"Chiếm London" bước sang ngày thứ hai |
Tác Giả: BBC |
Chúa Nhật, 16 Tháng 10 Năm 2011 16:37 |
Cuộc biểu tình nhìn chung được các phóng viên mô tả là ôn hòa. Hàng nghìn người biểu tình đã xuống đường hôm thứ Bảy để thực hiện điều mà họ gọi là "Chiếm London" nhằm phản đối sự bất công trong đời sống kinh tế ở Anh quốc.
Khoảng 2.000 người đã tập hợp tại quảng trường của Thánh đường vào ngày thứ Bảy, theo ước tính của cảnh sát và khoảng 500 người khác vẫn lưu lại qua đêm. Cuộc biểu tình là một phần của sự kiện ‘một ngày toàn cầu’ gồm các cuộc phản đối hối thúc các chính trị gia lắng nghe người dân mà không phải là nghe các “tài phiệt ngân hàng.” Vào lúc bình minh, cảnh sát có mặt ở quanh bậc thềm bên ngoài Thánh đường, nhưng ngay trước khi Thánh đường mở cửa đã rút đi. Giới chức cảnh sát đếm được khoảng 70 chiếc lều được dựng lên bởi những người phản đối qua đêm, sau một nỗ lực trước đó của họ nhằm biểu tình bên ngoài Sàn Chứng khoán London, vốn đã bị cảnh sát ngăn chặn. Thánh đường St Paul đã mở cửa theo lệ thường lúc 08h00, giờ London, để làm lễ và đón du khách. Thứ Bảy được những người tổ chức gọi là ngày "đoàn kết vì sự thay đổi toàn cầu", lấy cảm hứng từ phong trào biểu tình kinh tế “Chiếm Wall Street,” vốn diễn ra khoảng bốn tuần nay ở Hoa Kỳ. Một người biểu tình qua đêm ở London, Nathan, nói với BBC: "Lý do mà tôi đang ở đây là vì sự tham lam của các hãng và các công ty vốn đã thâm nhập vào chính phủ của chúng tôi và can thiệp vào việc hoạch định chính sách. "Tôi nghĩ nếu có thể tạo ra được một điều gì thì cần tạo ra một cuộc đối thoại mở. Hôm qua chúng tôi đã có 3.000 người ở đây. "Chúng tôi đã chia thành các nhóm nhỏ hơn, và một trong các nhóm đó đang tìm cách để có thể bắt đầu tạo ra một cuộc thảo luận ". "Sẽ còn đông lên" Sau khi bị cảnh sát ngăn chặn tiến vào biểu tình ở Sàn Chứng khoán London, nhiều người đã trụ lại và cắm trại trước cửa Nhà thờ Thành Paul ở trung tâm Thủ đô. Hàng trăm người trong số họ đã biểu tình ngồi một cách hòa bình trên các bậc thềm rộng của Thánh đường nổi tiếng ở trung tâm London này vào ngày thứ Bảy. Một số người đã bị cảnh sát còng tay, nhưng cuộc biểu tình nhìn chung được các phóng viên mô tả là ôn hòa. Cảnh sát ban đầu cho biết cắm trại ở trước cửa Nhà thờ là "bất hợp pháp và thiếu tôn trọng", nhưng sau đó lại thông báo sẽ không di chuyển bất cứ ai ra khỏi địa điểm. Ba người đã bị bắt hôm thứ Bảy vì "tấn công nhân viên cảnh sát" và hai người bị câu lưu vì "vi phạm trật tự công cộng." Một người phản đối khác, Joshua, tin rằng số lượng người biểu tình sẽ còn tăng lên nữa, dựa trên kinh nghiệm ở Hoa Kỳ. "New York chỉ khởi đầu với 70 người vào đêm đầu tiên, còn chúng tôi đã có tới 500 người vào đêm đầu của mình. “Và cuối tuần sau đó, người Mỹ đã có tới 70.000 người tập hợp. "Mọi người đang theo dõi chúng tôi. Vì vậy, hoàn toàn không có lý do gì mà chúng tôi lại không đông đảo lên." Nhiều cuộc biểu tình phản đối nhỏ hơn cũng được ghi nhận diễn ra ở các thành phố khác của Vương quốc Anh như Bristol, Birmingham, Glasgow và Edinburgh vào hôm thứ Bảy. Riêng tại thủ đô London của Anh, truyền thông cho hay người biểu tình “Chiếm London” đang bước sang buổi chiều thứ hai của một cuộc biểu tình chưa rõ sẽ tiếp diễn ra sao về mức độ, tính chất và số lượng của nó.
|