Lũ lụt đe dọa đền đài, lăng tẩm của Bangkok
Cảnh ngập lụt tại tỉnh Nonthaburi nhìn từ không trung, 12/10/2011. REUTERS/Sukree Sukplang
Những kho tàng của Bangkok bị đe dọa. Miến Điện và tiến trính mở cửa. Phong trào « Occupy Wall Street » lan rộng. Herman Cain, « con ngựa ô » trên chính trường Mỹ. Đó là những đề tài chính được báo chí Pháp quan tâm. Báo chí Pháp ngày 13/10/11 tập trung nói về cuộc tranh luận tay đôi trên đài truyền hình France 2 tối qua giữa hai ứng cử viên bà Martune Aubry và ông François Hollande của đảng Xã hội cũng muốn đại diện cho đảng để ra tranh cử tổng thống vào năm tới.
Một cuộc tranh luận « không có gì mới mẻ về mặt nội dung » theo như nhận xét của tờ Le Figaro thiên hữu. Còn theo quan điểm của tờ Libération thiên tả, thì đó là một cuộc trao đổi « thẳng thắn nhưng chừng mực » không bên nào đả thương bên nào. Nhìn từ phía nhật báo kinh tế Les Echos bà Aubry đã tỏ ra « căng thẳng » còn ông Hollande thì tạo cho mình hình ảnh của một nhà chính trị có sức tập hợp đủ mọi thành phần.
Giữa hai ứng cử viên đại diện cho đối lập cánh tả cùng muốn ra tranh cử tổng thống này thì giới chủ nhân có nhiều thiện cảm với ông Hollande hơn.
Về châu Á, tình trạng lũ lụt đang hoành hành tại Thái Lan được chú ý qua một bài phóng sự trên báo Le Figaro. Những kho tàng của Bangkok bị đe dọa Thái Lan đang chuẩn bị đối mặt với trận lụt nghiêm trọng nhất từ 50 năm qua.
Bao cát đang trở thành mặt hàng hiếm tại thủ đô Bangkok. Dân chúng tích trữ gạo, nước uống. Nội dung phóng sự trên Le Figaro cho biết như trên. Mực nước ở Bangkok dự trù tăng cao đến báo động vào ngày 16/10/11. Chính quyền địa phương đang gấp rút đắp đê ven sông, che chắn chung quanh các khu vực như sân bay, dựng cầu tạm, đặt ống bơm, đào kênh thoát nước … Dân cư Bangkok từ nhiều ngày qua tích trữ gạo, nước trong nhà, mua suồng để đi lại và không quên cầu xin thánh thần phù hộ. Thái Lan đang trải qua trận lũ lụt nghiêm trọng nhất từ 50 năm nay. 60 trên 77 tỉnh của vương quốc Thái bị ngập nước ; 270 người thiệt mạng ; 1,4 triệu hecta hoa màu bị chim trong biển nước ; 700 000 ngôi nhà bị hư hại và mực nước dâng cao đang đe dọa Bangkok, trung tâm hành chính và kinh tế của Thái Lan.
Thực ra đây không phải là lần đầu tiên thủ đô Thái Lan bị đe dọa ngập nước.
Cuối thế kỷ thứ 18, nước đã dâng cao đến 4 mét chung quanh hoàng cung. Đến năm 1819 mực nước cũng đã dâng lên tới hơn 3 thước. Nhưng theo nhận xét của Le Figaro, trong quá khứ Bangkok là một thành phố với cả một hệ thống kênh ngòi thông thoáng. Nhưng ngôi nhà sàn thời xa xưa nay đã được thanh thế bằng những tòa nhà chọc trời và những khu thương mại rộng lớn. Bangkok không có lối thoát nước. Con sông Chao Phraya chảy qua thủ đô trước khi đổ ra Vịnh Thái Lan. Năm nay, lượng nước 4 000 mét khối/giây. Các hệ thống phòng vệ ở thượng nguồn đã lần lượt bị phá hủy vì sức nước.
