Ngành giáo dục Việt Nam thiếu công bằng xã hội.
VIỆT NAM (TH) - Ba năm trước đây, giám đốc chương trình Việt Nam của trường đại học Harvard, Hoa Kỳ đã cảnh cáo rằng nền giáo dục Việt Nam có quá nhiều khuyết điểm.
Một lớp học của trong một trường đại học ở Việt Nam. (Hình: Báo Sài Gòn Tiếp Thị)
Ông Thomas J. Valleyly cũng cho rằng nền đại học Việt Nam chưa sụp đổ sau mấy chục năm vận hành dưới chế độ cộng sản là nhờ sinh viên dựa vào kiến thức Internet để còn “nương tựa” vào một chiếc ghế của trường đại học.
Lý do thứ hai được nêu là tinh thần hiếu học của sinh viên Việt Nam đã giúp cho nền giáo dục Việt Nam tránh được sự tẩy chay. Tuy nhiên, phải chờ đến cuộc hội thảo tổ chức hôm 13 tháng 10 tại Hà Nội thì mới làm bùng nổ nhiều ý kiến mổ xẻ tương lai của nền giáo dục đại học Việt Nam. Cuộc hội thảo này do Liên Hiệp Các Hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt Nam tổ chức để thu thập ý kiến về dự luật giáo dục Việt Nam sắp ra đời. Theo báo Sài Gòn Tiếp Thị, nhiều ý kiến bàn luận đều có cùng một điểm chung: Chỉ trích mạnh mẽ chính sách giáo dục tại Việt Nam và cho rằng chưa nên ban hành vì luật giáo dục Việt Nam “chưa mang tầm chiến lược và còn quá vụn vặt”. Một số giáo sư đại học cho rằng cần phải “cải cách toàn diện nền giáo dục”. Giáo sư Hoàng Tụy chỉ trích xu hướng chạy theo thành tích của một nhóm “đầu nậu” giáo dục trong nước dẫn tới việc nhà nước cứ hô khẩu hiệu hoài vẫn không chống nổi nạn tham nhũng trong ngành giáo dục. Ông Hoàng Tụy còn nói nền giáo dục đại học Việt Nam đã đi lạc lối, trật khỏi đường ray của nền giáo dục hiện đại của thế giới. Ông này cũng cho rằng “lạc hậu còn có thể cải cách được chứ đi lạc đường thì khó mà theo kịp nhịp độ phát triển về hoạt động giáo dục của thế giới kể cả các nước trong khu vực”. Trong khi đó theo nhà văn Nguyên Ngọc thì dự thảo luật giáo dục Việt Nam “có nhiều điểm đi ngược xu thế thời đại và không nói gì tới cải cách giáo dục là phương châm hết sức quan trọng”. Ông Nguyên Ngọc cũng đồng thời phê phán tính chất lặt vặt của hoạt động giáo dục Việt Nam. Một trong những nhân vật được nhiều người biết là ông Trần Hồng Quân hiện là chủ tịch các trường đại học cao đẳng tư nhân Việt Nam, cựu bộ trưởng Bộ Giáo Dục thì cho rằng “dự thảo luật Giáo dục Việt Nam chưa phác thảo chiến lược phát triển giáo dục của nền đại học Việt Nam”.
Ông Trần Hoàng Quân cũng phê phán ngành giáo dục trong nước thiếu công bằng xã hội. Một số học giả còn nhận định rằng ngành giáo dục còn dầy dẫy tệ nạn thế mà một số viên chức thẩm quyền của ngành này lại toan tính sửa đổi chương trình sách giáo khoa của các trường đại học tốn kém tới 70,000 tỉ đồng, tương đương với 3 tỉ rưỡi đô. Theo ông Hoàng Tụy, đây là biểu hiện “tư duy tùy tiện” của giới lãnh đạo ngành giáo dục Việt Nam. Còn theo báo Tuổi Trẻ, giáo sư Nguyễn Ðăng Hưng từng giảng dạy tại Bỉ cho rằng luật Giáo dục Việt Nam hô hào “hội nhập thế giới” nhưng lại không chú trọng đến các cuộc cách mạng giáo dục thành công ở xứ người.
Ông Hưng chê trách sự hỗn loạn trong hoạt động giáo dục ở Việt Nam khi cho ra đời quá nhiều hệ đào tạo từ hệ chính quy, hệ tại chức đến hệ cộng đồng... Báo Tuổi Trẻ cũng cho rằng các sinh viên hệ tại chức chỉ cần “học chơi chơi” rồi đợi lúc tốt nghiệp cũng “lãnh một bằng đại học chính quy như ai”. Tình hình này đã dẫn đến xáo trộn hồi năm rồi qua vụ chính quyền Ðà Nẵng nhất định không chịu tuyển mộ những người tốt nghiệp đại học hệ tại chức. Báo Tuổi Trẻ còn liên kết với hàng loạt sự kiện cho thấy hậu quả tệ hại xảy ra vì ngành đại học Việt Nam đi “lệch pha”. Chẳng hạn như vụ sinh viên trường đại học Bách Khoa Sài Gòn ra trường mà không tìm được việc làm từ những năm cuối thập niên 1980.
Mới đây là vụ trường Ðại Học Ðà Lạt buộc phải đóng cửa 4 ngành học gồm xã hội học, văn hóa học, Việt Nam học và sư phạm tin học vì không tuyển đủ sinh viên. Báo Tuổi Trẻ cho biết trong đợt thi tuyển năm học vừa qua, trường Ðại Học Ðà Lạt chỉ tuyển được 167 sinh viên trong khi chỉ tiêu cho phép thu nhận là 1,500 sinh viên. Báo Tuổi Trẻ còn đi xa hơn khi cho rằng sự bất cập của nền đại học Việt Nam xuất phát từ sự yếu kém của ngành trung-tiểu học.
Một lớp học sinh chuẩn bị bước vào đại học với phong cách học rập khuôn, không quan tâm khiến kiến thức sáng tạo đã dẫn tới điều tồi tệ cho môi trường giáo dục đại học. (P.L.)
|