Home Tin Tức Thời Sự Hồ sơ wikileaks: Video LS Lê Công Ðịnh 'nhận tội' bị cắt xén

Hồ sơ wikileaks: Video LS Lê Công Ðịnh 'nhận tội' bị cắt xén PDF Print E-mail
Tác Giả: Ðỗ Dzũng   
Thứ Bảy, 15 Tháng 10 Năm 2011 06:34

Ðoạn video dài 20 phút về Luật Sư Lê Công Ðịnh “nhận tội” đã bị chính quyền cắt xén rất nhiều,

và được chiếu trên đài truyền hình nhà nước Việt Nam VTV vào lúc 7 giờ tối ngày 19 Tháng Tám, 2009, theo công điện ngoại giao do Ðại Sứ Hoa Kỳ Michael Mikhalak gởi từ Hà Nội về Washington D.C.


Luật Sư Lê Công Ðịnh tại một buổi họp ở Sài Gòn hồi Tháng Năm, 2009, trước khi bị bắt.

Ðây là một trong bốn đoạn video về bốn người bất đồng chính kiến bị an ninh Việt Nam bắt trước đó hơn hai tháng và bị tố cáo tội “âm mưu lật đổ chính quyền” hoặc “tuyên truyền chống nhà nước.”


Những người bị bắt gồm Luật Sư Lê Công Ðịnh, thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung, doanh gia/kỹ sư Trần Huỳnh Duy Thức và cựu trung tá quân đội nhân dân Việt Nam, Trần Anh Kim.

“Cắt xén”

“Ðây là một trong những đoạn video chiếu toàn quốc vào buổi tối, cho thấy nhiều nhà hoạt động địa phương, làm việc với một số người ngoại quốc, nhằm 'lật đổ chính quyền Việt Nam,'” bản công điện viết. “Chương trình cho chiếu đoạn video thứ tư của buổi tối hôm đó, một đoạn dài 20 phút, dài một cách bất bình thường đối với một bản tin. Trong tất cả những đoạn phim này - bị cắt xén rất nhiều - khán giả thấy những cá nhân bị bắt trong thời gian từ Tháng Năm đến Tháng Bảy, nhận tội với công an, trong đó có cả Luật Sư Lê Công Ðịnh.”

“Theo nhiều nguồn tin báo chí, những đoạn phim và lời đọc này do Bộ Công An sản xuất, và được Ban Tuyên Giáo Trung Ương gởi tới đài VTV một ngày trước đó, và không giải thích gì cả,” bản công điện viết tiếp.

Bản công điện còn mở ngoặc, rằng: “Ủy ban này do ông Tô Huy Rứa đứng đầu, và ông là ủy viên mới nhất của Bộ Chính Trị.”

Chương trình được phát hình vào lúc có nhiều người xem nhất trong ngày, ban đầu trên đài VTV3, sau đó phát lại trên đài VTV lúc 10 giờ tối và được đưa lên trang web của đài sau đó.

Ðại sứ Hoa Kỳ nhận xét: “Ðoạn phim cuối cùng chiếu phần nhận tội của người được chú ý nhiều nhất, Luật Sư Lê Công Ðịnh, cư dân thành phố Hồ Chí Minh. Ðoạn phim bắt đầu với một tuyên bố hơi khó hiểu từ người đọc, cho rằng đây là 'một trong nhiều' mô tả về hoạt động của Luật Sư Lê Công Ðịnh.”

Bản công điện viết tiếp: “Ông Ðịnh nói rằng đã gặp Trần Huỳnh Duy Thức và Nguyễn Sỹ Bình tại Thái Lan, và từng là thành viên đảng Dân Chủ Việt Nam và 'tuyên truyền chống lại chính quyền Việt Nam.' Phần lớn đoạn phim bị cắt xén tập trung vào chuyện ông Ðịnh thường xuyên gặp quan chức chính phủ và ngoại giao Mỹ.”

