Home Tin Tức Thời Sự Câu Chuyện Nước Mỹ :Một giai đoạn lịch sử Hoa kỳ: cuộc tranh cử tổng thống năm 1960

Câu Chuyện Nước Mỹ :Một giai đoạn lịch sử Hoa kỳ: cuộc tranh cử tổng thống năm 1960 PDF Print E-mail
Tác Giả: Jeri Watson and Steve Ember (VOA)   
Thứ Hai, 10 Tháng 10 Năm 2011 06:35

 Kính thưa quí vị, trong lúc còn hơn 1 năm nữa mới đến ngày bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, bầu không khí chuẩn bị đã bắt đầu. Câu Chuyện Nước Mỹ tuần này mời quí vị ngược dòng thời gian theo dõi cuộc bầu cử năm 1960, với hai ứng cử viên John Kennedy và Richard Nixon, để ôn cố tri tân.

 
 
Bản thảo bài diễn văn từ giả của Tổng thống Dwight Eisenhower tại Thư viện Tổng thống Eisenhower ở Abilene, Kansas

Vào năm 1960, tổng thống Dwight Eisenhower đã hoàn tất 2 nhiệm kỳ, và sau đây là lời giã từ của ông trước quốc dân:

“3 ngày nữa thôi, sau một nửa thế kỷ phục vụ đất nước, tôi sẽ giã từ nhiệm vụ, như truyền thống và lễ nghị trang trọng, quyền tổng thống sẽ được trao lại cho người kế nhiệm tôi. Kính thưa quốc dân đồng bào, buổi tối hôm nay tôi gửi đến quí vị lời chào từ biệt và chia sẻ với quí vị đôi chút cảm nghĩ cuối cùng.”

Ông Dwight Eisenhower, người hùng của thế chiến thứ hai, được nhân dân bầu vào chức vụ tổng thống năm 1952. Năm sau đó cuộc chiến Triều Tiên kết thúc bằng một hiệp ước đình chiến.

Trong lúc tại vị, Tổng thống Dwight Eisenhower bắt đầu thông lệ tạo những cuộc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Liên Xô. Ông đã gặp nhà lãnh đạo Xô Viết Nikolai Bulganin và Nikita Khrushchev. Những lần gặp gỡ như thế có lẽ đã giúp giảm bớt nguy cơ của một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa hai nước Nga- Mỹ trong thời chiến tranh lạnh.

Đến năm 1960, Tổng thống Eisenhower đã phục vụ hết hai nhiệm kỳ. Lúc đó hiến pháp Hoa Kỳ đã thay đổi để không vị tổng thống nào có thể được bầu quá hai nhiệm kỳ, sau khi Tổng thống Franklin Roosevelt đã đắc cử 4 lần. Tổng thống Eisenhower nói:

“Giờ đây chúng ta đã ở thời điểm 10 năm sau giữa một thế kỷ đã chứng kiến 4 cuộc chiến lớn giữa những quốc gia lớn. 3 trong số đó có liên quan đến quốc gia chúng ta.
Bất chấp những tàn phá khủng khiếp đó, ngày nay nước Mỹ vẫn là quốc gia hùng mạnh nhất, có ảnh hưởng nhất, và là quốc gia sản xuất nhiều nhất trên thế giới. Tuy lòng tự hào về tính ưu việt này của nước Mỹ có thể hiểu được, chúng ta cũng nhận thức được rằng sự lãnh đạo và uy tín của Hoa Kỳ không chỉ dựa trên tiến bộ vật chất vô song, sự giàu có và sức mạnh quân sự, mà còn về cách chúng ta sử dụng sức mạnh của chúng ta cho lợi ích của hòa bình thế giới và cho sự thăng tiến của con người.”

Vào cuối nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Eisenhower vẫn được dân chúng ủng hộ mạnh. Ông đã bị một cơn đau tim, nhưng vị tổng thống thuộc đảng Cộng Hòa vẫn thấy đủ sức khỏe để ra tranh cử nhiệm kỳ hai vào năm 1956.

Đối thủ thuộc đảng Dân Chủ là ông Adlai Stevenson. Hai vị từng là đối thủ trong cuộc tranh cử 4 năm trước đó. Lần bầu cử thứ nhì, ông Eisenhower vượt xa ông Stevenson đến gần 10 triệu phiếu, thắng lợi lớn còn hơn cả cuộc bầu cử nhiệm kỳ thứ nhất năm 1952. 