Các ngôi đền cổ tại cố đô Ayutthaya được coi là di sản văn hóa của nhân loại đều đã bị ngập nước trong lúc các trận mưa lớn vẫn ào ạt trút xuống một phần của lãnh thổ Thái Lan. Miến Điện và tiến trình mở cửa Sát cạnh với Thái Lan là Miến Điện : trở lại với đợt ân xá vừa qua của chính quyền Nayppyidaw Libération nhận thấy chính quyền mới « muốn tỏ thái độ mềm mỏng » để cộng đồng quốc tế xóa bỏ lệnh cấm vật nhắm vào quốc gia nhỏ bé này tại Đông Nam Á.
Nhưng trong mắt của thông tín viên báo Le Figaro tại khu vực thì sự cởi mở này vừa « mập mờ » vừa là một tiến trình hoàn toàn « có thể đảo ngược », tức là không có gì chắc chắn.
Bởi lẽ hiện vẫn còn 1930 nhà hoạt động nhân quyền, nhà báo, nghệ sĩ và thành viên của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ đang ngồi tù và Le Figaro lưu ý là trong số những người vừa được « phóng thích » không hề có bất kỳ một gương mặt nào của phong trào dân chủ mang tên « Thế hệ 88 ». Trong quá khứ giới lãnh đạo Miến Điện luôn xen kẽ hai chiến lược : đàn áp để rồi lại tỏ thái độ hòa dịu. Do vậy Le Figaro thận trọng cho là tiến trình cải tổ hiện tại chưa hẳn đã báo trước về ý định thay đổi của giới lãnh đạo và chính chiến lược này đã giúp cho họ liên tục cầm quyền từ một nửa thế kỷ qua. Phong trào « Occupy Wall Street » lan rộng Tại Hoa Kỳ phong trào phản kháng « Occupy Wall Street –Chiếm lấy phố Wall Street » đang trên đường toàn cầu hóa.
Theo điều tra của báo kinh tế Les Echos vào thứ bảy 15/010/11 tới những thành phần bất mãn vì tác động của khủng hoảng tài chính và kinh tế, bất mãn trước bất lực của chính quyền để khắc phục khủng hoảng, bất mãn vì các ngân hàng làm giàu trên mồ hôi nước mắt của người khác … đang chuẩn bị tổ chức biểu tình tại ít nhất 25 quốc gia và đã có không dưới 8 thành phố tại Canada hưởng ứng phong trào bắt nguồn từ New York. Trên các mạng xã hội người ta đã đọc thấy những khẩu hiệu như là « Occupy Sydney, Madrid, hay chiếm lấy thị trường tài chính Luân Đôn ». Từ ngày 17/09/11 hàng trăm người đã cắm trại tại công viên Zuccotti tại New York tiếp theo đó là các cuộc tuần hành quy tụ hàng ngàn, hàng chục ngàn người để nói lên sự công phẫn của « 99 % dân Mỹ phản đối 1 % còn lại đang thâu tóm tất cả mọi quyền lực và của cải ».
Từng bước, cả một ngôi làng như được dựng lên không xa biểu tượng giới tư bản Hoa Kỳ là thị trường tài chính New York Stock Exchange. Khu làng phản kháng nẩy sinh ngay trong chiếc nôi tư bản của Hoa Kỳ là New York này được tổ chức đâu ra đấy : một bên là khu nhà bếp để phục vụ cho người biểu tình, bên kia là một khu giữ trẻ cho các bậc phụ huynh yên tâm hoạt động, ở một khu khác là chỗ để viết áp phích, phát hành áo T-shirt, gây quỹ cho phong trào … Đến nay phong trào phản kháng Chiếm lấy phố Wall đã huy động được hơn 57 000 người qua mạng xã hội Facebook và đã nhận được một khoản ủng hộ trên 100 000 đô la. Đáng chú ý hơn cả, theo báo Les Echos là ban đầu, phong trào phản kháng xuất phát từ nước Mỹ đã ít được chú ý nhưng trong ba tuần qua, Chiếm lấy Wall Street đã bắt đầu được hàng chục tổ chức công đoàn, chính giới và báo chí quan tâm.
