Lũ lụt Bangkok : Hy sinh cư dân ngoại ô để bảo vệ thủ đô
Ayutthaya, cách Bangkok 80 km bị tràn ngập nước lũ (Reuters)
Từ hàng chục năm nay, chưa bao giờ Thái Lan lại bị lũ lụt như hiện nay với hai phần ba các tỉnh thành đều bị ngập nước.
Trong lúc mà ở những vùng lân cận Bangkok, như thành phố cổ Ayutthaya, người dân đã phải di chuyển bằng thuyền, thì trước mắt thủ đô Bangkok vẫn còn khô ráo.
Được như vậy phải nói là do chính quyền không tiếc công sức, huy động lực lượng để bảo vệ thủ đô, quân đội đắp hàng triệu bao cát, củng cố hệ thống đê ở phiá Bắc thành phố. Tuy nhiên, vấn đề là nỗ lực này đã tác hại thêm đến tình hình những vùng tiếp giáp thủ đô.
Le Monde ghi nhận sự kiện này trong bài phóng sự tựa đề : ‘‘Việc bảo vệ Bangkok làm tình hình lụt lội nghiêm trọng hơn ở vùng ngoại ô lân cận’’.
Tờ báo nêu ví dụ một ngôi làng ở phiá Bắc Bangkok, làng số 5, huyện Bangkhuwat, cách thủ đô 20 cây số. Mở đầu bài viết, đặc phái viên Le Monde mô tả một nơi xinh xắn, cách đây vài ngày vẫn còn khô ráo. Thế nhưng, chỉ trong vài tiếng đồng hồ vào đêm thứ Năm 13/10, rạng sáng hôm sau, nước đã biến ngôi làng xinh đẹp thành một cõi ác mộng : người thì phải trú trên tầng lầu, người thì khi cần đi ra ngoài, không có thuyền, đã phải sử dụng những chiếc phao và chèo bằng những cây chổi.
Đây là một tình cảnh mà cư dân trong làng không thể tưởng tượng nổi cách đây không đầy một tuần. Theo bài báo, người dân ngôi làng số 5 đang phải trả giá cho việc bảo vệ Bangkok khỏi ngập lụt.
Núi bao cát và các con đê chung quanh thủ đô giữ nước lại ở phiá Bắc và làm tăng mức lụt ở những ngôi làng hay thị trấn trong khu vực này. Mỗi ngày mà Bangkok được khô ráo, là mỗi ngày mực nước dâng cao hơn ở Bangkhuwat. Tuy thế, tại đây không ai dám chỉ trích hay đặt lại vấn đề củng cố đê ở Bangkok.
Theo tác giả bài báo, không ai dám lên tiếng phản đối việc bảo vệ thủ đô. Ngược lại, họ thẳng thừng đả kích và trút cơn tức giận lên lãnh đạo địa phương.
Bà Pusadee Reid, lãnh đạo làng số 5, giải thích : « Vào buổi tối, không thông báo với ai cả, giới lãnh đạo huyện Bangkhuwat đã cho chặn con kênh chảy từ làng đến một khu công nghiệp lân cận. Một số người trong làng muốn phản đối nhưng đã bị đe doạ bằng vũ khí. Tuy nhiên, vào chủ nhật vừa qua, theo Le Monde, một số dân ở làng này đã tỏ nổi phẫn uất và kéo nhau ra ngăn chặn con đường dẫn từ vùng phiá Bắc này đến Bangkok. Nỗ lực như thế để bảo vệ thủ đô, nhưng theo bài báo, chính quyền Bangkok vẫn lo ngại là không tránh khỏi nguy cơ thủ đô bị ngập lụt. Moody’s có khả năng hạ điểm tín nhiệm của Pháp Nguy cơ hãng thẩm định tài chính Moody’s có khả năng hạ điểm tín nhiệm của Pháp là chủ đề trọng tâm hôm nay mà nhiều tờ báo dành tít lớn trang nhất.
