Home Tin Tức Thời Sự 9 dân biểu Mỹ kêu gọi VN trả tự do cho 13 nhà hoạt động Công giáo

9 dân biểu Mỹ kêu gọi VN trả tự do cho 13 nhà hoạt động Công giáo PDF Print E-mail
Tác Giả: Trà Mi - VOA   
Thứ Năm, 13 Tháng 10 Năm 2011 10:21

 Việt Nam nên bị liệt kê là một ‘quốc gia cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo’

 

  Hình: video/Ed Royce / Bức thư do dân biểu Ed Royce đề xướng yêu cầu chính quyền Hà Nội trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho các thanh niên Công giáo đã bị cầm giữ hơn 2 tháng nay
 

Trong bức thư gửi Thủ tướng Việt Nam đề ngày 12/10/2011, 9 nhà lập pháp trong Hạ viện Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Hà Nội bắt giữ 13 nhà hoạt động nhân quyền, đa số là tín đồ Công giáo  Dòng Chúa Cứu thế thuộc giáo phận Vinh, từ cuối tháng 7 tới nay.

Lá thư nhắc nhở Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng các chiến dịch đàn áp và các vụ bắt bớ tại Việt Nam đang ngày càng trở nên thường xuyên là vi phạm Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị của công dân.

9 dân biểu đồng ký tên trong thỉnh nguyện thư nói rằng với tình trạng vi phạm quyền tự do tín ngưỡng tiếp diễn tại Việt Nam mà chiến dịch bắt giữ 13 nhà hoạt động tôn giáo mới đây là một bằng chứng cụ thể, Việt Nam nên bị liệt kê là một ‘quốc gia cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo’, tức trong danh sách CPC.

Bức thư do dân biểu Ed Royce đề xướng yêu cầu chính quyền Hà Nội trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho các thanh niên Công giáo đã bị cầm giữ hơn 2 tháng nay bao gồm các blogger, các nhà tổ chức cộng đồng, và các giáo dân hăng hái hoạt động công tác xã hội, như Chu Mạnh Sơn, Đặng Xuân Diệu, Đậu Văn Dương, Hồ Đức Hòa, Hồ Văn Oanh, Nguyễn Văn Duyệt, Nguyễn Văn Oai, Nguyễn Xuân Anh, Nông Hùng Anh, Thái Văn Dung, Trần Hữu Đức, Trần Minh Nhật và Paulus Lê Văn Sơn.
 
Ông Trần Đức Trường, thân phụ của anh Trần Hữu Đức, một trong những người đang bị cầm giữ, phát biểu với VOA Việt Ngữ:

“Hiện giờ gia đình vẫn chưa có tin tức gì kể từ ngày Đức bị bắt 2/8/2011.

Trước đây, gia đình cứ đi tìm từng địa điểm, viết thư, rồi lên tỉnh, lên trung ương, nhưng họ chỉ trả lời loanh quanh. Một thời gian lâu sau, chúng tôi trực tiếp xuống trại giam Nghi Kim, Nghệ An, hỏi xem có tên tuổi của Đức ở đây không. Họ bảo có, nhưng họ nói rằng họ chỉ biết giữ người thôi, còn vì lý do gì, thì họ bảo không biết. Chúng tôi cũng đi hỏi nhiều chỗ khác, nhưng không ai trả lời cả.

Nếu được quốc tế quan tâm, gia đình chúng tôi rất phấn khởi. Chúng tôi rất mong muốn có tiếng nói để trả lại tự do và công lý cho tất cả nhiều người khác nữa.”

Nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, trong đó có tổ chức bảo vệ những người tranh đấu cho nhân quyền Front Line Defenders, tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch, Ủy ban Bảo vệ Ký giả CPJ, và Tổ chức Phóng viên Không biên giới RSF, đã lên án Hà Nội vi phạm nhân quyền và kêu gọi phóng thích 13 nhà hoạt động cổ xúy cho công lý và dân quyền đang bị giam giữ.