Một số nhân vật nổi tiếng đã dừng chân trước công viên Zuccotti tạo thêm uy tín cho phong trào. Trong số đó phải kể đến các ngôi sao điện ảnh như Michael Moore hay Susan Sarandon. Herman Cain, « con ngựa ô » trên chính trường Mỹ Trở lại với phần tin chính trị : tại Hoa Kỳ, trong cuộc chạy đua tranh chức ứng cử viên tổng thống đại diện cho đảng Cộng Hòa một gương mặt mới vừa xuất hiện và đang làm đảo lộn các cuộc thăm dò ý định bỏ phiếu. Libération phác họa chân dung người tự nhận mình là « con ngựa ô » : Cách nay vài tháng, Herman Cain không được mấy ai biết đến. Nhưng qua các cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên của đảng Cộng Hòa cùng muốn đọ sức với ông Barack Obama trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới, thì Herman Cain đã từng bước qua mặt các đối thủ và hiện là nhân vật số 2 trong đảng thu hút nhiều ý định bỏ phiếu nhất (16 %), chỉ thua có ứng cử viên sáng giá nhất là ông Mitt Romney (22 %). Bí quyết thành công của ông Cain nằm ở ba con số 9 : ông chủ nhà hàng Pizza Godfather’s này đề nghị vực dậy kinh tế Hoa Kỳ bằng cách xóa bỏ tất cả các chính sách thuế khóa từ trước đến nay để thay thế bằng một tỷ lệ đóng thuế thu nhập duy nhất cho các hộ gia đình, cho các doanh nghiệp và thuế trị giá gia tăng cho các tiểu bang là 9 %. Trên bàn cờ chính trị ông Herman Cain được coi là thuộc thành phần « cực kỳ bảo thủ ». Nhái lại khẩu hiệu tranh cử của ông Barack Obama năm 2008, Cain tuyên bố « Yes, we Cain ». Ông tự nhận là « con ngựa ô » để nói đến nguồn gốc châu Phi của mình thêm vào đó ông tự nhận là « outsider » tức con ngựa về ngược trong cuộc vận động tranh cử sắp tới. Nhưng Herman Cain là ai ?
theo Libération Cain không chỉ đơn thuần là ông chủ của dây chuyền bán Pizza. Tốt nghiệp môn toán, ông từng là một nhà nghiên cứu, làm việc cho hải quân Mỹ, tiếp theo đó Herman Cain chuyển sang làm việc cho các tập đoàn lớn như Coca Cola và Burger King trước khi điều hành ngân hàng trung ương của bang Kansas và làm người điều khiển chương trình cho một đầi phát thanh. ADN của vua Louis thứ 16 ? Xin được kết thúc mục điểm báo hôm nay với tin được Le Figaro đăng trên trang khoa học : phải chăng ADN của vua Louis thứ 16 đã được tìm thấy trong một chiếc mùi xoa ? Một gia đình quý tộc tại vùng Bologna bên Ý chuyên sưu tầm các bầu rượu vừa cho biết là một trong số các bầu rượu cổ có đựng một chiếc khăn mùi xoa.
Chiếc khăn tay đó theo chủ nhân của gia đình quý tộc này đã được nhúng vào máu của vị vua Pháp Louis thứ 16 khi ông bước lên đoạn đầu đài vào ngày 21/01/1793. Chiếc khăn tay và bầu rượu quý đó đã được chuyển tới hai viện xét nghiệm ADN một ở Ý và một ở Tây Ban Nha. Tất cả còn đang trong quá trình xét nghiệm, nhưng có một điều chắc chắn là để có thể khẳng định được đấy có phải là máu của vua Louis 16 hay không thì giới khoa học cần phải so sánh mẫu ADN tìm thấy trên chiếc khăn tay với ADN lấy từ quả tim của con trai vì vua xấu số này.
Quả tim của Louis thứ 17, vì vua chưa bao giờ lên ngôi hiện được đặt trong khuôn viên thánh đường Saint Denis, ngoại ô Paris. Trước mắt đối với giới y khoa và sử học thì khám phá mới này là một điều hết sức thú vị.
|