Tuy nhiên nhiệm kỳ thứ nhì của tổng thống Eisenhower lại gặp khó khăn. Liên Xô mở đầu kỷ nguyên không gian bằng cách đưa vệ tinh đầu tiên lên quĩ đạo bay quanh trái đất. Fidel Castro thiết lập một chính phủ cộng sản tại Cuba.

Nhiều người Mỹ da trắng chống lại quyết định của Tối cao Pháp viện chấm dứt phân biệt chủng tộc ở học đường, và nền kinh tế Mỹ đi vào suy thoái.

Mức độ ủng hộ của dân chúng dành cho Tổng thống Eisenhower đã xuống thấp vào nhiệm kỳ hai của ông. Điều này tạo khó khăn thêm cho ứng cử viên kế tiếp của đảng Cộng Hòa ra tranh cử tổng thống.

Đảng Cộng Hòa đề cử ứng viên ra tranh ghế tổng thống vào mùa hè năm 1960 lo sợ là đảng sẽ thất cử vào tháng 11 năm đó. Họ đã phải lo tìm ra một ứng cử viên mạnh thế bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Nhiều người nghĩ ông Richard Nixon là ứng viên mạnh nhất.

Ông Nixon từng là thượng nghị sỹ và dân biểu quốc hội . Ông cũng là phó tổng thống trong hai nhiệm kỳ của tổng thống Eisenhower. Khi Tổng thống Eisenhower nhiều lần bệnh nặng, ông Nixon đã có cơ hội chứng tỏ khả năng lãnh đạo quốc gia.

Ông Nixon đã dễ dàng chiếm được sự ủng hộ của đảng và được các đại biểu đề cử ngay từ vòng đầu. Ông lên tiếng kêu gọi hòa bình và tự do trên khắp thế giới.

Trong khi đó cuộc tranh cử trong nội bộ đảng Dân chủ khó khăn hơn nhiều. Đảng Dân chủ ngỡ là sẽ dễ dàng thắng cử. Nhiều ứng cử viên tham gia vòng tranh cử để được đảng đề cử ra tranh ghế tổng thống. Một trong những ứng cử viên là thượng nghị sỹ Hubert Humphrey, đại diện bang Minnesota. Một người nữa là Thượng nghị sỹ John Kennedy, đại diện bang Massachusetts.

Ông Humphrey đã ba lần đắc cử vào thượng viện. Ông là một nhân vật mạnh mẽ tranh đấu cho dân quyền và hòa bình. Còn ông Kennedy là một anh hùng của hải quân Hoa Kỳ trong thời thế chiến thứ hai. Ông đẹp trai và mới 43 tuổi. Ông là tín đồ Thiên chúa giáo La Mã. Trước đó chưa hề có một tín đồ Công giáo nào đắc cử tổng thống Hoa Kỳ.

Hai ứng cử viên Kennedy và Humphrey bắt đầu tranh cử vòng sơ bộ tại các tiểu bang và ông Kennedy đã thắng ở Wisconsin. Tuy nhiên cử tri tại những vùng đông tín đồ Tin Lành trong bang lại không ủng hộ ông. Vấn đề đặt ra là ông có thể nào thắng được ở tiểu bang West Virtginia hay không, nơi hầu hết cử tri là tín đồ Tin Lành.

Vào đêm cuối cùng của vòng tranh cử sơ bộ tại West Virginia, ông Kennedy nói về tôn giáo của ông. Ông nói tổng thống Hoa Kỳ hứa trong lễ tuyên thệ phải bảo vệ hiến pháp, do đó, gồm cả việc phải tách rời nhà nước ra khỏi tôn giáo hay giáo hội.

Ông Kennedy đã thắng lớn ở tiểu bang West Virginia. Sau đó ông thu được phiếu trong các cuộc tranh cử sơ bộ khác. Ông được đề cử ngay vòng biểu quyết đầu tiên tại đại hội đảng Dân Chủ.

Sau đại hội đảng, hai ứng cử viên Kennedy và Nixon bắt đầu cuộc tranh cử trên toàn quốc.Ông Nixon chê ông Kennedy quá trẻ không thể giữ vai trò tổng thống được. Ông chỉ trích ông Kennedy không có kinh nghiệm cai trị quốc gia. Ứng cử viên Kennedy tấn công thành tích của đảng Cộng Hòa trong 8 năm trước đó. Ông nói Tổng thống Eisenhower và phó Tổng thống Nixon đã không làm đủ để thúc đẩy quốc gia tiến bộ.

