Home Tin Tức Thời Sự Thỏa thuận Việt Trung về Biển Đông : Một bước tiến bị hoài nghi

Thỏa thuận Việt Trung về Biển Đông : Một bước tiến bị hoài nghi PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Nghĩa   
Thứ Tư, 12 Tháng 10 Năm 2011 09:18

Bắc Kinh cam kết giải quyết tranh chấp Biển Đông với Hà Nội một cách hòa bình.

 

 
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (P) và Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Đại Lễ Đường Nhân Dân Bắc Kinh, ngày 11/10/2011.
REUTERS/China Daily


Về hình thức, chuyến công du Trung Quốc của lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đã mang lại một “kết quả” thấy rõ.

 Bắc Kinh cam kết giải quyết tranh chấp Biển Đông với Hà Nội một cách hòa bình.

Việc hai bên ghi lại trên giấy trắng mực đen các nguyên tắc hướng dẫn đàm phán, được giới phân tích xem là một tiến bộ.

 Thế nhưng, căn cứ vào tiền lệ thường thấy liên quan đến vấn đề Biển Đông là lời hứa không đi đôi với việc làm, giới phân tích vẫn dè dặt về hiệu quả thực thụ của thỏa thuận.

 


Trả lời phỏng vấn nhanh của Ban Việt ngữ RFI về bản “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển” được hai thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc ký kết ngày hôm qua, 11/10/2011, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Úc (Đại học New South Wales) trước tiên ghi nhận rằng thỏa thuận này là một bước tiến mới trong tiến trình đàm phán Việt Trung về biên giới :
 
Thỏa thuận nguyên tắc chỉ đạo việc giải quyết tranh chấp trên biển [giữa Việt Nam và Trung Quốc] đã được mong đợi từ lâu. Vào năm 2008 hai bên đã đồng ý tiến tới thỏa thuận này, và bảy cuộc gặp song phương đã được tổ chức từ năm 2010.

Việc loan báo rằng thỏa thuận đã đạt được là một bất ngờ, nhưng rõ ràng là cả hai bên đều muốn trình bày một “thành quả” cụ thể nhân chuyến công du đang diễn ra của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Trung Quốc.
 
Cho dù thỏa thuận vừa ký kết chỉ mang tính nguyên tắc, tuy nhiên, theo giáo sư Thayer, điểm yếu đầu tiên của văn kiện này là tính chất mơ hồ về thời gian, không quy định thời hạn cho việc tiến hành đàm phán.
 
Trong thực tế, Trung Quốc và Việt Nam đã từng đạt được một thỏa thuận có tính chất tương tự trong quá trình dẫn đến việc phân định biên giới trên đất liền của họ. Một cuộc họp thượng đỉnh giữa lãnh đạo Đảng của hai nước đã ấn định một thời hạn, và sau đó thỏa thuận về biên giới trên bộ đã đạt được. Nhưng không có dấu hiệu cho thấy là hội nghị thượng đỉnh Việt Trung lần này sẽ quy định ra một thời hạn tương tự cho việc giải quyết tranh chấp trên biển giữa hai bên.
 
Về mặt nội dung, thỏa thuận Việt - Trung về Biển Đông, theo giáo sư Thayer, đã để ngỏ rất nhiều câu hỏi mà phải có thêm thời gian mới có đáp án.

 Một trong những câu hỏi là thái độ của Bắc Kinh sẽ như thế nào nếu Hà Nội vẫn tiếp tục thăm dò và khai thác những vùng mà Trung Quốc đòi chủ quyền. Đề nghị mà Trung Quốc thường đưa ra là đồng khai thác trước, trong khi chờ đợi giải quyết vấn đề chủ quyền, cũng vẫn là một bài toán khó giải quyết :
 
Thỏa thuận nguyên tắc thể hiện cho một bước tiến, nhưng đó là một bước tiến quan trọng hay không, đó là điều vẫn còn chưa rõ ràng. Các bằng chứng sẽ chỉ được thấy trong những tháng sắp tới đây.

Liệu Việt Nam và Trung Quốc có sẽ thực sự khai trương một lĩnh vực nào đó trong số các địa hạt hợp tác được gợi lên hay không ?

 Nếu có, thì đó sẽ là một dấu hiệu tích cực. Mặt khác, liệu Trung Quốc có sẽ tiếp tục khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của họ trên Biển Đông và lên tiếng phản đối khi Việt Nam ký hợp đồng với các công ty dầu hỏa nước ngoài hay không ?
 
Vấn đề hợp tác đồng khai thác cũng đã được đề xuất từ lâu. Điều này chỉ có thể xúc tiến được nếu cả hai bên đồng ý trên một điều khoản theo đó việc cùng nhau khai thác phát triển không làm phương hại đến các tuyên bố chủ quyền của mỗi bên.

Ngoài ra, Việt Nam sẽ phải cẩn thận xem xét khu vực được chọn để làm nơi đồng phát triển. Khu vực đó không được quyền ảnh hưởng đến một bên thứ ba. Trong vấn đề này, Việt Nam cũng phải chú ý xem là việc chia sẻ dầu khí sẽ được thực hiện trên cơ sở bình đẳng hay là Trung Quốc sẽ dành phần lớn ?
 
Sau cùng, theo giáo sư Thayer, ngay cả việc thỏa thuận Việt Trung nhắc đến vấn đề lấy Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 làm cơ sở cho các cuộc thương thảo cũng đặt ra nhiều nghi ngại, vì lẽ cho đến nay, cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều không tuân thủ đầy đủ văn kiện này :
 
Việc nêu lên giá trị của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển bề ngoài có vẻ rất tốt.

Tuy nhiên, cả Trung Quốc, Việt Nam lẫn Philippines đều tuyên bố chủ quyền dựa trên những đường cơ sở quá rộng, vốn không phù hợp với luật pháp quốc tế. Các đường cơ sở đó tạo thành nền tảng của việc phân định lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế.

Sẽ là một bước tiến quan trọng nếu tất cả các bên đều đồng ý vẽ lại các đường cơ sở của mình sao cho phản ánh đúng luật pháp quốc tế. Còn vào lúc này, việc viện dẫn Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển chỉ mang tính chất hình thức mà thôi.