Home Tin Tức Thời Sự Một Báo VN Đòi Sửa Hiến Pháp: Bỏ Đảng Trị, Để Xây Dân Chủ

Một Báo VN Đòi Sửa Hiến Pháp: Bỏ Đảng Trị, Để Xây Dân Chủ PDF Print E-mail
Tác Giả: Theo ViệtBáo   
Thứ Hai, 17 Tháng 10 Năm 2011 22:24

 Đổi mới Hiến pháp, nghĩ về một thiên cổ hùng văn cho đời sau  

HANOI (VietBao) — Một tạp chí khoa học tại Việt Nam hôm 17-10-2011 đã đăng một bài viết, kêu gọi chính phủ Việt Nam hãy sửa lại Hiến Pháp để trở thành một thiên cổ hùng văn cho đời sau.


 
Điểm nổi bật trong bài phân tích có nhan đề là “Đổi mới Hiến pháp, nghĩ về một thiên cổ hùng văn cho đời sau,” trong đó tác giả, ký tên là Tiến Sĩ Lê Vinh Triển, đã  mời gọi những người trách nhiệm đổi mới HIến Pháp (hiểu là Đảng CSVN và Quốc Hội CSVN) hãy thể hiện “tầm nhìn mới, tầm nhìn lâu dài của lãnh đạo, làm cho Hiến pháp trở thành tài sản của mọi người dân Việt Nam – hôm nay và cả mai sau.

” Đặc biệt bài viết còn dẫn ra mô hình từ Hiến Pháp Mỹ.
 
Bài viết dẫn ra trường hợp vua Nghiêu và vua Thuấn ở văn học cổ Trung Quốc: cả hai vua đều truyền ngôi cho người tài giỏi ngoại tộc, trong chốn dân gian… chứ không phải kiểu cha truyền con nối.

Cách viết  này có vẻ như ám chỉ chế độ CSVN hiện nay, vì Nông Đức Mạnh được tin là con của ông Hồ Chí Minh, trong khi Nguyễn Chí Vịnh là con Nguyễn Chí Thanh, cũng như Nguyễn Tấn Dũng là con của một cán bộ bạn tah6n của ông Võ Văn Kiệt và Lê Duẩn. Các lãnh tụ khác hiện nay cũng cha truyền con nối tương tự.
 
Tác giả cũng nhắc về trường hợp Barack Obama, một Tổng Thống da đen mà Tiến Sĩ Triển gọi là “bằng chứng cho tinh thần công dân bình đẳng của Hiến pháp Mỹ. “
 
Tác giả ca ngợi Hiến Pháp Mỹ, “đây chính là món quà quý nhất dành cho đời sau của những nhà lập quốc.”
 
Bài viết kêu gọi phá vỡ guồng máy cha truyền con nối, để tuyển dụng những người giỏi nhất trong toàn dân: “…Lịch sử nhân loại đã quá đủ để chúng ta nhìn lại mình, định hướng và bắt đầu một đại công cuộc cho dân tộc với tầm nhìn thật xa để con cháu ngàn năm sau của chúng ta tự hào vì cha ông mình!

Làm sao để tinh thần vì trăm năm, ngàn năm sau lan tỏa vào huyết quản của từng người dân ở mọi nấc thang xã hội? Có lẽ nên bắt đầu một cuộc đại tự vấn, “tuyển dụng” trong toàn dân, làm sao để người giỏi nhất, tốt nhất có điều kiện dẫn dắt đi đầu, đưa đất nước vào một ngàn năm mới, ngàn năm của phát triển chứ không phải ngàn năm của nhọc nhằn tồn tại.

 Nếu cho rằng dân tộc ta chưa đủ sức làm, điều kiện đất nước chưa đủ chín mùi thì có lẽ chúng ta sẽ không tiến hành thực hiện và thời điểm chín mùi kia cũng không bao giờ đến!”
 
Đặc biệt, bài viết nói thẳng về những vấn đề nhạy cảm như hòa giải mọi bất đồng, để sử dụng phương thức dân chủ nhằm khai thác nhân tài Việt từ toàn cầu:
 
“Để thực hiện đại cuộc này thiết nghĩ, trước mắt cần nêu cao trách nhiệm đối với con cháu đời sau, cải tạo bản thân thành một dân tộc hòa giải mọi bất đồng, cần một tinh thần dân chủ để khai thác toàn diện những nguồn nguyên khí quốc gia từ khắp mọi nơi.

Những việc trước mắt này có thực hiện triệt để cũng sẽ mất rất nhiều thời gian. Và vì mất nhiều thời gian nên cần càng sớm tiến hành.