Cơ quan thẩm định tài chánh Moody's hôm 17/10 vừa qua đã cảnh báo là trong thời gian sắp tới đây có thể hạ điểm tín nhiệm của Pháp, hiện đang ở mức cao nhất là AAA. Trong một bản thông cáo, Moody’s cho biết là trong ba tháng tới, họ sẽ theo dõi và đánh giá triển vọng « ổn định » của điểm số này, dựa trên các tiến bộ mà chính phủ Pháp đạt được trong việc áp dụng các biện pháp giảm thâm hụt ngân sách. Nói cách khác, nếu tình hình ngân sách Pháp không được cải thiện, triển vọng xếp hạng tín dụng Pháp có thể bị hạ xuống mức « tiêu cực », và trong trung hạn, thường là từ 3 đến 12 tháng, điểm tín nhiệm của Pháp có nguy cơ bị hạ thấp. Hiện nay, Paris đang được hưởng điểm tín nhiệm cao nhất của cả ba cơ quan thẩm định tài chánh quốc tế.
Ngoài Moody’s, Pháp cũng được Standard & Poor's et Fitch đánh giá rất tốt. Điểm tín nhiệm cao này cho phép Paris vay mượn với lãi suất thuận lợi trên thị trường tài chánh để bù đắp cho các khoản khiếm hụt ngân sách của mình. Về quyết định của Moody’s, trong lúc Le Monde thông báo việc cơ quan này quyết định ‘ giám sát ’ điểm 3 A của Pháp, thì tờ Les Echos đánh giá là thị trường đang siết gọng kềm trên nợ công của Pháp, nhắc lại rằng Moody’s đang gây sức ép lên điểm 3A. Trong tít lớn đầu tiên trong phần phụ trang kinh tế, Le Figaro nhấn mạnh trên lời báo động đầu tiên về nợ công của Pháp.
Theo tờ báo, Moody’s trước mắt vẫn xác nhận điểm 3 A của Pháp, nhưng không nên xem thường lời cảnh báo vừa qua. Libération và l’Humanité cũng nêu sự kiện, nhưng nhấn mạnh trên góc độ chính trị. Libération chơi chữ trong hàng tựa cho rằng : « Điểm của Pháp : thông cáo giáng cấp đối với ông Saaarkozy (viết với 3chữ A), và cho đây là một vố đau cho chính quyền hiện tại.
L’Humanité ngược lại cho rằng : « Moody’s thâu tóm cuộc bầu cử tổng thống ».
Theo L’Humanité, khi đe doạ hạ điểm của Pháp vào lúc này, Mood’ys đã xen vào cuộc tranh luận trước bầu cử tổng thống. Đối với L’Humanité, đây là một sự hậu thuẩn gần như thẳng thừng cho ông Sarkozy và một sức ép trên các ứng cử viên khác. Nhưng nhìn chung điều mà các báo phân tích hôm nay là tác động của thông báo trên : trước tiên là để giữ 3A của mình chính phủ sẽ phải thắt lưng buộc bụng hơn nữa, như nhận định của Libération, và Les Echos. Trong bài xã luận, Le Figaro nhận định là Moody’s mô tả một thực tế. Và tờ báo thúc giục là không nên bỏ chính sách khắc khổ. Tờ báo cũng nhắc lại là Pháp hàng năm chi tiêu hơn Đức đến 163 tỷ euro. Trung Quốc tăng trưởng chậm lại tuy vẫn còn ở mức cao
Cũng trên bình diện kinh tế, Le Figaro nhìn sang Trung Quốc mà tăng trưởng đã chậm lại tuy vẫn còn ở mức cao : 9,1% trong quý 3, so với 9,5% trong quý 2. Nguyên nhân theo Le Figaro là do việc các nhà xuất khẩu Trung Quốc bắt đầu chiụ hệ quả trực tiếp cuộc khủng hoảng ở châu Âu và Hoa Kỳ. Mặt khác, Le Figaro cũng ghi nhận sự kiện vốn đầu tư đổ dồn về các quốc gia đang vươn lên, trong đó Đông Nam Á, cùng với Trung Quốc và Ấn Độ là những nơi có sức thu hút mạnh nhất.