Những người ông Ðịnh nêu tên trong đoạn phim là Thứ Trưởng Ngoại Giao John Negroponte, Ðại Sứ Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế John Hanford, Ðại Sứ Michael Michalak, Tổng Lãnh Sự Ken Fairfax, Tùy Viên Kinh Tế Tổng Lãnh Sự tại TP HCM Douglas Sonnek và Tùy Viên Chính Trị Tổng Lãnh Sự tại TP HCM Katia Bennett.

Bản công điện mở ngoặc: “Một cách lạ lùng, ông Ðịnh không nhắc tới cuộc gặp gỡ với Phó Phụ Tá Ngoại Trưởng đặc trách Ðông Á Thái Bình Dương Scot Marciel hồi Tháng Hai, cũng như Phó Ðại Sứ Virginia Palmer và Tùy Viên Chính Trị Tòa Ðại Sứ Christian Marchant.”

Chi tiết nhất là vụ ông Ðịnh gặp ông Negroponte vào Tháng Chín, 2008, theo bản công điện. Ông Ðịnh nói vị cựu thứ trưởng ngoại giao nói với ông rằng chính phủ Hoa Kỳ quan tâm rất nhiều đến sự phát triển chuyên nghiệp của luật sư ở Việt Nam, bởi vì, nếu không có luật sư tốt thì không thể có một chính phủ tốt làm việc dựa trên luật pháp, bản công điện cho biết.

“Ông Ðịnh nói ông nhận thức rằng - dựa trên quan tâm của Hoa Kỳ để có sự hợp tác giữa hệ thống tòa án và tư pháp của Mỹ và Việt Nam - chính phủ Hoa Kỳ muốn khuyến khích một nền tư pháp độc lập tại Việt Nam, một hệ thống mà không bị đảng Cộng Sản kiểm soát.”

Ðại Sứ Mikhalak nhận xét: “Ông Ðịnh cũng mô tả cuộc gặp gỡ giữa ông Negroponte và lãnh đạo Ðoàn Luật Sư TP HCM. Nếu tách riêng việc này ra, phát biểu của ông Ðịnh là trung lập - và chúng ta chắc chắn không phủ nhận khuyến khích một nền tư pháp độc lập - nhưng khi bị cắt xén, họ (Bộ Công An) làm cho cuộc gặp gỡ giống như là một âm mưu đầy nham hiểm.”

Bị đẩy khỏi Ðoàn Luật Sư

Một bản công điện khác do Tổng Lãnh Sự Ken Fairfax chuyển đi đề cập đến chuyện Ðoàn Luật Sư TP HCM bị ép phải khai trừ Luật Sư Lê Công Ðịnh sau khi ông bị bắt và chuyện giằng co giữa Ðoàn Luật Sư TP HCM với Bộ Tư Pháp Việt Nam trong việc bổ nhiệm nhân sự đứng đầu Liên Ðoàn Luật Sư Việt Nam.

Ông Ken Fairfax nhận xét rằng: “Cuộc đấu đá giữa Bộ Tư Pháp và Ðoàn Luật Sư TP HCM chấm dứt bằng một cuộc giống như 'đình chiến,' trong đó Luật Sư Nguyễn Ðăng Trừng vẫn làm chủ tịch Ðoàn Luật Sư và Phó Chủ Tịch Lê Công Ðịnh phải từ chức. Vụ dàn xếp chính trị này, do ông Trừng và Bộ Trưởng Tư Pháp Hà Hùng Cường thỏa thuận, dọn đường công việc thành lập Liên Ðoàn Luật Sư Việt Nam mà người đứng đầu là Luật Sư Lê Thúc Anh, do đảng Cộng Sản bổ nhiệm, và bị Ðoàn Luật Sư TP HCM phản đối vì thiếu kinh nghiệm tư pháp.”