Thật vậy, với “ngàn năm” thì đây chỉ là tiền đề, chỉ là “trước mắt” mà thôi. Nếu không có quyết tâm và hành động cụ thể, thì ngàn năm có thể không đủ dài để ta tiếp tục thong dong, cạn nghĩ.

Thiển nghĩ, có ý thức trách nhiệm đối với cháu con đời sau sẽ giúp chúng ta dễ đoàn kết, hòa giải bất đồng hơn. Ghi tâm trách nhiệm với đời sau sẽ là cơ sở để chúng ta cẩn thận gìn giữ những gì tiền nhân tạo lập.

Nêu cao trách nhiệm với đời sau sẽ giúp chúng ta học được những bài học của tiền nhân và quan tâm hơn đến hậu quả của những việc ta làm – từ giáo dục, môi trường, điều hành kinh tế, đến an ninh quốc phòng. Khi có trách nhiệm với con cháu đời sau thì chúng ta sẽ dễ dàng vươt qua mọi cám dỗ, vì ta biết rằng, những cám dỗ dù rất nhỏ, nếu ta không vượt qua cũng sẽ là vết nhơ làm tổn thương niềm kiêu hãnh của con cháu chúng ta.
 
Có thể nguồn lực vật chất chúng ta chưa đủ để khẳng định rằng chúng ta sẽ có những công trình vật chất để lại ngàn năm, tuy nhiên, với năng lực tinh thần, chúng ta có thể nghĩ đến việc tạo lập ra những giá trị để lưu dấu lâu dài. Một ví dụ cụ thể mà chúng ta có thể tiến hành là đổi mới Hiến pháp nhằm thể hiện tầm nhìn mới, tầm nhìn lâu dài của lãnh đạo, làm cho Hiến pháp trở thành tài sản của mọi người dân Việt Nam – hôm nay và cả mai sau.

Một Hiến pháp mà con cháu đời sau đều trân trọng giữ gìn. Đây thật sự là một tham vọng.

Tại sao chúng ta không có tham vọng góp chung vào danh sách các thiên cổ hùng văn của dân tộc như Nam Quốc Sơn Hà (930 năm), Bình Ngô Đại Cáo (580 năm) (3) một áng văn để lại cho đời sau? Đặc biệt là khi vận hội thưc hiện tham vọng vừa hiện hữu vừa bức thiết.
 
Hơn nữa, trong điều kiện ngày nay, khi chúng ta tiếp thu tinh anh của thế giới, Hiến pháp của chúng ta sẽ làm thăng hoa tinh thần Việt, tinh thần học hỏi – vươn lên trong một ngàn năm mới. Lịch sử Hiến pháp của chúng ta tuy chưa dài nhưng không thiếu những kinh nghiệm và tinh thần đó, và bản Hiến pháp 1946 là một ví dụ sinh động.

 Tin rằng có một ngày, Hiến pháp Việt Nam sẽ như một lời hiệu triệu người Việt khắp nơi trên thế giới, không phân biệt tôn giáo, quốc tịch, không phân biệt chính kiến, không phân biệt Nam -Bắc, Đông Tây,…cùng chung lưng đấu cật, dù ở phương trời nào cũng canh cánh trong lòng một giấc mơ đưa đất nước tiến lên. Một Hiến pháp mà khi đọc nó, từng người dân, từng cô cậu bé cảm thấy vừa như được bảo vệ, vừa như được thôi thúc vươn lên.

Đây có lẽ là một bước đầu cụ thể nhất của một thiên niên kỷ mới của dân tộc Việt, một thiên niên kỷ không chỉ để tồn tại mà còn để kiêu hãnh vượt lên.”
 
Được biết, tạp chí Tia Sáng là xuất bản phẩm đa ngành, ra hàng tháng của Bộ Khoa học và Công nghệ. Và còn được mệnh danh là “Diễn đàn của trí thức Việt Nam.”
 
Bài viết nhan đề “Đổi mới Hiến pháp, nghĩ về một thiên cổ hùng văn cho đời sau” viết như thế là một ngôn ngữ kêu gọi dân chủ rất minh bạch, là lời đòi hỏi xóa bỏ Hiến Pháp đảng trị để viết một bản “thiên cổ hùng văn cho đời sau” nhằm hòa giải mọi bất đồng và để kết hợp mọi nhân  tài Việt khắp toàn cầu.
 
Vấn đề là, Đảng CSVN có chịu cởi mở dân chủ, có chịu truyền ngôi cho người ngoaị tộc, và có thật tâm nghĩ tới lợi ích của dân tộc cho nhiều thế hệ sau hay không?