Người dân Trung Quốc không còn sợ hãi khi xuống đường phản kháng
Người dân thu thập chữ ký ủng hộ vụ nổi dậy ở Lục Phong, Quảng Đông ngày 23/9/11 chống lại việc chính quyền trưng thu đất đai. REUTERS/Staff
Nhật báo công giáo La Croix có bài viết mang tựa đề « Xã hội Trung Quốc không còn sợ hãi khi bày tỏ sự phẫn nộ ».
Theo tác giả, do đã quá chán ngán với bao nhiêu tai nạn chết người, nạn ô nhiễm, các vụ trưng thu đất…người dân Trung Quốc không ngần ngại tố cáo tham nhũng thông qua internet. Chế độ Bắc Kinh hiện đang lo sợ phong trào phản kháng trở thành có tổ chức.
Bài báo mở đầu bằng trường hợp anh Yan, 20 tuổi, nghệ sĩ dương cầm rồi sau làm hướng dẫn du lịch, có cuộc sống khá nhàn nhã.
Nhưng tháng Tám vừa rồi, anh đã không ngần ngại đi biểu tình trước Ủy ban thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, để chống lại việc xây dựng một nhà máy hóa dầu. Anh nói, khi nhận được tin nhắn qua điện thoại của một người bạn, anh không chần chừ lấy một giây và đi ngay lập tức. Ngược lại với thế hệ cha ông, người thanh niên vốn là con một này không hề sợ hãi, lo âu khi xuống đường hô khẩu hiệu, nhất là vì năm ngoái, nạn thủy triều đen đã xâm hại bờ biển Liêu Ninh. Trước sự phản kháng mãnh liệt của người dân thành phố vốn giàu có và bị kiểm soast chặt về chính trị này, chính quyền đã phải hứa hẹn sẽ di dời nhà máy gây ô nhiễm đi nơi khác. Theo La Croix, sau ba mươi năm phát triển kinh tế, đã có những đổi thay sau thời kỳ mù mờ thông tin và kiểm duyệt gắt gao trước đây. Dường như không gì thoát khỏi tai mắt của dư luận, đặc biệt là tầng lớp trung lưu. Ông Jean- Philippe Béja, nhà Trung Hoa học chuyên về phong trào ly khai nói : « Tôi không muốn nói đến một xã hội công dân tại Trung Quốc trong lúc này. Xã hội có lên tiếng, công dân có bày tỏ ý kiến phản kháng, ý thức được những thực tế trước mắt, nhưng không có nghĩa đó là xã hội công dân. Điều này còn rất xa mới vươn tới nổi, vì không có dân chủ tại Trung Quốc. Tôi chỉ muốn đề cập đến một xã hội công dân mạng bán tự chủ, thỉnh thoảng mới phản ứng trước một số vấn đề cụ thể ». Với điện thoại di động, máy vi tính, internet (có đến 400 triệu người Trung Quốc vào mạng thường xuyên), và nhất là các trang mạng xã hội như Tân Lãng Vi Bác, một vụ biểu tình dù nhỏ cũng nhanh chóng được cả nước biết đến.
Từ nhiều tháng qua, liên tục xảy ra những vụ tai nạn chết người. Người dân Trung Quốc xem các hình ảnh về các vụ này, đọc được những lời phê phán chính quyền địa phương, ngay cả trên báo chí chính thức. Theo ông Jean- Philippe Béja, thì « Nay không chỉ các nhà đấu tranh tên tuổi bị chính quyền trấn áp, mà các công dân bình thường và các nạn nhân đòi công lý cũng đã biết cách thông tin cho công chúng ». La Croix nhận xét, nhiều cán bộ ăn hối lộ, lạm dụng chức quyền nay đã bị vạch mặt chỉ tên. Một số biến mất, hoặc trốn ra nước ngoài, và ngày càng nhiều quan tham phải ra trước tòa án.
