Home Tin Tức Thời Sự Ngoại trưởng Mỹ cam kết trở lại Châu Á

Ngoại trưởng Mỹ cam kết trở lại Châu Á PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Bảy, 15 Tháng 10 Năm 2011 22:09

Bà Clinton nói sức mạnh các giá trị Hoa Kỳ còn quan trọng hơn cả sức mạnh quân sự và kinh tế.

 

Ngoại trưởng Hoa Kỳ nói Châu Á Thái Bình Dương có ý nghĩa quan trọng đối với Hoa Kỳ và thế giới

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton vừa có bài viết dài khẳng định cam kết của Washington với Châu Á Thái Bình Dương.

Trong bài viết mang tựa đề "Thế kỷ Thái Bình Dương của Hoa Kỳ", bà ngoại trưởng nói Châu Á Thái Bình Dương trải dài Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương với gần một nửa dân số trên thế giới đã trở thành "động lực chính của chính trị toàn cầu."

Người đứng đầu ngành ngoại giao Hoa Kỳ nhận định:

"Vào lúc khu vực này đang xây dựng những cơ cấu kinh tế và an ninh chín chắn hơn để thúc đẩy sự ổn định và thịnh vượng, cam kết của Hoa Kỳ tại đây là hết sức cần thiết.

"Nó [cam kết của Hoa Kỳ] giúp xây dựng cơ cấu đó và giúp Hoa Kỳ giữ vai trò lãnh đạo trong nhiều năm trong thế kỷ này, cũng giống như cam kết hậu Thế Chiến II của chúng ta đối với việc xây dựng các quan hệ và hệ thống định chế xuyên Đại Tây Dương mang tính chiến lược và lâu dài đã mang lại kết quả lớn hơn nhiều so với đầu tư ban đầu và vẫn tiếp tục như vậy."

Bà Clinton nói việc đảm bảo hòa bình và an ninh tại Châu Á Thái Bình Dương ngày càng có ý nghĩa quan trọng cho tiến bộ toàn cầu cho dù đó là chuyện bảo vệ quyền tự do lưu thông ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), ngăn chặn cố gắng phổ biến vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên hay đảm bảo sự minh bạch trong hoạt động quân sự của những nước lớn trong khu vực.

"Chúng ta là cường quốc duy nhất với mạng lưới liên minh mạnh mẽ trong khu vực nhưng không có tham vọng lãnh thổ trong khi có lịch sử phụng sự lợi ích chung," bà Clinton viết.

Theo Bấm bài viết trên Foreign Policy, Hoa Kỳ hiện có hiệp ước liên minh với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Philippines và Thái Lan.

Riêng tại Nhật Bản và Hàn Quốc đã có 50.000 quân nhân Hoa Kỳ hiện diện và Nhật Bản đã bỏ ra năm tỷ đô la để đảm bảo binh lính Hoa Kỳ tiếp tục có mặt ở nước này.

Bà Clinton nói bản thân bà đã chọn Châu Á là nơi đầu tiên tới thăm trong vai trò ngoại trưởng còn Tổng thống Barack Obama vào tháng 11 năm nay sẽ trở thành tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên tham dự Diễn đàn Đông Á diễn ra tại Indonesia.

Vấn đề nhân quyền

Nhắc tới Trung Quốc, ngoại trưởng Hoa Kỳ nói cả hai nước sẽ được lợi hơn nhiều từ hợp tác thay vì đối đầu.

"Sự thật là một nước Hoa Kỳ hùng mạnh tốt cho Trung Quốc và một nước Trung Quốc hùng mạnh tốt cho Hoa Kỳ."

Bà Clinton nói Hoa Kỳ khuyến khích Trung Quốc tích cực tham gia vào giải quyết các vấn đề toàn cầu và cùng lúc tăng tính minh bạch trong các hoạt động quân sự để không có sự hiểu nhầm giữa quân đội Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Vị ngoại trưởng cũng nhắc tới những lo ngại của Washington về tình trạng nhân quyền ở đất nước đông dân nhất thế giới.