Theo Le Figaro, tất cả các báo cáo mới đều khẳng định trọng lượng ngày càng tăng các quốc gia đang vươn lên, từ tăng trưởng cho đến đầu tư. Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc về đầu tư trực tiếp quốc tế trong 6 tháng đầu năm 2011 vừa được công bố, thì các quốc gia đang trỗi dậy thu hút một nửa số 720,2 tỷ đô la đầu tư trực tiếp trên thế giới. Sức thu hút của họ không ngừng tăng lên trong khi nó lại giảm đi ở các quốc gia phát triển. Dĩ nhiên là châu Á với hai đầu tàu Trung Quốc và Ấn Độ được đánh giá là năng động nhất. Hai nước này đã gom về mình 20% đầu tư trực tiếp trong thời gian kể trên. Bên cạnh đó lượng đầu tư đổ vào Indonesia, Malaysia, cũng tăng đáng kể. Israel và Hamas trao đổi tù nhân
Sự kiện thời sự khác mà các báo hôm nay rất chú ý là việc trao đổi tù nhân giữa Israel và Hamas.
Ảnh của người lính trẻ Shalit đươc trao trả hôm qua sau 5 năm bị giam ở dải Gaza, nổi bật trên trang nhất các tờ báo, từ Libération, Le Figaro, cho đến La Croix với hầu như cùng một hàng tựa :
« Niềm hân hoan tại Israrel (sau khi) Gilad Shalit được thả », tít của Libération, hay « Israel mừng anh lính Shalit đã trở về », tít lớn của Le Figaro. Tờ La Croix nhìn cả hai bên ghi nhận : « Niềm hân hoan tại Gaza, nỗi xúc động tại Israel ». Trong bài xã luận tờ báo nhìn thấy đây là thêm một cơ hội để hai bên tiến đến hoà bình.
Nhưng trước việc một anh Shalit được tự do đổi lấy việc thả gần 500 người Palestine, La Croix nêu lên cảm nhận là có một cái gì đấy khó chiụ, khó chịu trước cuộc ‘mặc cả ‘ không cân xứng - 1 người Israel đổi lấy 1000 người Palestine - mà người ta đã từng chứng kiến trong những lần thương lượng trước đây. Một khó chiụ khác là những tuyên bố cứng rắn của lãnh đạo hai phía Israel và Hamas, và cũng khó chịu khi nghĩ đến một số người Palestine được thả, những người đã tham gia khủng bố.
Tờ báo thông cảm với gia đình các nạn nhân Israel, nhưng mặt khác, cũng hiểu nỗi thất vọng của người Palestine, vì gần 5000 người Palestine vẩn bị giam giữ trong nhà tù Israel. Trong phần kết luận La Croix nhắc lại lời Shalit hôm qua, hy vọng rằng việc anh được thả sẽ góp phần thực hiện hoà bình giữa hai bên. La Croix còn ghi nhận là cho dù cái giá phải trả khá cao đối với một nước rất cảnh giác trên vấn đề an ninh của mình, thoả thuận trao đổi tù nhân đươc đa số người Israel tán đồng, cho thấy đây có thể là dấu hiệu cụ thể về việc họ mong muốn một cái gì khác, đi vào con đường hoà bình, mặc dù cảm thấy nguy hiểm. Nhìn về phiá Palestine, La Croix nhắn nhủ rằng cần phải coi việc trao đổi này không phải là thắng lợi của một chiến lược, mà là một giai đoạn trong một cuộc đàm phán. Phải có những cuộc thương thuyết tiếp theo. |