Bà Marie Holzman, chuyên gia về Trung Quốc và là chủ tịch hiệp hội Trung Hoa Liên đới nhấn mạnh : « Có một sự bất mãn thực sự trong xã hội Trung Quốc, và cơn phẫn nộ trước các cán bộ tham nhũng ngày một tăng. Sự hiện diện của xã hội ảo trên mạng là một thực tế khó thể chối cãi. Và hàng loạt các tai nạn xe lửa, métro, đường bộ cho thấy kỹ thuật tiên tiến khó thể áp dụng trong một bối cảnh thiếu dân chủ. Có thể có những kỹ sư giỏi, nhưng quyết định tối hậu luôn do các cán bộ bất tài của Đảng Cộng sản đưa ra… » Kỷ nguyên Putin đệ nhị, thời kỳ băng hà về kinh tế Nhìn sang nước Nga, nhật báo kinh tế Les Echos có bài phân tích mang tựa đề « Putin 2, hay những hiểm nguy của một kỷ nguyên băng hà ». Tác giả nhận xét, như vậy là ông Putin sẽ quay lại điện Kremlin vào tháng Ba năm tới, nhờ có ông Medvedev làm Tổng thống « giùm » vào năm 2008 để giữ chỗ, do Hiến pháp Nga cấm giữ chức Tổng thống quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Với quy định mới cho nhiệm kỳ Tổng thống là 6 năm thay vì 4 năm như trước đây, ông Putin có thể điềm nhiên tại vị cho đến năm 2024. Và như vậy, ông sẽ là người quyền lực nhất nước Nga trong vòng một phần tư thế kỷ. Đây là điều chưa từng xảy ra tại Nga kể từ thời Stalin cho đến nay, cũng như trên thế giới, trừ vài nhà độc tài châu Phi. Vladimir Putin và những người thân tín được mệnh danh là « siloviki » (gồm KGB, cảnh sát, quân đội) cho rằng việc thay đổi lãnh đạo là quá nguy hiểm. Chỉ có mình ông Putin là ngăn được các phe nhóm quyền lực thanh toán lẫn nhau, ông là hiện thân của sự ổn định, sau kỷ nguyên Yeltsin. Nhưng theo Les Echos, thì kể từ nhiệm kỳ thứ hai của ông Putin vào năm 2004, đã hình thành một hệ thống « kiểu Xô viết nhưng đặt lợi nhuận làm đầu ». Và người đứng đầu hệ thống này tự cho mình là một Pierre Đại đế hiện đại, nhưng thực ra chỉ là Leonid Brejnev. Một ông Brejnev lực sĩ, trang bị điện thoại thông minh, nhưng dù sao cũng chỉ là Brejnev, đang đưa nước Nga vào thời kỳ băng giá. Tham nhũng hoành hành, dân số sút giảm (đến năm 2050 dân số nước Nga chỉ còn 105 triệu người trong khi hiện nay là 141 triệu), và công dân bị bịt miệng.
Các đảng đối lập chân chính, trừ đảng cộng sản, đã bị cấm tham gia cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 12 tới. Les Echos cho rằng không phải là điều ngạc nhiên khi có đến 22% người Nga muốn di cư đi nơi khác, trong khi bốn năm trước tỉ lệ này chỉ có 7%. Theo tờ báo, nếu ông Putin muốn đưa nước Nga đến năm 2015 trở thành cường quốc kinh tế đứng thứ năm trên thế giới như đã tuyên bố, có nghĩa là phải tăng trưởng đến 11% một năm, thì cần có những doanh nhân không sợ bị cảnh sát cấu kết với mafia tước đoạt thành quả của mình.
Tuy nhiên Les Echos nhận xét, những cải cách về luật pháp và thuế khóa có tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, nhưng không khí sợ hãi vẫn bao trùm, và có đến 70 tỉ đô la vốn đầu tư nước ngoài đã bị rút ra khỏi nước Nga vào năm ngoái. Thu nhập từ dầu hỏa không đủ để chi cho các nhu cầu to lớn về cơ sở hạ tầng, tái trang bị quân đội, hưu bổng…, tăng trưởng chỉ còn 4% và năng suất trong đa số lãnh vực không hề tăng từ mười năm qua. Trong bối cảnh đó, việc cách chức vị Bộ trưởng Tài chính uy tín Alexei Koudrine - một người thân cận ông Putin - vì dám chỉ trích ông Medvedex, là một điềm xấu. Nhưng theo Les Echos, có lẽ món quà này ông Putin dành cho ông Medvedev, để phòng hờ có khi lại cần đến nhân vật bù nhìn này trong hai năm tới, khi tình hình kinh tế xấu đi. Ngân hàng Dexia bên bờ phá sản Quay lại với vụ ngân hàng Dexia bên bờ vực phá sản, dù hai chính phủ Pháp và Bỉ đều ra tay cứu vớt, Les Echos cho rằng đây sẽ là vụ phá sản tốn kém nhất lịch sử ngân hàng Pháp. Theo tờ báo, lẽ ra tai họa này đã có thể tránh khỏi, nhưng chính quyền đã không chịu rút kinh nghiệm sau vụ ngân hàng Crédit Lyonnais trước đây. Tờ báo đặt câu hỏi, cho dù phía Bỉ chịu trách nhiệm trực tiếp, nhưng làm thế nào có thể để mặc cho các lãnh đạo một ngân hàng lớn như thế dấn sâu vào các hoạt động tài chính quá nhiều rủi ro ? Và thay vì để cho phá sản từ ba năm trước, không chỉ chính quyền Pháp, mà cả Tây Ban Nha, Ý, Đức lại để cho các định chế kiểu này tiếp tục sống vật vờ, nhờ được Ngân hàng Trung ương châu Âu cho vay một cách dễ dàng. Vấn đề là, nay thì khủng hoảng tài chính đã biến thành khủng hoảng nợ công.
