Người tuần hành thuộc mọi lứa tuổi và tầng lớp xã hội, cùng nhau đi trên đoạn đường dài một dặm
IRVINE (OCR) - Cuộc biểu tình “Occupy Wall Street” (Chiếm Wall Street) lan tới miền Nam California và lần đầu tiên diễn ra tại Quận Cam, một quận hạt được xem là vào hàng bảo thủ nhất nước.
Một người cầm bảng hiệu “99%” đứng trên cầu, hợp cùng với hàng ngàn người biểu tình trên đường phố trung tâm Los Angeles hôm Thứ Bảy. Phong trào Occupy Wall Street lan đi khắp nước và cả ở ngoại quốc, tới cả Quận Cam là một trong những địa phương bảo thủ nhất Hoa Kỳ. (Hình: AP Photo/Ringo H.W. Chiu)
Từ “Occupy Wall Street,” phong trào bắt đầu lan ra những “Occupy Boston,” “Occupy Chicago,” “Occupy L.A.” và mới đây nhất là “Occupy O.C.” Ở Los Angeles, hàng ngàn người biểu tình chống điều họ cho là sự tham lam quá mức của giới tư bản và ảnh hưởng quá đáng của đồng tiền vào chính trị Mỹ. Phong trào “Occupy” bắt đầu sử dụng khẩu hiệu “99%” - tượng trưng cho sự bất bình đẳng giữa 99% dân số và 1% giàu nhất. Tại Quận Cam, hơn 600 người tụ tập, rồi kéo nhau đi tuần hành hôm Thứ Bảy; phản đối sự ảnh hưởng của các xí nghiệp vào Irvine, thành phố được xem như là tụ điểm về tài chánh của Quận Cam. Người tuần hành thuộc mọi lứa tuổi và tầng lớp xã hội, cùng nhau đi trên đoạn đường dài một dặm, chấm dứt ở bãi cỏ trước Tòa Thị Chính. Họ dừng lại ở khu văn phòng các xí nghiệp Corporate Park Plaza, tại ngã tư Jamboree Road và Barranca Parkway. Anya Swanson, vợ một chiến binh Thủy Quân Lục Chiến vừa thi hành xong vòng công vụ ở Iraq trở về, vai đèo đứa con gái 3 tuổi. Người phụ nữ từ San Clemente nói, bà tham gia phong trào phản kháng Occupy Orange County để ngăn tiền bạc thôi không còn ảnh hưởng đến chính trị nữa. Bà nói: “Tôi tham gia phong trào vì tôi không có tiếng nói trên đất nước này.” Xe cộ chạy lên xuống đường Jamboree bấm còi ủng hộ. Trên bãi cỏ trước Tòa Thị Chính, một số người tuồng như đang chuẩn bị cắm dùi qua đêm, họ mang theo ba-lô và ít nhất một căn lều được căng lên. Không khí có vẻ vui nhộn. Bài hát dân ca “This Land Is Your Land” vang lên trên loa phóng thanh, vài người gõ trống. Người tham dự cầm khẩu hiệu nhiều nội dung khác nhau: “Chính quyền của dân,” “Ðánh thuế người giàu.” Một người làm khẩu hiệu bằng tay, có hàng chữ “Tôi quá bận làm việc nhiều giờ để lo trả tiền thuê nhà, hiếm có thời gian rảnh để đi biểu tình.” Dân xuống đường hy vọng những cuộc phản kháng sẽ gửi đến những ai đang nắm quyền lực một thông điệp. Họ tụ lại để nói đến những vấn đề xã hội và kinh tế, nhất là cái hố cách biệt giữa giới giàu có với thần dân trong nước ngày càng lớn thêm. Họ tin có sự ảnh hưởng quá đáng của các xí nghiệp lên chính quyền và nền chính trị Hoa Kỳ. Adam Keith, một thương gia 30 tuổi từ Orange nói, ông có cảm tưởng giấc mơ Mỹ Quốc “American Dream” tuồng như đang vuột khỏi tầm tay, đặc biệt ở thế hệ con ông. Ông nói: “Tôi thấy có sự không đồng bộ giữa người có và người không có.” Keith tiếp rằng, các nhà vận động hành lang đại diện các xí nghiệp tiếp xúc dễ dàng với những nhà làm luật, thứ dân thường như ông thì đừng hòng. Ða số người biểu tình đều có cùng một quan điểm, là họ muốn tiếng nói của từng cá nhân phải được lắng nghe. (TP)
|