để các lời kêu gọi tự do cũng bị dập tắt.
 
Cho dù trước đây không cổ vũ cho việc tự thiêu vì cho là không phù hợp với giáo lý nhà Phật, hôm nay Đức Đạt Lai Lạt Ma đã bắt đầu tuyệt thực trong vòng một ngày, trước khi tiến hành một loại buổi cầu nguyện với hàng trăm nhà sư và người dân Tây Tạng khác.

Các buổi tụng kinh do Đức Đạt Lai Lạt Ma chủ trì diễn ra vào ngày thứ Tư cùng với phong trào văn hóa được gọi là « Lhakar » đang lan rộng khắp Tây Tạng.
 
Mỗi ngày thứ Tư hàng tuần, người dân Tây Tạng tại đây lại mặc trang phục cổ truyền, nói tiếng Tây Tạng, ăn những món ăn truyền thống, nói chung là làm mọi cách để bảo tồn văn hóa dân tộc