Home Tin Tức Thời Sự Biểu quyết về đập nước trên sông Mekong có thể diễn ra trong tháng tới

Biểu quyết về đập nước trên sông Mekong có thể diễn ra trong tháng tới PDF Print E-mail
Tác Giả: VOA   
Thứ Ba, 11 Tháng 10 Năm 2011 16:37

Dự án này cũng sẽ đưa tới những thay đổi lớn lao cho hệ sinh thái của sông Mekong.

Trong lúc Đông nam Á phải đối phó với một số những trận lụt nặng nhất kể từ hàng chục năm nay, lại có những lo ngại về tác động môi trường đối với một loạt những đập thủy điện hiện đang được hoạch định xây dựng. Nhất là một đập nước tại Lào đã thu hút sự chú ý của mọi người vì nó sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu người sống tại vùng châu thổ sông Mekong.

Từ Bangkok thông tín viên Ron Corben tường trình về cuộc biểu quyết quan trọng vào tháng tới về đập nước Xayaburi và nó có thể có ảnh hưởng chính trị rộng lớn như thế nào đối với khu vực này.


 Hình: Pich Samnang, VOA Khmer / Văn phòng Ủy ban sông Mekong ở Lào nơi giới chức các nước họp về vấn đề sông Mekong
 

Đập Xayaburi do chính phủ Lào đề nghị xây, tọa lạc trong khu vực núi non ở miền bắc nước này, chỉ là 1 trong số 11 đập nước được dự trù xây tại hạ nguồn sông Mekong.

Ông Carl Middleton, một giảng viên tại đại học Chulalongkorn ở Bangkok, cho biết các phúc trình lượng định mang tính cách chiến lược về môi trường (SEA) cảnh báo đập nước này sẽ có những tác động nghiêm trọng.

Ông nói: ”Dự án này cũng sẽ đưa tới những thay đổi lớn lao cho hệ sinh thái của sông Mekong.

Nó sẽ ngăn chặn phần lớn việc du nhập của những đàn cá, kể cả đường du nhập của một số những chủng loại đáng giá nhất trên thế giới gồm cả loại cá trê thật lớn. Vì vậy các phúc trình SEA ước tính có đến 41 chủng loại cá có nguy cơ tuyệt chủng.”

Đập nước trị giá 3,5 tỉ đô la sẽ là dự án đầu tiên xây trên dòng chính của sông Mekong ở bên ngoài Trung Quốc và sẽ sản xuất 1.260 megawatts điện; theo dự kiến Thái Lan sẽ mua chừng 95% số năng lượng này.

Nhưng Việt Nam và Campuchia đã cùng với các nhà bảo vệ môi trường lên tiếng chỉ trích dự án xây đập Xayaburi, nêu lý do nó sẽ tác hại nghiêm trọng đến cho số tôm cá sinh sản, nguồn protein thiết yếu của chừng 40 triệu cư dân trong khu vực.

Họ cảnh báo rằng đập nước sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến 200.000 dân sống ở hạ nguồn, những người phải lệ thuộc vào sông Mekong và các phụ lưu của nó để kiếm sống.

Bất chấp những quan ngại này, các giới chức chính phủ Lào vẫn thúc đẩy việc xây đập.

Ủy ban sông Mekong (MRC) có trụ sở tại Vientiane có trách nhiệm chấp thuận chung cuộc cho công trình xây dựng đập sau khi quyết định về ảnh hưởng của nó đối với môi trừng sinh thái.

Ủy ban, gồm đại diện của Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, theo dự kiến sẽ đưa ra quyết định về dự án xây đập tại một cuộc họp trong tháng 11.

Ông Srisuwan Kuankachorn, một đồng giám đốc của tổ chức bảo vệ Môi Trường và Liên Minh Phục Hồi Sinh Thái TERRA (Towards Ecological Recovery and Regional Alliance ), cho biết cuộc họp vào tháng 11 có thể đưa tới một ảnh hưởng sâu rộng đối với chính trị trong vùng.

Ông nói: ”Chúng ta cần phải xét tới ảnh hưởng của mỗi con đập vì nếu như một đập đã được phép xây thì rồi nó sẽ đưa đến việc phát triển mọi con đập khác.

Vì thế chúng ta phải xét tới khía cạnh này để chúng ta ý thức rõ rằng cuộc họp tháng 11 không phải là một cuộc họp về kỹ thuật, vì nó không đưa ra một quyết định về kỹ thuật, nó là một quyết định chính trị, quyết định đó sẽ định hình lại chính trị trong khu vực đặc biệt này của thế giới, theo tôi nó là một khu vực bé tí tẹo nhưng đầy rắc rối.”

Các giới chức chính phủ Việt Nam cho biết có những lo ngại về ảnh hưởng của đập nước đối với việc trồng lúa trong vùng châu thổ sông Mekong.

Họ đã kêu gọi ngưng xây đập nước cho đến khi hiểu được đầy đủ những tác động của tất cả mọi đập nước dự tính được xây.

Ông Nguyễn Hữu Tiến, một nhà nông học và chuyên gia về đầm lầy từ Cần Thơ, châu thổ sông Mekong, lo ngại là những con đập tính xây sẽ đặt ra một đe dọa lớn cho môi trường và sinh thái của khu vực châu thổ sông Mekong.

Ông nói: ”Cá nhân tôi cho rằng trong suốt lịch sử của vùng đồng bằng sông Mekong các đập nước là một trong những đe dọa lớn nhất của vùng này. Những thiệt hại lớn nhất là mất đi lượng phù sa và tôm cá."

Đồng bằng sông Mekong cung cấp một nửa sản lượng lương thực của Việt Nam cũng như 90% gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Ngành ngư nghiệp trong vùng đồng bằng sông Mekong cũng là một đóng góp lớn cho nền kinh tế của các quốc gia và cho toàn khu vực.