Cho tới nay, chỉ mới có 12 phụ nữ được trao Giải Nobel Hòa bình trong 110 năm lịch sử giải này.
Từ trái sang phải : Tawakkul Karman, Elen Jonhson Sirleaf và Leymah Gbowee
Ngày 07/10/2011, tại Oslo- Na Uy, Uỷ ban Nobel vừa loan báo trao giải Nobel Hòa bình 2011 cho ba phụ nữ châu Phi : nữ tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf, nhà đấu tranh người Liberia Leymah Gbowee và nhà đấu tranh người Yemen Tawakkul Karman.
Theo lời chủ tịch Uỷ ban Giải Nobel Thorbjoern Jagland, ba phụ nữ nói trên được tặng thưởng Giải Nobel Hòa bình 2011 vì « cuộc đấu tranh bất bạo động của họ cho sự an toàn của phụ nữ và cho quyền của phụ nữ được tham gia đầy đủ vào việc kiến tạo hòa bình ».
Ông Jagland cho rằng : « Chúng ta không thể đạt đến dân chủ và hòa bình lâu dài trên thế giới nếu phụ nữ không có được những cơ hội như nam giới trong việc tác động đến sự phát triển ở mọi cấp trong xã hội ». Bà Ellen Johnson Sirleaf, 72 tuổi, là nữ tổng thống dân cử đầu tiên ở châu Phi. Được mệnh danh là « Người đàn bà gan thép », bà Sirleaf được quốc tế đánh giá rất cao về những nỗ lực của bà nhằm tái thiết một đất nước bị tàn phá nặng nề sau 14 năm nội chiến. Phụ nữ Liberia thứ hai được đồng trao giải Nobel Hòa bình là bà Leymah Gbowee, vốn được mệnh danh là « nữ chiến binh của hòa bình », vì chính bà đã khởi xướng phong trào hòa bình góp phần chấm dứt cuộc nội chiến thứ hai vào năm 2003 ở Liberia . Phụ nữ thứ ba của Giải Nobel Hòa bình năm nay, bà Tawakkol Karman, người Yemen, cũng là người đã đóng vai trò quyết định trong cuộc đấu tranh cho nữ quyền, cho dân chủ và hòa bình ở Yemen. Bà đã khởi đầu cuộc đấu tranh từ rất lâu trước khi phong trào Mùa Xuân Ả Rập bùng phát. Cho tới nay, chỉ mới có 12 phụ nữ được trao Giải Nobel Hòa bình trong 110 năm lịch sử giải này. Phụ nữ cuối cùng được trao Giải Nobel Hòa bình là nhà bảo vệ môi sinh Kenya Wangari Maathai. Để biết thêm về ba nhân vật vừa đoạt giải Nobel Hòa bình, mời xem tạp chí đặc biệt của RFI Việt ngữ: Nobel Hòa bình 2011: Thắng lợi của nữ quyền |