Có khoảng 1,5 triệu ha ruộng lúa ở Việt Nam, Thái Lan, Lào và Cam Bốt đã bị phá hủy
Một phần tỉnh An Giang bên bờ sông Cửu Long chìm trong lũ lụt. Ảnh chụp ngày 28/9/2011 REUTERS/Duc Vinh
Trong những ngày qua, cả triệu hecta ruộng lúa từ Việt Nam, Cam Bốt, ngược lên Lào và qua đến Thái Lan, đã bị dìm trong biển nước với những trận lụt được cho là nặng nề nhất từ nhiều năm nay.
Mùa màng tại nơi được mệnh danh là vựa lúa của châu Á bị tàn phá, đã khiến Liên Hiệp Quốc phải lên tiếng báo động về nguy cơ giá gạo và các loại lương thực khác tăng vọt, làm cho đời sống dân nghèo thêm khốn khổ.
Trong một bản thông cáo được hãng tin Pháp AFP vào hôm nay 06/10/2011 trích dẫn, đại diện Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phụ trách vấn đề phòng chống thiên tai, bà Margareta Wahlstrom, không che giấu nỗi lo ngại : “Giờ đây, toàn thể khu vực sẽ phải gánh chịu tình trạng giá lương thực tăng cao vì lẽ vô số mùa màng dự tính thu hoạch đã bị tàn phá. Thiệt hại sẽ rất nghiêm trọng trong năm nay và cần phải có thêm nhiều thời gian trước khi mọi người có thể trở lại cuộc sống bình thường”. Theo ghi nhận của AFP, tính đến nay, có khoảng 1,5 triệu ha ruộng lúa ở Việt Nam, Thái Lan, Lào và Cam Bốt đã bị phá hủy hoặc đang có nguy cơ bị tàn phá.
Thái Lan, nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới bị thiệt hại nặng nề nhất, kế đến là Cam Bốt, rồi tới Việt Nam và cuối cùng là Lào. Tại Thái Lan, đã có 244 người thiệt mạng vì các trận lũ lụt kéo dài từ hai tháng nay, khoảng một triệu hai – tương đương với 10% tổng diện tích trồng lúa của vương quốc này - đã bị hủy hoại. Thiệt hại đáng kể ở Thái Lan sẽ góp phần đẩy giá gạo trên thị trường quốc tế lên cao, nhất là khi chính quyền Bangkok đã loan báo ý định hỗ trợ nông dân để giúp họ nâng giá lúa gạo. Nguy cơ lương thực tăng giá lại càng rõ nét hơn khi lũ lụt tràn xuống vùng đồng bằng sông Cửu Long ở miền Nam Việt Nam, một khu vực sản xuất gạo chủ yếu khác, bảo đảm một nửa sản lượng gạo của quốc gia xuất khẩu đứng hàng thứ hai thế giới. Phát biểu với hãng AFP, ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc sở Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp cho biết : “Mực nước vùng thượng lưu đã bắt đầu giảm nhẹ, nhưng ở dưới đây nước bắt đầu dâng lên khoảng từ 3 đến 5 cm mỗi ngày".
Hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang, giáp giới Cam Bốt, đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ mùa lũ năm nay. Theo các viên chức Việt Nam, đã có ít nhất 11 người chết, khoảng 27.000 ngôi nhà bị ngập và gần 6.000 ha lúa đã bị mất trắng. Bên cạnh đó, còn có gần 100.000 hecta khác bị đe dọa. Nguyên nhân khiến cho vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ngập lụt là các trận mưa lớn bất thường tại các nước như Lào và Thái Lan ở khu vực phía trên dòng Mekong. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, hệ thống đê điều kém cỏi, xây dựng một cách lộn xộn trong vùng cũng góp phận làm tai họa thêm nghiêm trọng.
Ông Bùi Minh Tăng, một chuyên gia dự báo thời tiết, giải thích là đê điều đã cho phép “ngăn chặn nước ở một số nơi nhưng lại gây ra lũ lụt ở những nơi khác”. Tại Cam Bốt, đã có hơn 160 người thiệt mạng vì lũ lụt, hơn 330.000 ha ruộng lúa bị ngập, trong đó có hơn 100.000 ha bị phá hủy hoàn toàn. Chính quyền lo ngại không đạt được chỉ tiêu dôi ra được 3 triệu tấn gạo trong năm nay. Lào, một trong những quốc gia nghèo nhất của châu Á, cũng đã phải gánh chịu hậu quả của mưa lũ, với ít nhất 23 người chết sau các trận bão nhiệt đới từ tháng Sáu đến nay. Về nông nghiệp, hơn 60.000 ha lúa bị phá hủy .
|