Sự sụp đổ của thị trường địa ốc có thể gây ra những rối loạn...
Thượng Hải : TQ trước nguy cơ vỡ bong bóng địa ốc / DR
Thị trường địa ốc Trung Quốc, một trong những trụ cột của nền kinh tế đứng hàng thứ hai thế giới, có thể sắp bị đình đốn và đẩy nhiều nhà đấu tư bất động sản, hiện đang mắc nợ chồng chất, rơi vào tình trạng phá sản.
Bà Trương Hân, sáng lập viên chi nhánh Soho China, người đã phất lên nhanh chóng nhờ sự phát triển của lĩnh vực bất động sản, giờ đây cũng tỏ ra lo ngại về nguy cơ vỡ bong bóng của thị trường này. Bà nói với báo chí rằng kể từ 16 năm qua, chưa bao giờ bà thấy việc kinh doanh địa ốc lại khó khăn như hiện nay. Có ít nhất hai yếu tố chính thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản tại Trung Quốc trong hơn một thập niên qua. Theo số liệu được AFP nêu ra, chỉ riêng trong năm 2010, tổng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản Trung Quốc đã lên tới 750 tỷ đô la. Từ cuối những năm 1990, thị trường địa ốc Trung Quốc bắt đầu khởi sắc sau khi chế độ trợ cấp tiền thuê nhà cho người dân ở thành thị bị xóa bỏ và điều này khuyến khích họ đi mua căn hộ. Vào tháng 11 năm 2008, do khủng hoảng tài chính toàn cầu và xuất khẩu bị suy giảm, Bắc Kinh đã đưa ra kế hoạch tái thúc đẩy kinh tế, trị giá 4000 tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng 586 tỷ đô la, nhằm thúc đẩy nhu cầu nội địa, duy trì tăng trưởng.
Các điều kiện cấp tín dụng được nới lỏng và một phần lớn số tiền trong kế hoạch chấn hưng kinh tế lại được cho vay để đầu tư vào bất động sản. Nhờ vậy, lĩnh vực này đã phát triển mạnh. Thế nhưng, kể từ năm ngoái, chính quyền bắt đầu áp dụng các biện pháp giảm bớt đầu tư vào bất động sản, giới hạn số căn hộ mà một người có thể mua, nâng lãi suất cho vay. Một số thành phố lớn như Thượng Hải, Trùng Khánh còn đưa ra các loại thuế thổ trạch. Theo doanh nhân Trương Hân, thì « các biện pháp này đã thực sự giết chết thị trường » bất động sản. Nhiều nhà phân tích cho rằng việc suy giảm số lượng nhà bán được trong thời gian tới có thể làm cho nhiều nhà kinh doanh địa ốc, do mắt nợ quá cao, sẽ bị phá sản. Công ty tư vấn kinh tế Capital Economics nhận định là triển vọng ngắn hạn đối với các nhà đầu tư bất động sản tại Trung Quốc ngày càng ảm đạm.
Trong quý ba năm nay, các giao dịch địa ốc đã giảm 15%. Một loạt các căn hộ vừa xây xong, sắp được đưa ra thị trường và có thể các nhà kinh doanh sẽ phải đối mặt với một khối lượng lớn không bán được. Trong tháng Tám, 46 trong số 70 thành phố lớn của Trung Quốc thông báo là thị trường địa ốc bị đình đốn hoặc giá bị giảm so với tháng Bẩy. Tại Thượng Hải, nơi lĩnh vực bất động sản vốn có tốc độ phát triển nhanh chóng mặt, số các căn hộ mới xây bán được đã giảm tới một nửa trong tháng Chín. Giới quan sát cảnh báo, sự sụp đổ của thị trường địa ốc có thể gây ra những rối loạn nếu hàng triệu người sở hữu bất động sản thấy giá trị tài sản của mình bị tụt giảm mạnh. AFP cho biết là vào đầu tháng một nhóm những người mua nhà đã phản đối một công ty đầu tư kinh doanh địa ốc ở Thượng Hải hạ giá bán các căn hộ chưa hoàn tất, được xây ở tỉnh Giang Tô, trong khi những người đóng tiền mua trước đó đã phải trả giá rất cao. Giá trung bình một mét vuông căn hộ ở trung tâm Thượng Hải là 48 000 nhân dân tệ, khoảng 7500 đô la, gấp 12 lần mức lương tháng trung bình. Trong bối cảnh đó, những người đi mua nhà khó có thể quý mến các nhà đầu tư, kinh doanh địa ốc. Để đối phó với lạm phát, chính quyền Bắc Kinh tiếp tục chính sách thắt chặt tín dụng, ít nhất là trong vòng 12 tháng tới. Do vậy, các nhà đầu tư khó có thể vay của ngân hàng. Họ phải huy động vốn từ các cơ sở tài chính hoặc của khu vực không chính thức (tức là qua các dàn xếp vay chui, bất hợp pháp) và phải chấp nhận trả lãi suất rất cao so với lãi suất của ngân hàng. Theo công ty thẩm định tài chính Standard & Poor’s, sang năm tới, một số nhà đầu tư Trung Quốc sẽ phải đối mặt với việc thanh toán các khoản nợ còn lớn hơn số vốn thu được từ việc bán nhà. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ buộc phải xem xét lại chính sách kiểm soát tín dụng nếu như các công ty kinh doanh địa ốc không thể trả được nợ hoặc bị phá sản. |