Les Echos nhận định, xì-căng-đan Dexia cũng như cuộc khủng hoảng Hy Lạp cho thấy, cần phải phản ứng ngay nếu không muốn phải trả một cái giá quá đắt. NATO không muốn thấy một châu Âu yếu kém về quốc phòng Trên lãnh vực quân sự, nhân hội nghị các bộ trưởng Quốc phòng NATO diễn ra hôm nay và ngày mai tại Bruxelles nhằm rút ra các bài học từ cuộc chiến Libya, nhật báo công giáo La Croix nhận xét, tình trạng thiếu thốn phương tiện của quân đội các nước châu Âu lại càng rõ nét. Sự can thiệp quân sự vào Libya một lần nữa làm nổi bật những khiếm khuyết về năng lực quốc phòng của châu Âu, đã thấy được trước đây tại Afghanistan và trong hoạt động chống hải tặc. Quân của nhiều nước nhanh chóng bị hết đạn, đặc biệt là bom laser. Hoa Kỳ phải đảm bảo đến 75% việc tiếp liệu trên không, 70 đến 80% công tác thám báo và tuần tra, 87% trong việc tiêu hủy lực lượng phòng không Kadhafi. Theo La Croix, sắp tới, khi ngân sách Lầu Năm Góc bị cắt giảm mạnh, và nếu Hoa Kỳ tập trung sức mạnh quân sự về phía châu Á, thì NATO có nguy cơ trở thành một chiếc vỏ sò rỗng tuếch. Nếu Pháp, Đức, Anh lại bất đồng về chính sách an ninh quốc phòng, thì châu Âu sẽ trở lại với các mối đe dọa cũ. Đó là nạn chia rẽ, thiếu vắng quyết tâm cũng như phương tiện. Kinh tế châu Âu: Tựa chính các báo Pháp Kinh tế châu Âu tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu của các báo xuất bản tại Paris hôm nay.
Nhật báo cánh hữu Le Figaro chạy tựa « Lần đầu tiên diễn ra tại châu Âu : Ngân hàng Dexia, nạn nhân của đồng euro ».
Tờ báo kinh tế Les Echos nhận xét « Cuộc khủng hoảng ở khu vực đồng euro khiến ngân hàng Dexia hấp hối ».
Nhật báo công giáo La Croix đưa tít « Các nhà quản lý trước thử thách của khủng hoảng » và nhấn mạnh : cuộc khủng hoảng kinh tế đã dẫn đến việc nhiều chính phủ châu Âu bị sụp đổ, do áp đặt những cải cách làm mất lòng dân.
Nhật báo cộng sản L’Humanité lại lo lắng cho một « Hy Lạp bị thị trường xâu xé » - các lãnh đạo châu Âu đòi Hy Lạp phải thắt lưng buộc bụng hơn nữa, trong khi nước này đã phải giảm lương tối thiểu, thải hồi nhiều công chức, tư nhân hóa… Về thời sự nước Pháp, tờ Le Monde chạy tựa « Vấn đề ngoại ô, Hồi giáo : Một cuộc điều tra gây phiền nhiễu ».
Tờ báo cho biết cuộc điều tra mới đây tại Clichy-sous-Bois và Montfermeil, hai vùng ngoại ô của Paris đã từng là tâm chấn xảy ra cuộc khủng hoảng hồi năm 2005 cho thấy, trọng lượng của đạo Hồi giáo ngày càng đậm nét trong đời sống thường nhật của người dân tại đây.
Còn nhật báo cánh tả Libération đưa lên trang nhất sự kiện lần lượt nhiều chỉ huy cảnh sát bị điều tra, trong đó có người đứng đầu cơ quan cảnh sát hình sự Grenoble. Trang báo được chạy hàng tít « Cảnh sát hình sự Lyon : Những chú gà bị nướng chín ».
|