"Chúng ta đã nêu rất rõ, cả công khai và trong các cuộc gặp kín, những lo ngại sâu sắc của chúng ta về nhân quyền.

"...Chúng ta đã giải thích cho các đồng nghiệp Trung Quốc rằng sự tôn trọng đúng mực luật lệ quốc tế và một hệ thống chính trị cởi mở hơn sẽ tạo cơ sở để Trung Quốc phát triển và ổn định hơn nhiều - đồng thời tăng niềm tin cho các đối tác của Trung Quốc.

"Nếu không Trung Quốc đã tự hạn chế sự phát triển của chính họ một cách không cần thiết."

Bà Clinton nói sức mạnh các giá trị Hoa Kỳ còn quan trọng hơn cả sức mạnh quân sự và kinh tế.

Bà nói trong khi họ thắt chặt thêm quan hệ với các nước mà Washington có khác biệt về hệ giá trị, người Mỹ luôn thúc giục các nước này thúc đẩy cải cách để cải thiện hệ thống quản trị, bảo vệ nhân quyền và tăng cường tự do chính trị.

Vị ngoại trưởng cũng đưa Việt Nam ra làm ví dụ.

"Chúng ta đã nói rõ ...với Việt Nam rằng tham vọng phát triển quan hệ chiến lược đòi hỏi họ phải có những bước đi nhằm bảo vệ tốt hơn quyền con người và thúc đẩy tự do chính trị."

"...Chúng ta không thể và không định áp đặt hệ thống của chúng ta lên các nước khác, nhưng chúng ta tin rằng một số giá trị có tính phổ quát và người dân của mọi quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Châu Á, đều coi trọng - chúng [Những giá trị này] là những giá trị của những nước thịnh vượng, hòa bình và ổn định.

"Suy cho cùng chính người Châu Á sẽ tự theo đuổi những quyền và hoài bão của họ giống như chúng ta thấy người dân đã làm ở khắp nơi trên thế giới."

'Lãnh đạo toàn cầu'

Bà Clinton nói có nhiều người hoài nghi sức bền của Hoa Kỳ trong vai trò lãnh đạo thế giới và bà nói những hoài nghi này không có gì mới.


Bà Clinton nói Hoa Kỳ vẫn có nhiều cái nhất trên thế giới trong đó có quân đội mạnh nhất

"Khi Cuộc chiến Việt Nam kết thúc, có vô vàn các nhà bình luận toàn cầu đưa ra ý tưởng rằng Hoa Kỳ đang rút lui và đây là đề tài cứ vài thập niên lại được lặp lại.

"Nhưng bất cứ khi nào Hoa Kỳ gặp trở ngại, chúng ta đều có thể vượt qua nhờ tái sáng tạo và đổi mới.

"Khả năng trở lại với tư cách mạnh hơn của chúng ta là chưa từng có trong lịch sử hiện đại.

"Nó bắt nguồn từ mô hình dân chủ tự do và doanh nghiệp tư do của chúng ta, mô hình hiện vẫn là phương tiện mạnh mẽ nhất sản sinh ra sự thịnh vượng và tiến bộ mà loài người từng biết tới."

Vị ngoại trưởng nhắc lại cho thế giới thấy Hoa Kỳ vẫn có nền kinh tế mạnh nhất thế giới, quân đội có vị trí số một, hiệu suất lao động của người Mỹ cao nhất thế giới và các trường đại học của Hoa Kỳ nổi tiếng khắp thế giới.

"Bởi vậy không thể nghi ngờ chuyện Hoa Kỳ có khả năng giữ vững và đảm bảo sự lãnh đạo toàn cầu trong thế kỷ này như chúng ta đã đạt được trong thế kỷ trước," bà nói.