Nhà sư nữ Tây Tạng tự thiêu đòi độc lập |
Tác Giả: BBC |
Thứ Ba, 18 Tháng 10 Năm 2011 14:09 |
Tu viện Kirti là nơi đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình phản đối trong những tháng gần đây. Một nhà sư nữ người Tây Tạng đã tự thiêu ở gần một tu viện tại miền tây Trung Quốc, và đây là vụ thứ chín trong mấy tháng gần đây, tin tức cho hay. Tổ chức Tây Tạng Tự do cho biết nhà sư nữ 20 tuổi, Tenzin Wangmo, đã qua đời hôm thứ Hai 17/10 ở quận Aba, tỉnh Tứ Xuyên. Một nhân chứng nói với Đài Á Châu Tự Do (FRA) rằng nhà sư này đã kêu gọi tự do cho Tây Tạng trước khi tự thiêu. Quận Aba, nơi có tu viện Kirti, là nơi diễn ra nhiều cuộc biểu tình chống lại sự cai trị của Bắc Kinh. Bảy nhà sư từ tu viện, vốn nằm trong khu vực người sắc tộc Tây Tạng tại tỉnh Tứ Xuyên, đã tự thiêu trong những tháng gần đây. Nhà sư thứ tám tự thiêu tại một khu vực khác của tỉnh Tứ Xuyên. Trung Quốc kể từ đó đã bắt giam ba nhà sư bị cáo buộc đã hỗ trợ trong một vụ tự thiêu và vẫn đang duy trì sự hiện diện an ninh chặt chẽ ở thị trấn Aba. 'Các cuộc biểu tình ngày càng tăng' Tin tức cho hay nhà sư nữ trẻ tuổi đã tự thiêu vào đầu giờ chiều. "Một nhà sư nữ đã tự thiêu", Aba Jigme, một người dân nói với RFA. "Nhưng bà đã chết ngay tại chỗ sau khi kêu gọi tự do cho Tây Tạng và kêu gọi Đức Đạt Lai Lạt Ma được trở về." Ông này cho biết nhà sư nữ này đã chọn điểm tự thiêu cách trung tâm thành phố vì tại đó có sự hiện diện dày đặc của an ninh Trung Quốc. Hôm thứ Tư, cộng đồng người Tây Tạng lưu vong đã tổ chức một buổi lễ cầu nguyện cho những người đã tự thiêu. Trong một tuyên bố, Giám đốc Tổ chức Tây Tạng Tự do, bà Stephanie Brigden, nói tình trạng bất ổn ở Tây Tạng đang "leo thang và lan rộng". "Các hành động tự thiêu không diễn ra đơn lẻ, các cuộc biểu tình được tin đã diễn ra ở các khu vực xung quanh và những kêu gọi biểu tình rộng lớn hơn đang gia tăng", bà nói. Tổ chức Tây Tạng Tự do cũng nói hai người Tây Tạng đã bị binh lính Trung Quốc bắn tại một cuộc biểu tình bên ngoài một đồn cảnh sát thuộc một khu vực khác ở tỉnh Tứ Xuyên hôm 16 tháng 10. Tình trạng của họ vẫn chưa được biết ra sao và còn chưa rõ lý do tại sao họ đã bị bắn, tổ chức này cho biết. Tin này không thể kiểm chứng được. Truyền thông nước ngoài không được phép vào các khu vực còn bất ổn của người sắc tộc Tây Tạng và giới truyền thông nhà nước Trung Quốc thường không đưa tin về các sự kiện này.
|