Các nhóm Tin Lành bày tỏ lo ngại về tín ngưỡng của ông Kennedy. Họ ngại không biết ông sẽ có bị ảnh hưởng của giáo hoàng hay không. Họ phân vân không biết giáo hội thiên chúa La Mã sẽ có tìm cách hoạch định chính sách cho Hoa Kỳ hay không. Ông Kenedy trả lời bằng cách lập lại sự ủng hộ mạnh mẽ cho việc tách rời nhà nước ra khỏi tôn giáo.
 

Phó Tổng thống Richard Nixon (trái) và Thượng nghị sĩ John Kennedy trong lần tranh luận thứ tư vào ngày 21/10/1960

Các cuộc thăm dò công luận cho thấy sự ủng hộ dành cho hai ứng cử viên này ngang nhau. Hai ông đã qua 4 lần tranh luận được truyền hình toàn quốc.

Trong cuộc tranh luận lần đầu , ông Kennedy dường như thắng thế, ông Nixon có vẻ thắng thế lần thứ nhì và hai ông ngang nhau ở hai lần cuối.
Trong lần tranh luận lần thứ tư họ bày tỏ quan điển hoàn toàn khác biệt về vấn đề Hoa Kỳ có tiến bộ hay không. Ông Kennedy tin là nước Mỹ tiến bộ rất ít dưới thời tổng thống Eisenhower và phó tổng thống Nixon.

Ông nói: “Tổng thống Franklin Roosevelt nói vào năm 1936 (sau vụ đại khủng hoảng kinh tế) rằng thế hệ đó của người Mỹ đã chịu vận mệnh xấu. Tôi tin là trong những năm 1960,61,62, 63, chúng ta cũng gặp vận mệnh xấu. Tôi tin phận sự của chúng ta là phải bảo vệ nước Mỹ và quyền tự do. Để làm được chuyện đó chúng ta phải có lãnh đạo giỏi để thúc đẩy nước Mỹ tiến tới.

Ông Nixon không đồng ý. Ông cho là Hoa Kỳ không ngưng bước tiến, nhưng phải làm nhiều hơn nữa.

Ông nói: “Điều quan trọng đối với cuộc xung đột mà chúng ta có trên khắp thế giới là chúng ta không chỉ nghĩ cho mình, chúng ta không giữ tự do cho riêng chúng ta. Điều thiết yếu là chúng ta phải mở rộng tự do, mở rộng tự do ra khắp thế giới. Điều này có nghĩa là phải làm nhiều hơn những gì chúng ta vẫn làm. Nó có nghĩa là phải giữ cho nước Mỹ hùng mạnh hơn nữa về quân sự, nó có nghĩa là thúc đẩy nền kinh tế của chúng ta tiến nhanh hơn nữa. Nó có nghĩa là phải đạt tiến bộ hơn nữa về dân quyền để cho chúng ta có thể là một tấm gương sáng chói cho tất cả thế giới noi theo.”

Một vấn đề khác được đề cập tới trong cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên tổng thống năm 1960 là vụ Trung Quốc tấn công đảo Kim Môn và Mã Tổ ở eo biển Đài Loan. Cuộc tranh luận còn đề cập đến phương thức làm sao đối phó với nhà lãnh đạo của Liên Xô, ông Nikita Khruschev.

Sau các cuộc tranh luận, hai ứng cử viên lại đi khắp nước vận động. Ông Nixon đề nghị nếu đắc cử, ông sẽ đến đông Âu và gặp ông Khrushchev.

Còn ông Kennedy đề nghị thành lập đoàn hòa bình, một chương trình gửi thanh niên Mỹ đến những quốc gia đang phát triển để giúp đỡ kỹ thuật và những trợ giúp khác.

Vào ngày bầu cử tháng 11 năm đó, cử tri đã chọn ông John Kennedy làm vị tổng thống thứ 35 của nước Mỹ.

Tuy vậy ông đã thắng đối thủ chỉ với một số phiếu khít khao. Gần 69 triệu cử tri Mỹ đi bầu, ông Kennedy đã thắng chỉ với gần 120 ngàn lá phiếu nhiều hơn ứng cử viên Nixon.