Công điện trích lời Luật Sư Nguyễn Ðăng Trừng cũng nói rằng cuộc “đấu tranh kiên quyết” của ông với Hà Nội qua vấn đề chính trị hóa Liên Ðoàn Luật Sư Việt Nam chấm dứt, ông tiếp tục làm chủ tịch, và các cuộc điều tra về tài chánh và hoạt động doanh nghiệp của ông được chấm dứt. Ðổi lại, ông Trừng chấm dứt chuyện ngăn cản việc bổ nhiệm ông Lê Thúc Anh.

Tuy nhiên, ông Trừng bác bỏ việc “trao đổi” này và nói rằng trong khi luật sư nhân quyền Lê Công Ðịnh từ chối tái ứng cử Ban Chấp Hành Ðoàn Luật Sư TP HCM, ông đã bổ nhiệm ông Ðịnh đứng đầu một trung tâm nghiên cứu tư pháp mới, bản công điện viết.

Trong cuộc thảo luận với tùy viên chính trị Mỹ hôm 6 Tháng Ba, vài ngày trước khi bị bắt, Luật Sư Lê Công Ðịnh có vẻ hài lòng với cuộc tương nhượng và cảm thấy vai trò mới của ông tương đối thoải mái hơn cũng như cảm thấy nhẹ nhõm khi Luật Sư Nguyễn Ðăng Trừng tiếp tục làm chủ tịch, theo bản công điện.

Ông Ðịnh cũng nói rằng Phó Chủ Tịch TP HCM Nguyễn Văn Ðua - con cưng của thành phần bảo thủ trong đảng lúc đó - là người thương thuyết với ông Trừng, bản công điện cho biết tiếp. Sự can dự của ông Ðua cho thấy ông Trừng được sự ủng hộ của “thành phố” trong cuộc đấu tranh của ông với Bộ Trưởng Cường qua vụ bổ nhiệm ông Lê Thúc Anh.

Một trong những lý do ông Trừng “rất thất vọng” với ông Anh, theo bản công điện, vì ông này thiếu kinh nghiệm của một luật sư chuyên nghiệp và thiếu kiến thức về luật quốc tế liên quan đến Việt Nam.

Ðây chính là lý do mà Ðoàn Luật Sư TP HCM từ chối nhận ông Lê Thúc Anh làm hội viên, làm ông phải gia nhập Ðoàn Luật Sư Bà Rịa-Vũng Tàu, một thủ tục bắt buộc để có thể đứng đầu Liên Ðoàn Luật Sư Việt Nam mới thành lập, bản công điện cho biết tiếp.

Trong khi làm việc để thành lập Liên Ðoàn Luật Sư Việt Nam, bản công điện viết, ông Trừng kiên quyết không nhượng bộ và nói rằng, nếu Hà Nội ép, ông sẽ từ chức và không để tổ chức này “trở thành một công cụ” vì hơn một nửa luật sư Việt Nam sống tại và làm việc tại TP HCM.

Bản công điện trích lời ông Trừng nói tương lai thuộc về những luật sư “giỏi và thông minh” như Luật Sư Lê Công Ðịnh, và hy vọng ông Ðịnh sẽ thăng chức khi thời cơ đến, và nói thêm rằng “can đảm không có nghĩa là liều lĩnh một cách không cần thiết.”

Trong khi đó, cũng theo bản công điện, ông Ðịnh rất phấn khởi về trung tâm pháp lý mới mà ông định biến nó trở thành một nơi nghiên cứu và cố vấn pháp luật. Trung tâm này sẽ nghiên cứu luật mới và cải tổ hành chánh cũng như cách gia tăng sự công khai và hiệu quả trong hệ thống hành chánh đối với người dân, một phương cách sẽ có ảnh hưởng lớn đối với chính sách đất đai của chính phủ.

Ông Ðịnh cũng hy vọng trung tâm này sẽ kết hợp với các trung tâm tư pháp quốc tế và khu vực để trao đổi ý kiến và học hỏi kinh nghiệm liên quan đến luật hiến pháp, một đề tài mà ông nghĩ rất quan trọng trong cố gắng cải tổ hệ thống tư pháp Việt Nam.